Bình Định:

Vụ chủ nhà máy đường Ấn Độ “mất hút”: Nhiều công nhân "ăn chực nằm chờ"

(Dân trí) - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty CP Đường Bình Định (BISUCO), Trần Văn Đồng, cho biết sau khi BISUCO đóng cửa chỉ khoảng 20% người lao động tìm được việc làm mới. Số còn lại ở độ tuổi ngoài 40 nên rất khó thoát cảnh “ăn chực nằm chờ”.

Vụ chủ nhà máy đường Ấn Độ “mất hút”: Nhiều công nhân ăn chực nằm chờ - 1
Đời sống của hàng trăm công nhân lao động BISUCO sống lay lắt sau khi nhà máy đóng cửa, chủ người Ấn Độ âm thầm rời khỏi Việt Nam.

Lay lắt mưu sinh

Theo giới thiệu của Chủ tịch Công đoàn cơ sở BISUCO, chúng tôi tìm về khu tập thể của BISUCO, 2 dãy nhà khu tập thể liền kề một thời vui nhộn tiếng cười nói của gia đình công nhân lao động của nhà máy thì nay đìu hiu, xuống cấp, dột nát...

Khu tập thể chỉ còn 5 gia đình công nhân cũ của công ty này đang bám trụ vì cuộc sống mưu sinh. Bởi giờ đây, họ cũng không biết sẽ đi về đâu trong hành trình đòi quyền lợi khi chủ nhà máy Ấn Độ bỏ rơi.

Vụ chủ nhà máy đường Ấn Độ “mất hút”: Nhiều công nhân ăn chực nằm chờ - 2
Nhà máy đường Bình Định hoan tàn, máy móc, thiết bị đang bị hoen gỉ.

Nhà máy đóng cửa, vợ chồng chị Văn Thị Như Tuyết (42 tuổi), chị Tuyết - nhân viên tổ đóng bao của Cty - phải sống lay lắt bằng những đồng tiền tích góp của nhiều năm làm công nhân ở BISUCO.

Theo chị Tuyết, một ngày của chị bắt đầu dậy từ 2 giờ sáng nấu xôi rồi gánh ra chợ sạn trước cổng công ty để bán. Hôm đắt hàng, chị kiếm được 70.000 - 80.000 đồng, còn bữa ế cả nhà đành ăn xôi trừ bữa.

Trong khi đó, chồng chị cũng là công nhân cũ ở BISUCO. Anh bị hen suyễn nặng nhưng vẫn phải lao lực đi sớm về khuya, cố bám trụ với công việc thời vụ trong một xưởng gỗ thuộc khu công nghiệp Long Mỹ (TP Quy Nhơn), cách nhà 50km.

Vụ chủ nhà máy đường Ấn Độ “mất hút”: Nhiều công nhân ăn chực nằm chờ - 3
Nhiều tháng qua, 3 mẹ con chị Phượng sống khoản tiền công 7.000 đồng/tấm thiệp giấy xoắn cho một cơ sở xuất khẩu ở TP. Hồ Chí Minh.

“Hàng ngày, cứ 4 giờ sáng là ông ấy phải dậy đón xe đi làm, có hôm tăng ca tới 10 giờ đêm mới về tới nhà. Ông ấy bị hen suyễn nặng, lẽ ra phải tránh chỗ bụi bặm, nhưng không đi làm thì lấy gì nuôi 3 đứa con ăn học nên đành chấp nhận”, chị Tuyết bùi ngùi.

Sát vách nhà chị Tuyết trong khu tập thể tàn tạ, dột nát của BISUCO là hoàn cảnh chị Hoàng Thị Phượng (48 tuổi, cựu công nhân Phòng Kỹ thuật).

Vợ chồng chị đều là công nhân của BISUCO, nhưng tai nạn ập xuống khi chồng chị đột ngột ra đi vì tai nạn giao thông. Suốt 13 năm trời, một nách 2 con nhưng chị Phượng phải chống chọi thường xuyên với chứng thiếu máu, đau tim, nhức đầu, hoa mắt.

Không có khả năng lao động nặng ngoài trời, chị cầm cự mưu sinh bằng khoản tiền công 7.000 đồng/tấm thiệp giấy xoắn cho một cơ sở xuất khẩu ở TP. Hồ Chí Minh.

Vụ chủ nhà máy đường Ấn Độ “mất hút”: Nhiều công nhân ăn chực nằm chờ - 4
Khu tập thể BISUCO giờ hoang vắng, xuống cấp.

