Xe ôm, người bán hoa bươn bải, mải miết ngày cận Tết

Những ngày giáp Tết, xứ Huế vẫn vậy, yên tĩnh, trầm lắng và khó làm ăn… Trên hàng trăm trục đường lớn nhỏ ở trung tâm đất cố đô - nơi được gọi là thành phố, cảnh bán buôn vẫn tấp nập nhưng sức mua thì vẫn cực kỳ “èo uột”.

Những ngày giáp Tết, xứ Huế vẫn vậy, yên tĩnh, trầm lắng và khó làm ăn… Trên hàng trăm trục đường lớn nhỏ ở trung tâm đất cố đô - nơi được gọi là thành phố, cảnh bán buôn vẫn tấp nập nhưng sức mua thì vẫn cực kỳ “èo uột”.

Từ Grab U50

Tôi bật app trên smartphone tìm một chiếc Grab bike để về nhà trong nội thành. Chẳng cần đến một phút, tầm 30 giây sau, một người đàn ông trạc tuổi bố tôi (tầm ngũ tuần) đầu đội nón xanh chạy tèn tèn chiếc Dream Tàu đến. “Chú cho con về nhà, cách đây tầm 10 phút chạy xe”, tôi nói. “Theo giá như đã định nhé!”, người đàn ông đáp – “Vâng”, tôi tiếp lời nhanh gọn.

Xe ôm, người bán hoa bươn bải, mải miết ngày cận Tết                                    - 1

Xe chạy hết tay ga với tốc độ 30km/h. Tôi lân la hỏi: “Cháu xa quê một thời gian, về lại thấy khác quá, xe Grab người ta chạy quá nhiều, dịp cận Tết như thế này chắc mần ăn tốt chú nhỉ?”. “Èo ọp lắm cậu ơi, chẳng bù như cách đây ít năm, tôi đi xe ôm vẫn hái ra tiền để nuôi vợ con. Nhưng khi xe ôm Grab ra đời thì 'ế xưng', cực chẳng đã tôi mới sắm con điện thoại sang, kêu thằng cháu nó chỉ cho cách xài rồi đăng ký Grab cho bằng tụi nhỏ.

U50 rồi mà vẫn phải giành nhau miếng cơm với tụi nó cũng chẳng sung sướng gì nhưng nếu không thích nghi với thời thế thì chỉ có ngồi nhà chờ vợ con nuôi. Ấy thế mà cũng chỉ đủ ăn, xe Grab nhiều quá, đếm không xuể”, tài xế U50 vừa nói vừa đưa tay xin đường vì đèn "xi nhan" hỏng.

Tôi hỏi tiếp: “Rồi bác chạy như thế này có bị giành địa bàn không?”. “Cũng tùy chú à. Người ta chạy nhiều quá, tôi già rồi, ít nhạy bén với công nghệ. Xung quanh nội thành đâu cũng có, bạ ai đứng đâu quen thì cứ đứng thôi, coi như địa bàn. Ai mới mà quét hệ thống hoặc thấy loáng thoáng gần gần là cũng mệt à, cự nhau liền.”

Tôi lặng nhìn hai bên đường, nhiều gốc cây đã trở nên xum xuê, con đường thân thuộc đã tinh tươm hơn cách đây 7 tháng. Bán buôn vẫn tấp nập, nhưng người nghèo bươn chải với cuộc sống vẫn còn khá nhiều.

Đến “điệp khúc” đêm 30

Ngày cận Tết tôi lân la đi chợ xuân. Nói là chợ xuân cho sang chứ thực chất là mấy gian hàng bán quật (hoặc 'quất' theo tiếng miền bắc), mai, cúc, đào,... dựng tạm của một số người “đấu thầu” thành công vài lô đất gần một số di tích ở xứ phủ, đệ.

