1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Nghề nặn tượng ông Công, ông Táo ở Hội An gặp khó vì... mưa kéo dài

Công Bính Ngô Linh

(Dân trí) - Từ đầu tháng 11 âm lịch hằng năm, người dân làng gốm Thanh Hà (Hội An) đã tất bật làm tượng ông Công, ông Táo, nhưng năm nay do mưa rét kéo dài nên sản xuất gặp rất nhiều khó khăn.

Theo quan niệm của người dân Hội An, cứ vào dịp 23 tháng Chạp hàng năm, nhiều người dân đều cúng tiễn Táo Quân về trời. Cùng với đó, tượng ông Táo được thay mới để cầu một năm may mắn và đầy đủ. Nhu cầu sử dụng tượng Táo quân vì thế cũng tăng cao.

Nghề đúc tượng ông Công, ông Táo bằng đất sét ở Hội An đã có từ hàng trăm năm nay. Trước đây, nghề thu hút đông lao động. Nhưng sau này, do giá thành quá rẻ so với công sức bỏ ra nên hiện nay chỉ còn hai hộ dân tại làng gốm Thanh Hà vẫn còn giữ nghề.

Nghề nặn tượng ông Công, ông Táo ở Hội An gặp khó vì... mưa kéo dài - 1

Cơ sở của gia đình bà Dương Thị Ca là một trong hai nơi còn giữ nghề đúc tượng Táo quân còn sót lại tại làng gốm Thanh Hà

Đầu tháng 11 âm lịch hàng năm, cơ sở của gia đình bà Nguyễn Thị Chua (làng gốm Thanh Hà, TP Hội An, Quảng Nam), lại tất bật công việc làm tượng Táo quân cho kịp những đơn hàng khắp nơi trong và ngoài tỉnh.

Mỗi năm, gia đình bà Chua sản xuất khoảng 30.000 - 60.000 tượng để cung ứng ra thị trường. Cơ sở làm gốm gia đình bà Nguyễn Thị Chua là một trong hai nơi còn lại ở làng gốm Thanh Hà còn giữ làm tượng đất Táo quân vào dịp cuối năm.

Nghề nặn tượng ông Công, ông Táo ở Hội An gặp khó vì... mưa kéo dài - 2

Năm nay do mưa rét kéo dài nên công việc đúc tượng cũng đình trệ, tranh thủ những ngày trời nắng ráo bà Ca đúc tượng phơi khô

Tuy nhiên năm nay do mưa rét kéo dài, dù đất làm tượng đã chuẩn bị sẵn nhưng vẫn không sử dụng được, vì tượng Táo quân khi đúc xong phải có nắng phơi thật khô mới nung ra thành phẩm.

Bà Nguyễn Thị Chua cho biết, chồng bà - ông Nguyễn Văn Chín (một trong những người còn giữ nghề làm tượng Táo quân) - vừa qua đời nên gia đình dự định không làm. Nhưng do phải giữ mối khách hàng nên bà cố gắng chuẩn bị đất sét nặn tượng.

Nghề nặn tượng ông Công, ông Táo ở Hội An gặp khó vì... mưa kéo dài - 3

Nhưng năm nay bà cũng chỉ làm được 300 tượng Táo quân phục vụ thị trường

Tuy nhiên, từ tháng 11 âm lịch đến nay mưa rét kéo dài, không có nắng để phơi nên gia đình đành khất hẹn với bạn hàng.

"Bên cạnh việc sản xuất các sản phẩm gốm, thì đây cũng là nghề gia truyền của gia đình, đến chồng tôi là thế hệ thứ ba giữ nghề. Thường tháng 11 âm lịch chúng tôi sẽ đúc tượng nhưng năm nay mưa rét kéo dài khiến công việc đình trệ. Bạn hàng cũng có hỏi mua nhưng đành khất hẹn năm sau", bà Chua rầu rĩ nói.

Cơ sở còn lại vẫn duy trì nghề làm tượng Táo quân là của gia đình bà Dương Thị Ca (làng gốm Thanh Hà, TP Hội An). Bà Ca cho biết mọi năm gia đình thường làm hơn 10.000 tượng Táo quân để cung ứng thị trường.

Nhưng năm nay từ tháng 11 âm lịch đến nay mưa rét kéo dài khiến công việc đình trệ, tận dụng những ngày hửng nắng bà đúc tượng. Dẫu vậy cũng chỉ khoảng 300 tượng để cung ứng thị trường.

Nghề nặn tượng ông Công, ông Táo ở Hội An gặp khó vì... mưa kéo dài - 4

Nghề làm tượng Táo quân dần mai một do giá thành quá rẻ so với công sức bỏ ra

"Gia đình tôi nặn tượng phục vụ du lịch tại làng gốm, nhưng dịch Covid-19 khiến du lịch đình trệ, làng gốm cũng vắng bóng du khách. Hiện nay cũng có khách nhưng rất ít, không còn cảnh nhộn nhịp như xưa.

Bên cạnh đó, hằng năm đến Tết Nguyên đán chúng tôi làm thêm tượng Táo quân phục vụ cúng 23 tháng Chạp, nhưng năm nay mưa rét kéo dài khiến sản xuất khó khăn, rồi dịch bệnh sợ tiêu thụ khó nên tôi cũng không làm nhiều được", bà Nguyễn Thị Ca than thở.

Những ngày này, ghé thăm làng gốm Thanh Hà gần 500 năm tuổi nằm bên dòng sông Thu Bồn, chúng tôi không còn bắt gặp cảnh du khách vào ra nhộn nhịp (mỗi ngày cao điểm làng gốm có thể đón hơn 1.500 khách-PV). Do ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến du lịch "đóng băng" dài hạn, du khách đến làng gốm cũng dần thưa hẳn.

Để thu hút khách nội địa, dần phục hồi ngành du lịch, TP Hội An nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung đã và đang kích hoạt nhiều chương trình kích cầu hấp dẫn. Làng gốm Thanh Hà đang cố gắng làm mới mình để thu hút du khách gần xa, mang đến sinh khí mới cho làng gốm hàng trăm năm tuổi sau chuỗi thời gian dài tạm "ngủ yên" do dịch bệnh, bão lũ.