Vũ nữ - nghề bị tiền sai khiến?

Ai cũng phải lao động kiếm tiền để sinh sống song phải lệ thuộc vào đồng tiền, bị nó điều khiển, sai khiến như nô lệ thì có lẽ chỉ có nghề vũ nữ (xin gọi đó là nghề vì nó cũng được đào tạo qua trường lớp, có giáo viên dạy và có rất nhiều cô gái trẻ đẹp dùng nó để kiếm sống).

Vũ công - nghề sống trên tiền

 

Nước da sẫm mịn màng, khuôn mặt khả ái, dáng người thon thả, chắc lẳn và rất biết cách ăn mặc, Nguyễn Hoàng Thụy Quyên (SN 1982, HKTT tại TPHCM) như lạc lõng ngay giữa gia đình mình với bà mẹ suốt ngày đau ốm bệnh tật và người cha lam lũ đen đúa cặm cụi với nghề lái xe ôm lo trang trải cho 5 miệng ăn. Không cam phận như 2 chị lớn, học hết trung học phổ thông, Quyên theo lớp đào tạo vũ công tại CLB phường Nguyễn Du và hai năm sau cô được nhận vào làm tại vũ đoàn Hải Vân.

 

Những chuyến công diễn đã giúp Quyên mở mang đầu óc, năm 2002 cô ra Bắc đầu quân vào dàn vũ công của CLB Hồ Gươm Xanh và Hale Club. Ngoài hai nơi ký hợp đồng này ra, Quyên còn được một số quán bar ở Hà Nội trưng dụng và lịch nhảy của cô cứ dày kín, tiền thù lao cũng nhiều không kém chảy vào túi Quyên, đó là chưa kể tiền khách cho thêm.

 

Cũng đẹp không kém song Nguyễn Tố Loan (tức Loan “búp bê”, SN 1976, ở chùa Hưng Ký, quận Hai Bà Trưng) và Trần Thị Vượng (SN 1974, ở Lê Duẩn, Hoàn Kiếm) đến với nghề vũ nữ  mà chẳng cần dày công học tập. Không hành nghề ở Hà Nội, hai cô vào TPHCM làm thuê cho một quán cà phê có sàn nhảy để “khoe” nước da trắng ngần và tuổi thanh xuân phơi phới những mong tìm được “mạnh thường quân”.

 

Khi đã khẳng định “thương hiệu” của mình, Loan và Vượng chỉ cần chưng diện, không cần nhảy kiếm tiền cũng có hàng tá người bỏ tiền nuôi các cô để độc chiếm làm của riêng mình. Trở thành gái bao với mức tiền nuôi hơn 2.000USD/tháng, công việc của các cô là làm sao mỗi ngày ăn nhà hàng, nghỉ khách sạn hết vài triệu và đêm đêm lại đến các sàn nhảy để lựa chọn thêm người biết vung tiền ra bao mình (!).

 

Với các vũ nữ, có thể nói đây là quãng thời gian vàng son nhất của họ, được sống giẫm đạp trên tiền và để có thể nhảy dẻo hơn, có sức “đền đáp” những người biết ném tiền mua vui, các cô phải nhờ ma túy trợ giúp nhan sắc, vô tình kéo theo những hệ lụy buồn.

 

Trả giá cả cuộc đời

 

Thời gian vừa qua việc hàng loạt động lắc ở Hà Nội, TPHCM bị triệt phá khiến nhiều người bàng hoàng bởi sự xuống dốc về lối sống của một bộ phận thanh thiếu niên. Hầu hết các vụ án này đều dính dáng đến vũ nữ.

 

Vụ án mua bán, vận chuyển thuốc lắc mà công an quận Hoàn Kiếm, Hà Nội triệt phá ngày 24/5/2005 lại do vũ nữ Vũ Thị Thanh Hương (SN 1982, ở Hàng Kênh, TP. Hải Phòng) cầm đầu. Hương bị bắt khi đang vận chuyển 27 viên thuốc lắc màu tím.

 

Bỏ chồng lên Hà Nội làm vũ nữ cho một số quán bar, ban đầu Hương mua thuốc lắc để dùng nhưng sau đó thấy lời cao nên đã mua về bán cho đám thanh niên đến nhảy. Cô móc nối với một số đối tượng là Trần Thị Thái ở Hải Phòng và Mạnh pêđê mua thuốc lắc từ Hải Phòng đem vào sàn nhảy bán.

 

Con đường lẩn quẩn giữa tiền, ma túy cũng dẫn Quyên đến tù tội khi cô cặp bồ với Nguyễn Đức Hải (tức Hải quay, SN 1974), một đại lý ma túy lớn ở Hà Nội đang có lệnh truy nã. Ngoài việc sử dụng ma túy, những lúc Hải không có nhà, Quyên còn bán hộ ma túy và nhiều lần đưa thuốc lắc cho Vũ Trọng Hưng (SN 1983, hộ khẩu thường trú tại 54 Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội). Ngày 10/3/2005, Quyên bị bắt vì liên quan đến việc mua bán, vận chuyển 829 viên ma túy tổng hợp và cái giá phải trả chắc chắn không nhỏ.

 

Với Loan và Vượng thì sau một thời sống tầm gửi vào tiền bao hậu hĩnh đã trở nên “già”, không còn được chuộng nữa song cái thói tiêu tiền phung phí đã nhiễm vào máu nên họ nghĩ ra cách mua thuốc lắc từ TPHCM vận chuyển ra Hà Nội bán.

 

Sau nhiều lần Loan từ TPHCM gửi cho Vượng ở Hà Nội tiêu thụ trót lọt, lần này đã bị bắt khi đang vận chuyển 494 viên ma túy tổng hợp bằng đường tàu hỏa. Vừa qua, TAND TP. Hà Nội đã kết án Loan 20 năm tù, Vượng 18 năm tù và những kẻ có liên quan cũng không tránh khỏi vòng tù tội.

 

Khi được hỏi, cô vũ nữ nào cũng khóc sướt mướt vì không ngờ bị trượt dài như vậy. Ai cũng nói muốn có thật nhiều tiền để mở cửa hàng, làm lại cuộc đời lúc đứng tuổi nhưng cái khoảng cách giữa đồng tiền lương thiện và bất chính vốn đã rất mong manh thì ở môi trường này gần như không còn, khiến họ sa ngã, phải đánh đổi bằng cả cuộc đời…

 

Theo Vĩnh Hà
Công An TPHCM