1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

“Xác nhận hơn 400 hồ sơ tồn đọng là người có công ở Nam Định, không đơn giản”

(Dân trí) - “Nam Định còn trên 400 người hi sinh trong kháng chiến chống Pháp chưa được nhận bằng Tổ quốc ghi công. Giải quyết vấn đề này không đơn giản, cần sự vào cuộc của nhiều cấp ngành. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần làm tốt hơn công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công tại địa phương”.

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung chia sẻ tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sĩ do tỉnh Nam Định tổ chức. Chương trình do Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Nam Định tổ chức ngày 20/7.

Ngoài việc gửi lời tri ân tới những người có công trên toàn tỉnh, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thẳng thắn bày tỏ khó khăn trong công tác xác nhận của 400 trường hợp của tỉnh Nam Định đã nêu trên, vì: Các sự kiện đã xảy ra từ nhiều năm, chiến tranh đã trôi qua lâu, người làm chứng và giấy tờ không còn.

“Trong khi đó, địa hình địa vật thay đổi, đòi hỏi phải rất linh động, sáng tạo và xem xét trên cơ sở có tình, có lý, đúng người có công thì được hưởng chính sách, kiên quyết ngăn chặn việc trục lợi chính sách...” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trăn trở.


Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng quà người có công với cách mạng tại xã Trực Khang (Trực Ninh, Nam Định)

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng quà người có công với cách mạng tại xã Trực Khang (Trực Ninh, Nam Định)

Theo người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH, nỗi trăn trở này không chỉ có riêng ở Nam Định mà hiện hữu ở nhiều địa phương, nhiều gia đình: “Không có đất nước nào trải qua chiến tranh khốc liệt và kéo dài như Việt Nam. Cả nước hiện còn hơn 200.000 liệt sĩ chưa được quy tập, khoảng 300 ngàn liệt sĩ chưa rõ danh tính. Đây chính là nỗi day dứt lớn của chúng ta”.

Chiều cùng ngày, Đoàn công tác Bộ LĐ-TB&XH đã tới dự lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh liệt sĩ do UBND xã Trực Khang (huyện Trực Ninh, Nam Định) tổ chức. Tại buổi lễ, Đoàn công tác đã thăm hỏi đời sống các hộ gia đình chính sách người có công và trao 120 suất quà tới các đối tượng người có công, người nghèo và học sinh nghèo vượt khó học giỏi. Đoàn cũng tới thăm hỏi và tặng quà cụ Hà Mạnh Khang, 81 tuổi, ở xóm 2, xã Trực Khang, lão thành cách mạng, có người con trai duy nhất là liệt sĩ.

Bên cạnh tồn tại có tính khách quan như trên, tỉnh Nam Định cũng đã nỗ lực triển khai nhiều kết quả trong thực hiện chính sách người có công với cách mạng.

Theo ông Phạm Đình Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, tỉnh Nam Định đã xét và đề nghị Nhà nước công nhận tặng Bằng Tổ Quốc ghi công cho hơn 36.000 liệt sĩ, đề nghị Nhà nước phong tặng và truy tặng 2.744 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trên 170.000 người tham gia hoạt động kháng chiến được Nhà nước tặng thưởng các loại huân, huy chương.

Các cơ quan chức năng của tỉnh Nam Định đã nỗ lực giải quyết chính sách cho gần 1.600 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, trên 800 cán bộ lão thành cách mạng và cán bộ tiền khởi nghĩa, trên 25.000 thương binh, 16.000 bệnh binh, trên 10.000 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hoá học...

Chủ tịch Phạm Đình Nghị cho biết: “Hàng năm, cứ đến ngày thương binh liệt sĩ, mỗi người con đất Việt đều tưởng nhớ tới các anh hùng liệt sĩ, xã hội dấy lên phong trào đền ơn đáp nghĩa, chăm sóc gia đình thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng, xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa, xây nhà tình nghĩa, tạo thành nét đẹp trong cộng đồng…”.

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã bày tỏ sự đồng tình về những nỗ lực của chính quyền và nhân dân Nam Định trong công tác giữ gìn truyền thống cách mạng nói chung và công tác đền ơn đáp nghĩa nói riêng.

Đồng thời, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mong muốn các cấp chính quyền tỉnh Nam Định cần phấn đấu đạt các mục tiêu trong thời gian tới, như: 100% người có công có cuộc sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình trong khu dân cư vào năm 2020, phấn đấu 100% gia đình người có công có khó khăn về nhà ở được hỗ trợ kịp thời sửa chữa và xây mới…

Thanh Phúc

Tin vắn:

Hội thảo về tác động nghèo đa chiều

Sáng ngày 20/7, tại Hà Nội, Bộ LĐ-TBXH phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNICEF) tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kết quả nghiên cứu phương pháp luận về nghèo đa chiều trẻ em và lồng ghép vào nghèo đa chiều quốc gia”.

Hội thảo là dịp để các bên đánh giá những tác động trong công tác giảm nghèo đa chiều, trong đó có liên quan tới trẻ em. Theo ông Nguyễn Trọng Đàm, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, nhiều tác động của nghèo đói đang tác động tới trẻ em. Tại Hội thảo, đại diện UNICEF đánh giá cao những sáng kiến và thành quả đạt được của Việt Nam trong thời gian qua. Đồng thời, đại diện UNICEF cũng cho rằng cần xác định khả năng tổn thương của trẻ em và đưa những vấn đề nghèo của trẻ em vào chương trình giảm nghèo chung, lồng ghép hài hòa vào giảm nghèo đa chiều để tiến đến trẻ em nghèo sẽ được đánh giá trên nhiều yếu tố khác nhau. Thông qua các góp ý tại hội thảo, Bộ LĐ-TB&XH sẽ hoàn thiện các phương pháp tiếp cận, xác định, lựa chọn được các tiêu chí đánh giá phù hợp với điều kiện của Việt Nam và tiếp thu những kinh nghiệm quốc tế để thống nhất được các tiêu chí đánh giá, từ đó sẽ lồng ghép hài hòa nghèo đa chiều trẻ em với nghèo đa chiều chung của Việt Nam.

A.L