Xe ôm, người bán hoa bươn bải, mải miết ngày cận Tết                                    - 2

Đến khu vực đàn Nam Giao, tôi mua gói thuốc ngựa để đến mời người đàn ông có bộ dạng khá hầm hồ, miệng mồm tía lia. Cứ khách đi lại chẳng biết có nhu cầu mua hay không, anh cứ khua tay mời, mời không được thì cười chào cám ơn, cười rồi thì mặt lại xịu đi để lộ bộ ria bặm trợn.

“Bán buôn khá quá anh trai nhỉ? Thắp điếu ngựa cho ấm bụng nghe?”, tôi hỏi. Người đàn ông đáp: “Nay anh mời thì tôi hút, chứ sầu quá hút mãi cả ngày, bán chán quá chứ có khá đâu. Năm nay đầu tư quá trời, tầm 150 triệu đồng đó. Đi vay mượn đủ nơi để mua quật về bán chứ có phải là mua chịu để bán có lời rồi trả cho chủ vườn đâu. Người ta khôn lắm, tiền tươi thì trao cây, bán được hay không tùy mình, thế mới chua.”

Tôi hỏi lửng: “Người mua nhiều không?”. “Anh thấy nãy giờ rồi đó, người đi qua đi lại thì nhiều mà người mua thì chẳng có mấy ai. Giá thành mỗi cây quật hiện cũng đang khá mềm, cây lớn nhất cũng chỉ 1,2 triệu đồng, cây nhỏ chỉ tầm 400 - 600.000 đồng nhưng vẫn khá ít người mua. Một số người bán hoa cúc cũng lâm vào tình trạng ế ẩm, mỗi chậu hoa cúc cũng có giá 500.000 đồng nhưng chẳng có mấy người mua...Cứ như thế này thì đến đêm 30 Tết chắc tôi phải tiếp tục hạ giá để vớt vát ít đồng”.

“Mấy chậu quật có dám đập bỏ không?” – “Quật thì không có dám à, đem về trưng, nhưng hoa cúc thì dễ đập lắm, đập cho bõ ghét. Họ xin mà cho thì năm sau cứ lại chờ đến đêm 30 thì chẳng khác gì công sức chúng tôi đầu tư như muối bỏ bể. Thú thật với anh, một số anh em ngồi đây từ 22, 23 âm lịch để vớt vát, nhưng ai ngờ đến tận 28 Tết vẫn chưa bán được bao nhiêu.

Người đàn ông vừa dứt lời thì một cậu thanh niên còn khá trẻ lái chiếc Wave Tàu, sau xe đặt một tấm ván gỗ khá dày chắn ngang ập đến, giọng hổn hển “Có mối không bác Hiếu?”, “Chưa con, có chú nhắn, cứ chạy quanh kiếm đi?”

“Chú em chạy xe ôm à?”, tôi hỏi. “Không anh, em chạy chở cây thuê, anh mua cây không chở được về nhà thì em chở, mỗi chuyến khoảng 40 - 60 nghìn tùy khoảng cách, em chạy khắp mấy chỗ gần đây, ngày em kiếm được cả triệu.”, thanh niên hào hứng đáp, rồi chạy vội đi vì thấy có khách ở khu bán mai phía đối diện.

“Tôi ăn ngủ luôn tại đây, không về nhà, nói thật chứ tết của người ta thôi chứ không phải tết của các anh chị em bán cây cảnh như chúng tôi. Mỗi giờ đều thắp hương cầu trời, mong rằng đêm 30 bán sạch được đống này chứ đập bỏ hay mang về nhà cũng chán lắm.”, ông Hiếu đưa tay lên thắp điếu thuốc thứ hai.

Tôi cũng lặng lẽ ra về, liếc nhìn đồng hồ thì đã hơn 22 giờ đêm 28 Tết, đường phố cũng thưa dần, đàn Nam Giao vẫn vậy, yên tĩnh và linh thiêng. Ở nơi giao hòa giữa đất trời, mong rằng đêm 30 Tết, những con người đang xô bồ với cuộc sống mưu sinh quanh đó có thể cầu được, ước thấy.

Theo Bảo Trung/Báo Lao động