1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Cuối năm, công nhân làm thêm nhiều nghề để có tiền tiêu Tết

Kim Sơn

(Dân trí) - Chỉ còn gần 1 tháng nữa là tới Tết Tân Sửu, nhiều công nhân ở Hà Nội phải đi thêm các nghề xe ôm, bán hàng, rửa bát để cải thiện thêm thu nhập.

Từ xe ôm, bán hàng rong đến rửa bát thuê

Hôm nay, anh Nguyễn Hữu Tiến (quê Hạ Hòa, Phú Thọ) dành thời gian trong ngày đi chạy xe ôm công nghệ (Grab). Công ty sản xuất khuôn đúc ở KCN Bắc Thăng Long - nơi anh làm việc - đang phải cho công nhân nghỉ giãn việc.

"Công ty cho công nhân làm 4 ngày và được nghỉ 1 ngày. Sẵn có xe máy, tôi tranh thủ kiếm vài "cuốc" để bù đắp vào những ngày nghỉ không biết làm gì", anh Nguyễn Hữu Tiến chia sẻ.

Nhiều tháng nay, anh Nguyễn Hữu Tiến chỉ được làm 8 tiếng và không được làm thêm ngày cuối tuần. Tiền lương mỗi tháng anh được lĩnh chỉ khoảng từ 6 - 7 triệu đồng.

Cuối năm, công nhân làm thêm nhiều nghề để có tiền tiêu Tết - 1
Nhiều công nhân như anh Nguyễn Hữu Tiến chọn chạy xe ôm cải thiện thu nhập.

"Đợt dịch vừa rồi, công ty vẫn làm như bình thường. Nhưng hàng tồn đọng, không bán được ra nên đến giờ chỉ hoạt đồng cầm chừng như vậy thôi", anh Nguyễn Hữu Tiến lý giải.

Cũng tình cảnh tương tự, đồng nghiệp cùng công ty của anh Nguyễn Hữu Tiến là anh Ngô Văn Thế đang bươn chải kiếm thêm thu nhập từ công việc khác.

Anh Ngô Văn Thế có ông chú làm nghề bán giày rong. Sẵn lúc rảnh việc, anh phi xe máy từ Đông Anh ra đoạn đường Giải Phóng (Hoàng Mai, Hà Nội) phụ giúp người thân.

Anh chia sẻ, nếu ngồi bán được nhiều hàng thì được trả công 300 nghìn đồng/ngày. Một tuần ngồi bán 3 ngày, tính ra anh Thế cũng kiếm được 2 - 3 triệu đồng cải thiện thêm thu nhập.

Cuối năm, công nhân làm thêm nhiều nghề để có tiền tiêu Tết - 2

Công việc chính không ổn định, anh Tiến làm thêm công việc bán giày dép.

"Năm 2020, công ty của tôi cho công nhân tăng ca 12 tiếng, làm cả chủ nhật. Lương mấy tháng cuối năm toàn trên 10 triệu đồng", anh Thế chia sẻ.

Dệt may là 1 trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Công việc ở xưởng may xuất khẩu ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) của chị Dương Thị Mến không được ổn định.

Qua mạng xã hội để tìm việc, chị Mến đã xin vào làm nhân viên rửa bát tại 1 tiệm phở. Số tiền 150 nghìn đồng/buổi là thù lao được chủ quán trả cho chị.

Đã hơn 5 tháng nay rồi, xưởng may nơi chị Mến làm việc chỉ bố trí được công việc 4 ngày/tuần cho công nhân. Đồng lương chỉ đủ trả tiền trọ, chị phải kiếm thêm việc nữa mới mong có đồng dư ra.

Chỉ mong được làm thêm giờ

Tâm sự với PV, anh Nguyễn Hữu Tiến đi làm thêm nghề tay trái chỉ là bất đắc dĩ. Anh chỉ muốn công ty ổn định trở lại để toàn tâm toàn ý làm việc.

"Nhiều anh em ở xóm trọ tôi cũng đi làm thêm nhiều nghề - từ bán hàng qua mạng, chạy xe ôm như tôi. Việc chạy đi chạy lại rất cực lại cũng chỉ đủ được đôi chút mà thôi", anh nói.

Anh Tiến bày tỏ hy vọng công ty sớm giải quyết số hàng tồn đọng. Qua đó tạo điều kiện cho công nhân được làm thêm ca, thu nhập trở lại như bình thường.

Cuối năm, công nhân làm thêm nhiều nghề để có tiền tiêu Tết - 3

Đối với công nhân nữ như chị Mến, rửa bát thuê là lựa chọn của nhiều người.

 Nghe đồng nghiệp báo tin, quản lý nói sang tuần công nhân có thể làm đơn xin làm thêm giờ, anh Ngô Văn Thế mừng thầm. Anh Thế mong không phải chạy xe mấy chục cây số hằng ngày như bây giờ nữa.

"Năm ngoái, tôi được thưởng Tết bằng 2 tháng lương - khoảng gần 10 triệu. Bây giờ, họ thưởng cho chúng tôi bằng 1 nửa số ấy là đáng quý lắm rồi", anh bày tỏ.

Từ Bắc Kạn lên Hà Nội bươn trải, sẵn có tay nghề, chị Dương Thị Mến đã làm việc cho xưởng may hơn 4 năm nay. Chưa khi nào chị nghĩ phải khó khăn kiếm ra đồng tiền chi tiêu như bây giờ.

"Chồng tôi đi làm cửu vạn, ngày có ngày không. Cứ ngỡ tiền lương ở xưởng may ổn định có thể cân bằng cuộc sống nhưng nào ngờ…", chị ngậm ngùi.

Hiện nay, vợ chồng chị Mến ngoài phải đóng tiền trọ, sinh hoạt, còn phải lo cho 2 thằng nhỏ ăn học. Vợ chồng chị không dám tiêu pha gì nhiều, tiết kiệm từng đồng lo cho đóng học phí cho con và giành dụm 1 chút đề phòng ốm đau.

Tâm sự thêm, chị Mến chỉ ước tạo điều kiện cho được quay được làm việc như bình thường. Nghề rửa bát thuê, chị vẫn sẽ đạp xe đạp vài cây số hàng ngày để làm thêm vào buổi tối.