An toàn lao động:
“Thanh tra phát hiện DN ở Vũng Áng không khai báo tai nạn chết người”
(Dân trí) - Ông Nguyễn Tiến Tùng - Phó Chánh Thanh tra (Bộ LĐ-TB&XH) - cho biết kết quả đợt 1 thanh tra tại 19 nhà thầu tại kinh tế Vũng Áng (Hà Tĩnh) với gần 150 sai phạm về hợp đồng lao động không đúng loại, nợ đóng BHXH, an toàn lao động, thời gian làm thêm…
Theo Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH, 19 nhà thầu được thanh tra gồm 5 doanh nghiệp FDI, 6 công ty TNHH hai thành viên trở lên và 8 công ty cổ phần. Các nhà thầu này đang sử dụng 1.408 lao động, trong đó có 845 lao động làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, 51 lao động là người nước ngoài.
Ông Nguyễn Tiến Tùng cho biết, kết quả 15 ngày thanh tra trong tháng 6/2015 cho thấy: 12 doanh nghiệp chưa thực hiện báo cáo định kỳ về tình hình sử dụng lao động, báo cáo định kỳ về tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp 6 tháng đầu năm và hàng năm với cơ quan quản lý nhà nước về lao động địa phương.
“Đặc biệt, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH phát hiện Công ty TNHH Công nghiệp Bum Han (công trường thi công Formosa Hà Tĩnh) để xảy ra 1 vụ tai nạn lao động làm chết 1 người, bị thương 1 người vào ngày 19/1 nhưng không khai báo với Thanh tra Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh. Sự việc này dẫn đến vụ tai nạn lao động chưa được điều tra xác định nguyên nhân và giải quyết chế độ cho người lao động” - ông Nguyễn Tiến Tùng cho biết.
Về thanh tra lao động và ký kết hợp đồng lao động, nhiều doanh nghiệp giao kết hợp đồng không đúng loại. Cụ thể, doanh nghiệp nhiều lần ký hợp đồng có thời hạn dưới 3 tháng đối với người lao động làm việc thường xuyên trên 12 tháng.
Ông Nguyễn Tiến Tùng giải thích: “Trong nội dung của hợp đồng lao động, nhiều doanh nghiệp chưa thể hiện đầy đủ quyền lợi của người lao đông như mục công việc phải làm ghi “theo sự sắp xếp của trưởng bộ phận và lãnh đạo công trình”. Doanh nghiệp chưa thể hiện khoản tiền BHXH, BHYT, BHTN và tiền nghỉ phép hàng năm mà người sử dụng lao động phải trả cho người lao động”.
Về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH phát hiện 5 doanh nghiệp chưa đảm bảo số ngày nghỉ ít nhất 4 ngày/tháng cho người lao động, 3 doanh nghiệp huy động người lao động làm thêm quá 30 giờ/tháng.
Hai lĩnh vực nổi cộm được đoàn thanh tra tập trung là việc doanh nghiệp tham gia BHXH và thực hiện quy định an toàn vệ sinh lao động.
Qua kiểm tra, 19 doanh nghiệp đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cho 423/467 người lao động thuộc đối tượng phải tham gia BHXH bắt buộc. Có 2 doanh nghiệp chưa thực hiện việc tham gia BHXH bắt buộc cho 44 lao động.
“Đặc biệt, 5 doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm xã hội với tổng số tiền hơn 9,4 tỉ đồng” - ông Nguyễn Tiến Tùng cho biết.
Về an toàn vệ sinh lao động, thanh tra phát hiện 7/19 doanh nghiệp chưa thống kê lao động làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; 11/19 doanh nghiệp chưa thống kê, phân loại người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; 3 doanh nghiệp chưa xây dựng kế hoạch an toàn vệ sinh lao động.
Đoàn thanh tra cũng phát hiện 19 doanh nghiệp chưa định kỳ kiểm tra, đo môi trường lao động tại nơi làm việc theo quy định; 6 doanh nghiệp chưa khai báo các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động với cơ quan quản lý nhà nước về lao động địa phương trước khi sử dụng.
Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, nguyên nhân các sai phạm của doanh nghiệp chủ yếu do người sử dụng lao động thiếu kiến thức về pháp luật lao động. Một số doanh nghiệp mới được hình thành từ mô hình tổ, đội xây dựng.
“Sự hiểu biết về pháp luật lao động hạn chế dẫn đến những khuyết điểm, thiếu sót. Công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động chỉ mang tính chất đối phó với các cơ quan chức năng” - ông Nguyễn Tiến Tùng nói.
