1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Xếp lương khi quản lý doanh nghiệp chuyển sang công chức

Bà Anh Thư (Thanh Hóa) làm giám đốc doanh nghiệp Nhà nước hạng 2 từ tháng 3/2007, hệ số lương 6,31. Trước đó, bà hưởng lương chuyên viên trong doanh nghiệp Nhà nước. Tháng 8/2008, bà chuyển sang công chức, được xếp bậc lương cuối của ngạch chuyên viên. Bà Thư hỏi, như vậy có đúng không?

Về vấn đề này, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội trả lời như sau:

Thời điểm tháng 8/2008, khi bà Anh Thư chuyển từ doanh nghiệp Nhà nước sang công chức cơ quan Nhà nước, việc chuyển xếp lương đối với cán bộ, công chức, viên chức khi thay đổi công việc và các trường hợp được chuyển công tác từ lực lượng vũ trang, cơ yếu và công ty Nhà nước vào làm việc trong các cơ quan Nhà nước và các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước, được thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 79/2005/TT-BNV ngày 10/8/2005 của Bộ Nội vụ (có hiệu lực từ ngày 10/9/2005, tình trạng còn hiệu lực).

Theo hướng dẫn tại Điểm a, Khoản 3, Mục II Thông tư này, việc xếp lương đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện xếp lương theo ngạch công chức, viên chức được thực hiện theo nguyên tắc : Làm công việc gì thì bổ nhiệm vào ngạch công chức, viên chức đó; được bổ nhiệm vào ngạch công chức, viên chức nào thì xếp lương theo ngạch công chức, viên chức đó.

Đối với trường hợp trước khi giữ chức vụ quản lý doanh nghiệp Nhà nước đã được xếp lương theo ngạch viên chức, Điểm a, Khoản 8 Mục III Thông tư số 79/2005/TT-BVN hướng dẫn việc chuyển xếp lương, đối với các chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên chuyên trách Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng công ty Nhà nước được chuyển công tác vào làm việc trong cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp của Nhà nước . Trường hợp trước khi giữ chức vụ quản lý doanh nghiệp đã được xếp lương theo ngạch, bậc công chức, viên chức (kể cả viên chức trong công ty Nhà nước) thực hiện như sau:

Căn cứ vào vị trí công việc mới được đảm nhiệm và tiêu chuẩn nghiệp vụ của ngạch công chức, viên chức, nếu được bổ nhiệm vào ngạch công chức, viên chức nào (ngạch tương đương hoặc ngạch thấp hơn so với ngạch đã được xếp trước khi giữ chức vụ quản lý doanh nghiệp) thì xếp lương theo ngạch đó.

Hệ số lương được xếp ở ngạch công chức, viên chức được bổ nhiệm khi chuyển công tác được thực hiện như sau:

Căn cứ vào hệ số lương đã được xếp ở ngạch, bậc công chức, viên chức trước khi giữ chức vụ quản lý doanh nghiệp để chuyển xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch công chức, viên chức được bổ nhiệm.

Thời gian giữ bậc lương đã được xếp ở ngạch, bậc công chức, viên chức cho đến khi giữ chức vụ quản lý doanh nghiệp cộng với thời gian giữ chức vụ quản lý doanh nghiệp (nếu có thời gian đứt quãng mà chưa hưởng chế độ BHXH thì được cộng dồn) được tính để nâng bậc lương lần sau hoặc để xếp lên bậc lương cao hơn hoặc tính hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) trong ngạch được bổ nhiệm theo chế độ nâng bậc lương thường xuyên và chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch được bổ nhiệm đó.

Sau khi chuyển xếp lương vào ngạch công chức, viên chức được bổ nhiệm theo quy định này, nếu hệ số lương được xếp ở ngạch được bổ nhiệm cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) thấp hơn so với hệ số lương chức vụ quản lý doanh nghiệp đang hưởng tại thời điểm chuyển công tác, thì tùy từng trường hợp cụ thể và căn cứ vào tương quan tiền lương nội bộ, thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức, viên chức xem xét, quyết định cho hưởng thêm hệ số chêch lệch bảo lưu.