“Như tôi làm nhanh, mỗi ngày được 7 thiệp là cùng. Cuối tháng cộng dồn mỗi tháng được khoảng 1,5 - 1,8 triệu đồng. Thiếu đủ gì mấy mẹ con cũng gói ghém bấy nhiêu. Đứa con gái đầu học CĐ Y Dược Huế, nội ngoại 2 bên lo học phí. Tiền ăn, tiền trọ, cháu tự đi làm thêm trang trải”, người phụ nữ góa bụa, khuôn mặt tái xanh, hốc hác chua xót nói.

“Mặt mũi đâu mà về quê”  

Cùng ở khu tập thể BISUCO, vợ chồng anh Đặng Ngọc Nhuận (46 tuổi, quê huyện Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) và vợ là chị Nguyễn Thị Sĩ (46 tuổi, quê huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) thuộc lớp công nhân đầu tiên vào BISUCO.

Thế nhưng, gần 1 năm từ ngày công ty đóng cửa, ông chủ nhà máy người Ấn Độ “mất hút”, vợ chồng anh chị sống lay lắt nhờ những đồng tiền dành dụm sau 22 năm làm lụng vất vả ở BISUCO.

Giờ đây, đứa con trai đầu của anh chị chuẩn bị vào đại học, đứa nhỏ vào lớp 6 khiến gia đình rơi vào bế tắc.

Vụ chủ nhà máy đường Ấn Độ “mất hút”: Nhiều công nhân ăn chực nằm chờ - 5
Con em người lao động BISUCO đang chịu nhiều thiệt thòi.

Theo anh Nhuận, tháng 12/2018, anh mới tìm được việc làm tại một dự án điện mặt trời ở Cư Jút, Đắk Nông.

“Công việc phải làm ở ngoài trời nắng nóng, thời gian đầu không quen cũng đau ốm vặt suốt. Làm riết rồi quen, từ mang vác vật tư, đào đất, kéo dây… việc gì đến tay tôi làm tuốt. Tiền công 350.000 đồng/ngày nhưng trừ tiền ăn, xăng xe di chuyển còn lại 220.000 đồng/ngày. Công việc chỉ ổn định 3 tháng đầu, về sau việc ít dần, phập phù bữa có bữa không”, anh Nhuận nói.

Hôm chúng tôi ghé thăm, anh Nhuận đang chuẩn bị lên đường vào Nha Trang, chạy theo một dự án mới với chủ cũ.

Còn vợ anh, chị Sĩ buồn rầu nói: “Có quê hương mà chẳng dám về. Nhiều lúc vợ chồng cũng muốn vứt bỏ hết về quê làm lại từ đầu. Nhưng rồi nghĩ, mặt mũi nào “hồi hương” khi trắng tay, rồi lại tiếp tục làm khổ cha, khổ mẹ già…”.

Vụ chủ nhà máy đường Ấn Độ “mất hút”: Nhiều công nhân ăn chực nằm chờ - 6
Với vợ chồng anh Nhuận có quê mà không dám về vì sợ làm khổ cha mẹ thêm lần nữa.

Theo ông Trần Văn Đồng- Chủ tịch Công đoàn cơ sở BISUCO, cho biết chỉ có 20% người lao động BISUCO tìm được việc làm mới. Còn số người lao động ở độ tuổi ngoài 40 rất khó thoát cảnh ăn chực nằm chờ, nhiều gia đình ly tán vì cuộc sống mưu sinh.

Dừng gia hạn thẻ BHYT từ ngày 1/7 cho người lao động BISUCO

Do Cty BISUCO không còn đóng các khoản BHXH, BHYT cho người lao động trong thời gian dài, Cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Định đã gửi văn bản 731/BHXH-QLT đề nghị BHXH Việt Nam “theo dõi, chỉ đạo” việc chốt số liệu, dừng thu các khoản bảo hiểm từ ngày 1/5 và không thực hiện gia hạn thẻ BHYT từ ngày 1/7/2019 cho người lao động BISUCO.

Đến thời điểm này, thẻ khám chữa bệnh BHYT của 274 lao động BISUCO đã được BHXH Bình Định gia hạn 2 lần. Lần 1, từ ngày 1/1 đến ngày 31/3; lần 2, từ ngày 1/4 đến ngày 30/6/2019.

Doãn Công