Hoàng Mạnh
TIN LIÊN QUAN:
Tăng cường hơn công tác ATVSLĐ tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ
Hiện nay cả nước có khoảng gần 600.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm 97,5 % tổng số doanh nghiệp đang hoạt động thực tế với tổng số vốn đăng ký khoảng 121 tỉ USD, thu hút gần 60 % lao động. Tuy nhiên, công tác quan tâm tới chính sách an toàn vệ sinh lao động còn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.
Trong báo cáo tổng kết công tác thực hiện ATVSLĐ giai đoạn 2010-2015, Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) chỉ rõ, Việt Nam đã phê chuẩn và gia nhập 21 công ước của ILO về lao động, đặc biệt là công ước quốc tế số 187 (Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế về Khung chính sách thúc đẩy an toàn vệ sinh lao động). Tuy nhiên đa số các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang có thói quen chỉ khi xảy ra các rủi ro thì mới tìm cách xử lý, giải quyết mà chưa thực sự chủ động phòng ngừa từ đầu (ngăn ngừa chủ động). Doanh nghiệp chỉ quan tâm đến những gì cần ngay trước mắt mà không quan tâm đến những việc chưa xảy ra. Mặt khác trình độ chuyên môn, trình độ, kiến thức về ATVSLĐ còn non yếu, các qui định về công tác ATVSLĐ nếu có thì chỉ nhằm đối phó với các đoàn kiểm tra, thanh tra chứ chưa đánh giá được các mối nguy tiềm ẩn có thể xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
V.D
“Trên 60% lao động chưa qua đào tạo về nghề nghiệp, ý thức chấp hành quy định về ATVSLĐ”
Đây là nhận định của ông Vũ Anh Đức - Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ VN) về tình hình chấp hành quy định ATVSLĐ trong các doanh nghiệp. “Thực tế nhận thức của đa số lao động như trên, nhưng nhiều người sử dụng lao động cho rằng, đầu tư cho công tác ATVSLĐ thì chi phí tăng, dẫn đến tăng giá thành, mà chưa thấy rằng, đó chính là đầu tư cho sự phát triển bền vững của DN...Do đó, họ chỉ thực hiện công tác ATVSLĐ mang tính hình thức, đối phó”.
Theo Cục An toàn lao động (Bộ LĐ-TB&XH) mục tiêu mà Chương trình quốc gia về ATVSLĐ đề ra là mỗi năm VN phấn đấu giảm 5% số vụ tai nạn lao động dẫn đến chết người, giảm 10% người lao động mắc bệnh nghề nghiệp, 80% người lao động làm việc tại các cơ sở có nguy cơ mắc bệnh cao được khám bệnh.… Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu này tương đối khó khăn khi còn nhiều DN lơ là với công tác ATVSLĐ. Qua thống kê, cả nước mới có khoảng 35-36,7% DN đảm bảo các quy định về ATVSLĐ. Nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn lao động chủ yếu do thiết bị máy móc chưa đảm bảo chiếm khoảng 20% số vụ tai nạn lao động, không huấn luyện cho người lao động về ATVSLĐ chiếm khoảng 11,4%, 11,9% là do người lao động vi phạm quy trình, quy chuẩn ATVSLĐ…
V.T
Thiếu trầm trọng đội ngũ an toàn viên vệ sinh
Theo Tổng LĐLĐ VN, cả nước hiện mới có trên 140.000 an toàn vệ sinh viên (ATVSV). Theo quy định, mỗi khoa, phòng, ban chuyên môn trong DN, cơ sở sản xuất phải có ít nhất một ATVSV kiêm nhiệm trong giờ làm việc.
Trong khi đó, ATVSV mới chỉ được hưởng phụ cấp nếu DN có quy chế. Tại ngành than, mức phụ cấp của ATVSV khoảng 100.000 đồng/người/tháng. Ở một số DN khu vực ngoài nhà nước, phụ cấp dao động từ 100.000-200.000 đồng/người/tháng, nhưng cũng có những DN không trả phụ cấp cho ATVSV. Theo các chuyên gia ngành an toàn lao động, các ATVSV đang phải thực hiện nhiều trách nhiệm, vừa trực tiếp sản xuất vừa phải làm tròn trách nhiệm của ATVSV. Nhưng mức đãi ngộ hiện nay chưa tương xứng. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới ATVSV, đại diện Tổng LĐLĐ VN cho rằng Nhà nước cần có những quy định cụ thể hơn về trách nhiệm, quyền lợi, quyền hạn của ATVSV và các cơ chế bảo đảm thực hiện các quyền này. Bên cạnh đó, các cấp ngành cần tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền cho người lao động, người sử dụng lao động thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của mạng lưới ATVSV để phát triển đội ngũ này cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho họ hoạt động…
B.N