1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Vụ kiện nhân tài

Vụ Đà Nẵng kiện “nhân tài” thu hút sự chú ý của xã hội, bởi vì có nhiều điều rất đáng bàn ở đây.

Vụ kiện nhân tài - 1

Trước hết, khoan vội dùng hai chữ “nhân tài”, bởi vì như vậy quá lạm dụng. Đa số họ là con cái quan chức, nằm trong diện được quy hoạch, cho đi học theo đề án phát triển nguồn nhân lực, không phải bằng tài năng giật học bổng của các trường đại học nước ngoài, vậy thì có chi là tài.

Có người học không nổi, sang nước ngoài chỉ lo chơi bời, nói như ông Nguyễn Xuân Anh - Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng: “Con số học viên vi phạm là không nhiều so với một đề án. Nhưng có học viên cá biệt còn vi phạm pháp luật, qua nước ngoài chơi cờ bạc, không học hành đến nơi đến chốn, nên phải kiện. Thành phố cực chẳng đã mới phải đi kiện nhân tài để họ bồi hoàn lại tiền ngân sách. Còn đã là nhân tài thì càng phải tuân thủ luật chơi”, học không xong, chỉ lo bài bạc mà là “nhân tài” hay sao?

Qua đây nên xem lại việc tuyển chọn người để cử đi du học. Đem tiền thuế của dân để chu cấp cho những người này thử hỏi có xứng đáng không? Việc tuyển chọn không đúng nhân sự là trách nhiệm của những người thực hiện đề án. Nếu như không đòi được tiền đền cho ngân sách, ai gánh đây, hay dân gánh?

Việc cần bàn thứ hai, có những người học tốt, nhưng không muốn trở lại làm việc cho các cơ quan nhà nước như cam kết. Những người này không cần ăn bám vào cái ghế của cha chú hay ai đó sắp đặt, mà muốn tìm công việc phù hợp với năng lực và hoài bão của chính mình. Họ rất đáng trọng vì họ có sự tự trọng. Vì tự trọng nên họ cần được trọng dụng hơn là sự ban phát.

Nguyên Giám đốc Sở Nội vụ TP.Đà Nẵng Đặng Công Ngữ phân tích: “Trọng dụng không phải là quý mến hay ưu ái, mà phải bố trí việc đúng khả năng, đúng môi trường để họ phát huy trí tuệ, năng lực, giúp họ luôn có cảm hứng để gắn bó. Hiện tại mình mới sử dụng người tài chứ chưa thực sự trọng dụng. Phải làm cho họ thăng hoa, tin dùng họ thì đó mới là trọng dụng”.

Đà Nẵng không giữ được chân những người có năng lực thực sự không phải vì họ không muốn ở, mà hãy nhìn lại cách đãi ngộ và trọng dụng của địa phương. Điều này không chỉ riêng với Đà Nẵng, mà với nhiều nơi khác.

Từ đây có thể nhận ra, chính sách đầu tư cho đi du học không hiệu quả bằng chính sách thu hút người có năng lực.

Thứ ba: Đừng lo chảy máu chất xám. Người có thực tài dù ở đâu cũng có lợi cho đất nước.

Theo Lê Chân Nhân/ Lao động