Vụ 569 hồ sơ thương binh giả: Sai phạm tới đâu, thu hồi tới đó

(Dân trí) - Liên quan tới việc xử lý 569 hồ sơ thương binh giả mới bị phát hiện tại Nghệ An, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng cho biết, nguồn kinh phí từ việc hưởng sai chế độ thương binh sẽ phải được thu hồi và sai phạm tới đâu sẽ xử lý tới đó.

Trước đó, các cơ quan chức năng đã phát hiện 569 hồ sơ thương binh giả được xác lập tại tỉnh Nghệ An. Từ thông tin này, Sở LĐ-TB&XH Nghệ An đã thông báo đình chỉ 569 đối tượng hưởng sai chế độ thương binh từ ngày 1/8/2018.

Sáng 3/8, tại Hà Nội, đại diện UBND tỉnh Nghệ An đã có cuộc họp với Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH về vấn đề trên. Trao đổi với báo giới sau cuộc họp, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng khẳng định Bộ LĐ-TB&XH và UBND tỉnh Nghệ An sẽ làm quyết liệt, minh bạch vụ việc: “Sai đâu khắc phục và xử lý thu hồi đến đó”.

“Sự việc trên cho thấy, các đối tượng đã lợi dụng sơ hở của pháp luật để làm hồ sơ thương binh giả nhằm trục lợi chính sách. Có những đối tượng làm giả hồ sơ thương binh và đã hưởng chính sách tới nhiều năm” - Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nói.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Nghệ An, một số đối tượng trục lợi chính sách đã thấy việc làm của mình là không đúng và sẵn sàng chấp hành quy định của pháp luật.

Được biết quan điểm của Bộ LĐ-TB&XH luôn khuyến khích việc những cá nhân tự động hoàn lại cho ngân sách Nhà nước khi đã nhận sai hoặc trục lợi chính sách. Trường hợp không chi trả sẽ xử lý theo quy định pháp luật.

“Theo nguyên tắc, hưởng sai là phải thu hồi ngay chứ không có quy định vào khoảng thời gian nào. Vì khi ra quyết định xử lý thu hồi, những người làm hồ sơ thương binh giả phải chấp hành luôn từ khi quyết định có hiệu lực” - Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nói.

Cũng theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, nhiều đối tượng trục lợi chính sách thương binh như trên có thể thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo hoặc bệnh hiểm nghèo.

“Không ít trường hợp này đang trong hoàn cảnh khó khăn. Nhưng điều này không có nghĩa là có thể bỏ qua được” - Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết.

Còn nhiều bất cập trong chính sách

Theo Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, việc để xảy ra nhiều hồ sơ thương binh giả một phần còn do bất cập trong chính sách. Đơn cử như việc cần có người làm chứng, điều này có thể dẫn tới việc nhờ nhau đứng ra làm chứng. “Bộ LĐ-TB&XH đang nghiên cứu và sẽ đề xuất việc sửa Pháp lệnh ưu đãi người có công và các văn bản liên quan để khắc phục những hạn chế trên” - Thứ trưởng Lê Tấn Dũng cho biết.

Hoàng Mạnh