"Vương quốc gạch gốm" miền Tây loay hoay tìm lối thoát giữa bão giá
(Dân trí) - Giá đất sét, trấu tăng cao khiến người sản xuất gạch ống ở làng gạch Mang Thít (Vĩnh Long) thua lỗ. Nhiều chủ lò bỏ nghề, số còn lại vẫn loay hoay tìm hướng đi mới.
Những mẻ gạch ống cuối cùng của làng gạch trăm tuổi
Được mệnh "vương quốc gạch gốm" miền Tây, bao năm qua làng gạch Mang Thít (huyện Mang Thít, Vĩnh Long) là nơi kiếm sống của hàng nghìn nhân khẩu.
Dọc các con sông tại các xã Nhơn Phú, Mỹ An của huyện Mang Thít rất nhiều lò gạch nung với sắc đỏ đặc trưng hiện ra như những tòa tháp thu nhỏ. Đây là nơi tập trung nhiều cơ sở sản xuất gạch nhất. Những lò gạch ở đây có tuổi đời trên trăm năm, không chỉ nổi tiếng nhất vùng ĐBSCL và còn vươn ra thế giới.
Nhiều năm trước, ở xứ này, khi nghề làm gạch truyền thống còn thịnh vượng, mỗi nhà sở hữu vài miệng lò. Những khi vào mùa, các lò đều đỏ lửa. Song, bão giá nguyên nhiên liệu đầu vào, sự cạnh tranh của gạch các tỉnh khác khiến làng gạch Mang Thít dần mất vị thế, nguy cơ biến mất làng nghề vàng son một thời.
Một ngày giữa tháng ba, trong tiết trời oi bức với cái nắng được đánh giá là đẹp để phơi gạch ống, chúng tôi tìm tới hàng trăm lò gạch nép mình dòng kênh Thầy Cai. Trái ngược trong suy nghĩ, xứ lò gạch giờ đìu hiu đến lạ thường. Đi chừng 10 hộ mới có một hộ đang chụm lò nung gạch.
Anh Huỳnh Hữu Đạt - nhân công tại lò gạch Ba Lun thuộc xã Mỹ An cho biết: "Đốt xong số gạch này, chủ lò không làm gạch nữa vì giá trấu mắc quá không đủ lời".
Anh Đạt cho biết, sản xuất gạch rất vất vả và kỳ công. Đất được cho vào máy ép thành khuôn rồi cắt từng viên sau đó đem đi phơi. Tiếp đến chuyển vào lò nung khoảng 10 ngày rồi phơi lần hai. 20 ngày để nung và 10 ngày để xây cửa lò và chờ gạch nguội. Sau khoảng một tháng nung, thành phẩm thu được khoảng 70.000-120.000 viên gạch.
"Một tấn trấu bây giờ có giá hơn 15 triệu đồng, lúc cao nhất tới 19 triệu đồng. Mỗi lần nung gạch cần xài 4-5 tấn trấu nên rất tốn kém. Ngoài ra, giá đất sét làm gạch nung cũng tăng, đội chi phí sản xuất lên cao làm cho nhiều lò đóng cửa", anh Đạt rầu rĩ nói.
Ngoài lò gạch Ba Lun, vài chủ lò gạch khác tại xã Mỹ An cho biết, gần một năm trời ngưng sản xuất gạch vì trấu tăng giá, nay họ gom hết vốn liếng nung mẻ gạch mới. Xong vụ này có lẽ họ "gác lò" tìm sinh kế khác như làm nông hoặc làm thuê.
Chủ lò gạch nghỉ buôn bán, nhân công cũng thất nghiệp theo. Họ đi tứ xứ làm ăn hoặc tìm lò gạch nào còn sản xuất mưu sinh qua ngày.
Gần tuổi 70 nhưng bà Nguyễn Thị Bé ngày ngày đều đặn làm việc tại lò gạch Tây Sơn. Từ lúc mười tám đôi mươi bà đã theo nghề làm gạch, cho đến giờ tuổi xế chiều bà chỉ biết bấu víu vào nghề này để mưu sinh.
Dạo trước bà tưởng mình thất nghiệp vì nhiều chủ lò cũ tuyên bố "giải thể", khó khăn lắm bà mới tìm được việc một lò khác. Bà Bé bảo: "Lò này làm gạch theo kiểu mới, có dùng máy móc nhưng vẫn có công đoạn làm bằng tay. Nhiệm vụ của tôi là lật gạch cho khô ráo rồi chuyển lên dây chuyền ra phơi. Mỗi ngày kiếm khoảng 200.000 đồng".
Thay đổi để tồn tại
Việc sản xuất gạch theo kiểu truyền thống bị "đào thải" bởi nhiều nguyên nhân, ngoài giá nguyên liệu đầu vào tăng, cách làm gạch này còn thải ra khói, bụi gây ô nhiễm môi trường.
Chị Lê Thanh Thúy (Chủ lò gạch Tây Sơn) cho biết, vẫn với các nguyên liệu như đất sét, trấu nhưng gạch tại lò của chị sản xuất tiết kiệm chất đốt và thời gian sản xuất đáng kể.
Kiểu lò này hoạt động trên nguyên lý liên hoàn. Nhiệt và khói được dẫn từ buồng trước qua khe gạch của vách ngăn đến buồng kế tiếp. Khi buồng thứ nhất đang nung thì buồng thứ hai đang trong quá trình gia nhiệt và sấy cho các buồng kế tiếp do đó nhiệt thừa đã được tận dụng tối ưu.
"Ngày xưa gia đình tôi làm lò truyền thống nhưng không có lãi vì cạnh tranh với gạch ở An Giang. Khoảng năm 2018, chồng tôi lên đó khảo sát rồi mướn thợ xây lò theo kiểu mới. Vốn đầu tư khi đó hơn 2 tỷ đồng", chị Thúy tiết lộ.
Khi đó gia đình chị có 5 lò, vợ chồng chị Thúy đập 2 lò xây theo kiểu mới với 28 cửa. Sau thời gian thử nghiệm thấy nung gạch nhẹ công, tiết kiệm trấu nên chị chuyển hẳn 3 lò còn lại.
Lò gạch Tây Sơn hiện có 84 lò, mỗi lò chứa khoảng 7.000 viên gạch, cứ 8 tiếng đốt chị Thúy cho "ra lò" hơn 500.000 viên gạch ống/ngày. Giá thành so với gạch ống làm kiểu truyền thống rẻ hơn, khoảng 1.200 đồng/viên.
Hiện lò gạch của chị Thúy đang tạo công ăn việc làm cho 60-70 lao động địa phương, mức thu nhập từ 180.000-250.000 đồng/ngày.
Ngoài đổi mới công nghệ sản xuất, làng gạch Mang Thít đang được tỉnh Vĩnh Long tìm hướng phát triển du lịch với đề án "Di sản đương đại Mang Thít" nhằm bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo mà các thế hệ trước để lại. Giúp người dân trong vùng chuyển đổi sinh kế, nâng cao đời sống, góp phần phát triển ngành du lịch, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.