Nếu được hưởng hệ số chêch lệch bảo lưu, thì hệ số chêch lệch bảo lưu này (được tính tròn số sau dấu phẩy 2 số) giảm tương ứng khi cán bộ, công chức, viên chức được nâng bậc lương hoặc được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung trong ngạch bổ nhiệm (khi chuyển công tác) hoặc khi được nâng ngạch.

Trường hợp bà Anh Thư, tháng 3/2007 bà được bổ nhiệm chức vụ giám đốc doanh nghiệp Nhà nước hạng 2, hưởng hệ số lương 6,31 theo Bảng lương của tổng giám đốc, giám đốc, phó tổng giám đốc, phó giám đốc, kế toán tưởng trong doanh nghiệp Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP ngày 12/4/2004 của Chính phủ.

Trước khi được bổ nhiệm, hưởng lương chức vụ giám đốc doanh nghiệp, bà Anh Thư đã hưởng lương ngạch chuyên viên theo Bảng lương viên chức chuyên môn nghiệp vụ trong doanh nghiệp Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số 205/2004/NĐ-CP. Nhưng bà Anh Thư không nêu cụ thể là đã hưởng lương bậc mấy trong ngạch chuyên viên. Thời gian giữ bậc, ngạch đó trước khi được bổ nhiệm chức vụ giám đốc là bao nhiêu?

Tháng 8/2008, bà Anh Thư chuyển sang công chức cơ quan Nhà nước. Áp dụng hướng dẫn tại Điểm a, Khoản 1, Mục III Thông tư số 79/2005/TT-BNV, cơ quan quản lý, sử dụng công chức căn cứ vào hệ số lương của bậc trong ngạch chuyên viên bà Anh Thư đã được xếp theo thang lương, bảng lương viên chức chuyên môn nghiệp vụ trong doanh nghiệp Nhà nước trước khi hưởng lương chức vụ giám đốc để chuyển xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch công chức được bổ nhiệm.

Thời gian bà Anh Thư giữ bậc lương đã được xếp ở ngạch viên chức doanh nghiệp cho đến khi giữ chức vụ giám đốc doanh nghiệp (tháng 3/2007), cộng với thời gian giữ chức vụ giám đốc doanh nghiệp (từ tháng 3/2007 đến tháng 8/2008) được tính để nâng bậc lương lần sau trong ngạch được bổ nhiệm theo chế độ nâng bậc lương thường xuyên và chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch được bổ nhiệm đó.

Khi được tuyển dụng vào công chức, bà Anh Thư được cơ quan quản lý, sử dụng công chức xếp lương vào bậc lương cuối cùng của ngạch chuyên viên (bậc 9/9 hệ số 4,98, thang lương ngạch công chức A1, Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan Nhà nước, ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ) là căn cứ vào bậc, hệ số lương của bậc, thời gian giữ bậc ở ngạch viên chức doanh nghiệp trước khi bà giữ chức vụ giám đốc doanh nghiệp, thời gian giữ chức vụ giám đốc, được thể hiện trong hồ sơ tuyển dụng công chức.

Việc xếp lương đã thực hiện đúng nguyên tắc làm công việc gì thì bổ nhiệm vào ngạch công chức đó, được bổ nhiệm vào ngạch công chức nào thì xếp lương theo ngạch công chức đó. Mặc dù, sau khi chuyển xếp lương vào ngạch công chức, hệ số lương được xếp ở ngạch được bổ nhiệm thấp hơn so với hệ số lương chức vụ quản lý doanh nghiệp đang hưởng tại thời điểm chuyển công tác, nhưng để bảo đảm tương quan tiền lương nội bộ cơ quan, nên bà Anh Thư không được hưởng thêm hệ số chêch lệch bảo lưu, là phù hợp quy định.

Theo luật sư, việc xếp lương khi chuyển sang công chức đối với bà Anh Thư là có căn cứ, phù hợp quy định. Để rõ hơn, đề nghị bà Anh Thư đối chiếu trường hợp cụ thể của mình với hướng dẫn tại Điểm a, Khoản 3, Mục II và Điểm a, Khoản 1, Mục III Thông tư số 79/2005/TT-BNV.

Theo Chinhphu.vn

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.