Xây dựng chính sách pháp luật phải bám sát thực tiễn, ý kiến đa chiều

Gia Đoàn

(Dân trí) - Việc xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật cần gắn chặt với thực tiễn, tiếp thu ý kiến đa chiều, nhất là từ các chuyên gia, nhà khoa học, đối tượng chịu tác động...

Thông tin này được đưa ra tại Hội nghị hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11) với chủ đề "Giải pháp nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và những điểm mới của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024" do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức ngày 5/11.

Văn bản pháp luật cần rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu

Tại hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH) Phạm Thị Thanh Việt, đã chia sẻ bài học từ thực tiễn rằng, chỉ khi người dân hiểu rõ về chính sách thì mới có thể tạo ra sự đồng thuận. Hiểu biết về chính sách và pháp luật không chỉ giúp mọi người tự giác tuân thủ mà còn tạo điều kiện để họ vận động người khác cùng tuân thủ và hưởng ứng các chính sách chung của Đảng và Nhà nước.

Bà Việt nhấn mạnh, những quan điểm và chủ trương đúng đắn, nếu không được tuyên truyền một cách đầy đủ, chính xác và kịp thời, hoặc thậm chí bị hiểu sai, có thể dẫn đến sự phản đối từ phía người dân.

Xây dựng chính sách pháp luật phải bám sát thực tiễn, ý kiến đa chiều - 1

Ngành LĐ-TB&XH hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam (9/11) (Ảnh: Lam Điền).

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế dẫn chứng, Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định về việc hưởng bảo hiểm xã hội một lần, và Điều 56 về tỷ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nữ, những điều này có thể gây ra tình trạng mất ổn định trong trật tự xã hội.

Với tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật, bà Việt cho rằng sau khi văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, việc đầu tiên cần thực hiện là tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các văn bản này đến mọi tầng lớp nhân dân, nhằm trang bị cho họ kiến thức pháp luật cơ bản. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các đối tượng yếu thế như người nghèo, đối tượng chính sách và đồng bào dân tộc thiểu số.

Cùng quan điểm, ông Võ Vĩnh Nam, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, cũng nhấn mạnh văn bản pháp luật cần phải được xây dựng rõ ràng, đơn giản và dễ hiểu để người dân có thể tiếp cận dễ dàng, tránh việc hiểu nhầm dẫn đến nhiều cách giải thích khác nhau.

Xây dựng chính sách pháp luật phải bám sát thực tiễn

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh đánh giá, trong hơn 10 năm qua, Bộ đã thực hiện hiệu quả việc xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp luật liên quan đến lao động, người có công và an sinh xã hội. Bộ đã tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác pháp chế, đặc biệt là trong việc rà soát và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Hiện tại, hầu hết các lĩnh vực quản lý của Bộ đều được điều chỉnh bởi các luật, bao gồm 1 bộ luật, 9 luật và 2 pháp lệnh. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lao động, người có công và xã hội đã vượt quá 400 văn bản, tạo ra hành lang pháp lý và cơ chế chính sách quan trọng, góp phần phát huy hiệu quả trong thực tiễn.

Những chính sách này, bao gồm cả những quy định chưa có tiền lệ, đã đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an sinh xã hội, lao động và việc làm, từ đó góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Xây dựng chính sách pháp luật phải bám sát thực tiễn, ý kiến đa chiều - 2

Thứ trưởng Lê Văn Thanh phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Lam Điền).

"Bộ LĐ-TB&XH đã thực hiện chỉ đạo của Chính phủ một cách bài bản và hiệu quả. Chúng tôi đã thực hiện tốt Nghị quyết của Chính phủ về việc cắt giảm và đơn giản hóa các yêu cầu, điều kiện kinh doanh cũng như thủ tục hành chính.

Những nỗ lực này giúp khơi thông các vướng mắc pháp lý, tháo gỡ khó khăn trong quá trình tổ chức thi hành, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tạo ra một hành lang pháp lý thông thoáng, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân và doanh nghiệp", Thứ trưởng Lê Văn Thanh nói.

Để nâng cao chất lượng trong việc xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh cần thường xuyên rà soát, đánh giá và tổng kết công tác thi hành pháp luật cùng các cơ chế, chính sách hiện hành, nhằm phát hiện những khó khăn, vướng mắc có thể cản trở hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân.

Đồng thời, Thứ trưởng Thanh lưu ý, trong quá trình xây dựng các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật cần chú ý đến các vấn đề mới phát sinh để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.

Trong quá trình xây dựng các dự án và dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ đúng quy định và quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Ông đặc biệt lưu ý việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đảm bảo thực hiện đúng tiến độ và chương trình đã đề ra; đồng thời, cần bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, lắng nghe ý kiến đa chiều và tổ chức các hội thảo, tọa đàm để tham vấn ý kiến, đặc biệt là từ các chuyên gia, nhà khoa học và những người làm công tác thực tiễn cũng như đối tượng chịu tác động.

Theo Thứ trưởng, quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan khác. Cần tăng cường công tác phản biện xã hội và truyền thông để kịp thời thông tin về chính sách, từ đó nâng cao chất lượng của các văn bản cũng như sự đồng thuận của xã hội trong quá trình xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật.