Vũng Áng - Nước mắt nghề lặn biển

Làng chài thôn Hải Phong (xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bé xíu, nằm ngay bên cảng Vũng Áng. Từ bao đời, cư dân sống chủ yếu dựa vào nghề chài lưới và lặn biển bắt hải sản. Từ cuối thập niên 90, nghề lặn là hoàng kim, người người đổ xô đi lặn bởi một ngày dễ dàng kiếm triệu bạc lận lưng. Thế nhưng, biển bạc khó nuốt, vì đi lặn mà không ít người phải bỏ mạng, sống thì liệt giường, thành tật...

Vũng Áng - Nước mắt nghề lặn biển - 1

Mặt trời đã cao bằng con sào. Bình thường với làng chài Hải Phong thì lúc này hầu hết đàn ông đang đạp sóng ra khơi đánh bắt con tôm, con cá ở biển gần nuôi vợ, con. Thế nhưng, hậu quả của thảm nạn cá chết khiến họ chưa ra khơi, mà ở nhà bó gối ngồi trà, thuốc.

Thấy một nhóm đàn ông đang rít thuốc lào ở xóm 2, thôn Hải Phong, tôi ghé vào hỏi "các bác không đi biển à". Thế là liên tục nghe một tràng ca thán của người này đến người khác về thảm nạn cá chết khiến họ cũng "chết" theo...

Em ruột, anh rể cùng bỏ mạng

Lắng nghe một lúc, tôi tiếp tục "thế không buông lưới được sao các bác không đi lặn thi công kè biển cho nhà máy Formosa? "Không mần (làm) ra mô (đâu) chú ơi. Phải là những người khỏe, lặn giỏi nhất mới trụ được. Mà cái nghề "người trần gian làm việc âm phủ" đó, ở cái làng ni họ cũng bỏ gần hết rồi" - một người đàn ông nhanh miệng. Tôi lại hỏi tiếp, thế ở làng có mấy trường hợp chết vì lặn biển rồi? Mấy người thay nhau nhớ để kể tên rồi chốt lại "cũng phải gần chục người". "Nhà ông Bắc có 2 người chết...", một người chỉ vào người đàn ông da ngăm đen, trạc tuổi ngồi bên cạnh.

Thợ lặn Chu Văn Châu bị liệt phải ngồi xe lăn từ khi mới 19 tuổi vì nghề lặn. Vợ của ông đã bỏ đi lấy chồng khác. Ảnh: Trần Tuấn
Thợ lặn Chu Văn Châu bị liệt phải ngồi xe lăn từ khi mới 19 tuổi vì nghề lặn. Vợ của ông đã bỏ đi lấy chồng khác. Ảnh: Trần Tuấn

Ông Võ Xuân Bắc (44 tuổi) mắt xa xăm, lắc đầu "Không nói hết nữa. Trong một năm, vì đi lặn mà em trai và anh rể tui cùng chết". Năm 1998, em trai ông Bắc là Võ Xuân Đức khi đó mới 22 tuổi, chưa vợ, sau một lần lặn sò ở biển Phan Thiết (Bình Thuận) đã bị sức ép liệt người.

Nằm điều trị mấy tháng sau thì mất. Cũng trong năm đó, anh rể là Trần Trung khi lặn sò ở Phan Thiết đã bị sức ép, chết chìm dưới đáy biển. "Đưa thi thể anh ấy về trong một ngày mưa gió, nhìn 4 mẹ con, đứa út chưa đầy một tuổi bên quan tài cha mà ai nấy nghẹn ngào" - ông Bắc ứa nước mắt.

19 tuổi ngồi xe lăn, vợ bỏ đi lấy chồng

Tôi hỏi ở làng Hải Phong những ai từng đi lặn biển không chết, nhưng thành tật, nhóm đàn ông ngồi trà, thuốc đồng thanh "ôi, nhiều lắm", rồi thay nhau kể tên rất nhiều người, như ông Châu, ông Đệ, ông Bốn.... Trong đó, một người nói "Ông Châu là tội nhất, nằm liệt giường nên vợ bỏ đi lấy chồng khác".

Tôi đến nhà ông Châu. Mới đến đầu một ngõ nhỏ, thấy đám trẻ con đang nô đùa, tôi hỏi có biết nhà ông Châu không. Một đứa trẻ mới độ 5 - 6 tuổi không e dè, chỉ tay nói "đó chú kìa, ông Châu đang ngồi xe lăn ngoài thềm đó"

Tôi lại gần, người đàn ông nhỏ thó, gầy guộc, mắt sâu hoắm vẫn ngồi trên xe lăn. Sau thủ tục chào hỏi, ông Chu Văn Châu (40 tuổi) mà già rọm như cụ 70, cố rướn mình lùi xe lăn vào trong nhà, rồi kể về cái cơ sự khiến ông ra nông nỗi như bây giờ. Bắt đầu vào nghề lặn sò ở biển Bình Thuận khi 19 tuổi.

Sáu tháng sau thì ông Châu bị sức ép nằm liệt giường, dù đã chữa trị ở Bệnh viện Chợ Rẫy, sau đó lấy thuốc dân gian khắp nơi nhưng vẫn không cứu vãn được. Phải gắn cuộc đời với chiếc xe lăn từ đó. Cũng vì sống đời "thực vật", trong khi gánh nặng nuôi 3 người con và ông chồng liệt khiến gia đình lục đục. Quá sức chịu đựng, mới đây, vợ ông Châu đã bỏ đi lấy chồng khác.

"Ngày đó sò ở biển Bình Thuận nhiều chi lạ. Cả làng đua nhau đi lặn bởi kiếm được rất nhiều tiền. Những năm 1995 - 1996, tiền còn rất giá trị, mỗi người đi lặn một ngày kiếm được từ 700 ngàn. Có hôm may hơn thì được 1 triệu bạc" - ông Châu mắt sáng lên, nhớ lại. T

rầm ngâm một chút rồi ông lắc đầu, giọng chua chát, nước mắt chực trào: "Nhưng mà đời nghiệt ngã lắm chú ạ. Cái gì cũng có cái giá của nó. Kiếm được nhiều tiền, nhưng trả giá quá đắt. Đời tui cũng coi như xong từ đó. Nhiều khi nghĩ sống không bằng chết..."

"Vọng phu" nuôi 4 con thơ

Trong lúc tôi trò chuyện tại nhà ông Châu, một phụ nữ trung tuổi là hàng xóm cũng đến nghe ngóng. Khi thấy tôi hỏi về chuyện đời thợ lặn biển của ông Châu, chị quệt nước mắt, góp chuyện: "Chồng tui cũng vì lặn biển mà chết, bỏ lại vợ với 4 đứa con thơ. Đứa út khi đó chưa đầy 3 tháng tuổi. Một mình tui thấm thía hết nỗi khổ sở khi gồng gánh nuôi đàn con thơ khôn lớn, cùng ông bố chồng già mù lòa". Người phụ nữ trải lòng về bất hạnh của mình là Võ Thị Hoài (46 tuổi).

Chồng chị là Võ Văn Diễn chết trong lần lặn sò huyết ở biển Bình Thuận khi mới 31 tuổi. Chồng chị khi còn sống là một người to, khỏe, lặn giỏi có tiếng. Ở độ sâu gần 40 m nước, nhiều người không chịu nổi áp lực nước, nhưng chồng chị vẫn đều đặn theo nghề. Thế nhưng, tai họa ập đến quá bất ngờ, trong một lần đi lặn, bạn lặn chờ mãi không thấy chồng chị ngoi lên mặt nước. Sau đó, người ta tìm thấy thi thể anh chìm dưới đáy biển.

Chồng chết vì nghề lặn biển, chị Hoài phải một mình nuôi 4 đứa con dại khôn lớn cùng bố chồng mù lòa. Ảnh: Trần Tuấn
Chồng chết vì nghề lặn biển, chị Hoài phải một mình nuôi 4 đứa con dại khôn lớn cùng bố chồng mù lòa. Ảnh: Trần Tuấn

Lặn để kiếm tiền chữa bệnh... lặn

Theo giới thiệu của người dân, tôi đến nhà "trùm" thợ lặn Chu Văn Đại có tuổi nghề gần như lâu nhất ở Hải Phong mà vẫn đang làm nghề. Lúc đến, "kình ngư" này không có nhà. Qua điện thoại, giọng dè dặt, anh nói "đang đi lặn cho nhà máy Formosa" (Cty Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh). Phải thuyết phục mãi, anh mới đồng ý gặp để chia sẻ về công việc của mình. Anh hẹn sau 5 giờ chiều, khi đã tan ca mới gặp được.

Chờ nguyên một ngày, khi mặt trời đã xuống núi, chúng tôi quay trở lại thì anh Đại cũng vừa về tới nhà. Lúc này trời đã nhá nhem, phải bật điện lên mới thấy rõ mặt người. Dáng người cao, to, ở tuổi 52 mà trông anh Đại cơ bắp còn săn chắc, nhanh nhẹn.

Anh mở lời bằng giọng chất phác "Nói thật với chú, ở tuổi này người ta bỏ nghề lâu rồi. Nhưng tui vì nuôi con và gắng kiếm tiền chữa bệnh mà còn đeo đẳng thôi". Anh Đại bị bệnh viêm khớp háng gần 2 năm nay - loại bệnh gần như phổ biến với nghề lặn. Để chữa trị, chi phí phải hơn 100 triệu.

Theo lời anh, vì chưa có tiền nên đang gắng đi lặn thuê để tích góp chữa bệnh. "Ở xóm này, thợ lặn Chu Văn Sỹ đã phải thay xương đùi hết 100 triệu. Trần Văn Đệ phải thay 2 xương đùi hết 180 triệu" - anh Đại giọng chua chát. Hiện anh lặn cho Formosa, được trả công 400.000đ/ngày.

"Ngày 6.4, khi lặn thi công cho Formosa, tui phát hiện cá chết rất nhiều. Nước biển khi đó màu hơi vàng. Lặn xong lên bờ thấy đắng miệng, người mệt mỏi nên anh em tui xin nghỉ đi kiểm tra sức khỏe" - anh Đại kể. Chị Chu Thị Thành (47 tuổi, vợ anh Đại) giọng ái ngại "Anh ấy đi lặn, tui lo và thương lắm. Ngày mô về được đến nhà là mới yên tâm". Anh Đại theo nghề lặn từ năm 25 tuổi, nay đã gần 30 năm làm nghề. Anh từng lặn sò ở Bình Thuận, lặn trai ở Phú Quốc, lặn hải sâm ở Quảng Ngãi...

Vũng Áng - Nước mắt nghề lặn biển - 4

Thợ lặn kì cựu Chu Văn Đại dù đã 52 tuổi nhưng vẫn theo nghề lặn thuê cho Formosa. Anh nói lặn để kiếm tiền chữa bệnh viêm khớp háng - căn bệnh mà nhiều thợ lặn mắc phải. Ảnh: Trần Tuấn

Nhắc lại những câu chuyện đau thương từ hậu quả của nghề lặn mà ngư dân thôn Hải Phong phải gánh chịu, ông Lê Đình Viết - Trưởng thôn Hải Phong giọng trầm buồn "Sinh ra ở làng biển, hầu hết đàn ông đều biết lặn và theo nghề lặn bắt hải sản giá trị, kiếm được nhiều tiền. Nhưng nghề này bạc quá. Có quá nhiều người chết, người nằm liệt giường nên giờ người ta bỏ nghề nhiều rồi. Như tôi đây, từng lặn biển nhiều nơi, lặn hết trong nước còn đi lặn ở Malaysia...nhưng rồi cũng phải bỏ nghề".

Theo vị trưởng thôn, giờ người dân trong thôn chủ yếu quay về với nghề chài lưới đánh bắt hải sản cho "lành" hơn. Nhưng vô thời điểm cá chết này, người dân đang khó khăn lắm. Trong lúc chài lưới phải tạm ngừng vì giá cả bèo bọt, một số người lại đi lặn biển. Tuy nhiên, hiện chỉ có khoảng 40 - 50 người theo nghề đi lặn ở các vùng biển Bình Thuận, Quảng Ngãi, Nghệ An, Thạch Kim (Thạch Hà, Hà Tĩnh)...

"Họ chỉ lặn ở độ sâu vài chục mét trở lại, chứ không còn dám lặn ở độ sâu gần 60 mét nước như trước đây nữa vì ai cũng biết nguy hiểm của nghề này rồi" - ông Viết giải thích thêm.

Rời làng chài Hải Phong khi cột khói nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 và nhà máy Gang thép Hưng nghiệp Formosa đang xả khói cao ngút lên tận mây đen. Góc làng biển nhỏ như chìm dần vào màn khói mờ ảo. Hình ảnh người vợ mất chồng, con mất cha, và cả những đôi mắt sâu thẳm của người đàn ông đang nằm liệt giường vì nghề "người trần gian làm việc âm phủ" ám ảnh tôi mãi...

Theo Báo Lao động