Từ vụ shipper tử vong: "Sẽ không bao giờ đánh giá tài xế nào 1 sao!"

Hoài Sơn

(Dân trí) - Một số người cho rằng, nghề tài xế có bao nhiêu sự vất vả, không nên dùng quyền lực khách hàng để đánh giá xấu họ, đẩy họ vào thế khó.

"Đầu cứ quanh quẩn câu chuyện về bạn shipper ở Đà Nẵng"

Vụ việc nam shipper Trần Thành ở thành phố Đà Nẵng bị hành hung và nạn nhân đã tử vong sau khi về nhà. Nguyên nhân ban đầu do mâu thuẫn với khách trong việc giao, nhận hàng đặt mua trên mạng.

Nam shipper có hoàn cảnh khó khăn. Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết, những tưởng anh sẽ được nghỉ ngơi, cùng gia đình nhỏ đón năm mới thì biến cố ập đến, anh đã đột ngột qua đời, bỏ lại vợ trẻ, con thơ bơ vơ.

Từ vụ shipper tử vong: Sẽ không bao giờ đánh giá tài xế nào 1 sao! - 1

Ngôi nhà thờ tộc nơi anh Thành và vợ con sinh sống (Ảnh: Hoài Sơn).

Trên mạng xã hội, ai nấy đều xót thương cho hoàn cảnh của anh Thành và gia đình. Càng xót xa cho anh, người ta càng thấy buồn nhiều hơn khi nhẽ ra, sự việc này có thể có một kết quả khác tốt đẹp hơn.

Ngẫm về sự việc này, anh Bùi Minh Đức, Thạc sĩ ngành Truyền thông tại Đại học Clark (Mỹ) chia sẻ trên trang cá nhân: "Đầu cứ quanh quẩn về câu chuyện về bạn shipper ở Đà Nẵng, buồn vô cùng buồn".

Theo anh Đức, mỗi ngày ngồi sau lưng các lái xe công nghệ là mỗi ngày anh có thêm một câu chuyện; đôi lúc cũng vui cũng dí dỏm, nhưng có khi họ kể chuyện sáng đi làm đầu bếp, chiều hết ca ở nhà hàng mới tranh thủ chạy thêm buổi tối.

Từ vụ shipper tử vong: Sẽ không bao giờ đánh giá tài xế nào 1 sao! - 2

Ông Tô Văn Hùng, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang (phải), thăm hỏi gia đình nạn nhân (Ảnh: Hoài Sơn).

Theo chia sẻ của anh Đức, bản thân anh vẫn luôn tự nhắc sẽ không bao giờ đánh giá anh tài xế nào 1 sao.

"Ừ thì sống cảm tính quá, nhưng mình là ai để đánh giá một người khác? Một sao giao tiếp kém? Một sao vì phương tiện cũ? Liệu có hỏi xem đấy đã là chiếc xe duy nhất người ta có để mưu sinh? Người dùng có "quyền lực" quá không? Điều đấy đúng không? Chất lượng sẽ được cải thiện hay một người phải chịu phạt?", anh Bùi Minh Đức viết.

"Hôm nào không vui, mình không đánh giá gì cả. Mình nói lần sau anh chạy xe cẩn thận hơn", Bùi Minh Đức chia sẻ thêm.

Giá như cuộc đời cũng có thể thực hành "suspension of disbelief" (tạm dừng sự hoài nghi) như trong phim ảnh, để biết chắc chắn rằng rồi sẽ có những điều tốt đẹp đến với nhân vật, dù hy hữu đến nhường nào.

Shipper bị chấm "sao xấu", công ty phạt 500.000 đồng có đúng?

Theo như sự việc được thuật lại, anh Thành là cộng tác viên giao hàng. Mỗi lần khách hàng phản ánh xấu, nếu xác định chính xác việc có hành vi chưa đúng thì shipper bị phạt 500.000 đồng. Và trong vụ việc này, anh Thành bị chị T. phản ánh thái độ không đúng, từ đó dẫn đến mâu thuẫn.

Theo luật sư Hoàng Quỳnh (Công ty luật FDVN), hiện nay rất nhiều sàn thương mại điện tử hoạt động trên thị trường. Để hàng hóa đến tay người mua, chủ sở hữu các sàn thương mại đã đưa dịch vụ giao hàng thành dịch vụ của sàn thương mại thay vì ký kết hợp tác với các đơn vị có chức năng vận chuyển.

Công ty chủ sở hữu các sàn thương mại ký kết hợp đồng kinh tế với các shipper ở tất cả các tỉnh thành và gọi là "đối tác kinh doanh" để phân chia lợi nhuận từ các đơn hàng.

Lý do mà các hãng công nghệ đưa ra khi không ký kết hợp đồng lao động với các shipper vì cho rằng mối quan hệ này là cộng tác, một bên đưa thông tin đơn hàng và một bên giao hàng. Các bên phân chia lợi nhuận dựa trên tiền phí giao hàng thể hiện trên sàn thương mại điện tử.

Từ vụ shipper tử vong: Sẽ không bao giờ đánh giá tài xế nào 1 sao! - 3

Để hàng hóa đến tay người mua, chủ sở hữu các sàn thương mại đã đưa dịch vụ giao hàng thành dịch vụ của sàn thương mại (Ảnh: Khương Mỹ).

Theo luật sư, nếu dựa vào câu từ của hợp đồng mà các bên ký kết do hãng công nghệ soạn thảo thì có thể hiểu quan hệ hợp đồng giữa các hãng công nghệ và shipper là quan hệ dân sự. Các bên bình đẳng và ngang hàng về quyền và lợi ích.

Luật sư Quỳnh nhìn nhận, trên thực tế nội dung các hợp đồng mẫu soạn sẵn thường chỉ có sự tuân thủ, bắt buộc phải thực hiện theo sự phân công và chính sách mà công ty đưa ra đơn hàng giao, mức chiết khấu, thưởng, phạt, kiểm soát các giao dịch, khách hàng, tuyến đường, đồng phục, cách thức giao hàng.

Luật sư Quỳnh cho rằng, các shipper đang chịu sự quản lý, điều hành, giám sát trực tiếp của các hãng công nghệ. Họ chỉ làm việc được khi công ty chỉ định giao đơn hàng; việc giao hàng như thế nào cũng phải được thực hiện theo quy định từ doanh nghiệp.

Mức "lợi nhuận được phân chia" mà shipper thực tế được nhận còn phụ thuộc công ty đánh giá như thế nào về việc tuân thủ quy định, thái độ phục vụ khách hàng.

Cũng theo luật sư Quỳnh, hiện số lượng shipper chạy chuyển hàng rất lớn, do vậy, để đảm bảo công bằng thì cần phải có quy định riêng để pháp luật điều chỉnh mối quan hệ giữa các công ty chủ sở hữu sàn thương mại điện tử và shipper để các bên thực thi.