Vỡ òa cảm xúc khi Tổ quốc ghi công liệt sĩ
(Dân trí) - Có những người đã nằm xuống lòng đất mẹ hơn 50 năm nay mới được công nhận là liệt sĩ. Thân nhân của họ run run ôm Bằng Tổ quốc ghi công vào lòng.
Vượt gần 1.000 km, ông Nguyễn Văn (trú quán tại TP. Hồ Chí Minh) về Quảng Nam dự lễ trao bằng Tổ quốc ghi công do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức. Có lẽ với ông Văn, đây sẽ là chuyến đi đáng nhớ nhất trong cuộc đời.
Sáng 21/7, tại Hội trường nhà văn hoá tỉnh Quảng Nam (Tam Kỳ, Quảng Nam), ông Văn đã vinh dự đón nhận Bằng Tổ quốc ghi công từ tay Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Trên tấm Bằng Tổ quốc ghi công có tên cha ông - liệt sĩ Nguyễn Cát.
Ông Văn bùi ngùi nhớ lại, trước năm 1975, gia đình ông sinh sống tại tỉnh Nghĩa Bình (thời điểm chưa chia tách thành Quảng Ngãi và Bình Định). Cả cha và mẹ ông đều anh dũng hy sinh trong kháng chiến.
“Đất nước hòa bình là mẹ tôi được công nhận liệt sĩ. Riêng cha tôi mất năm 1974, nhưng hơn 4 năm sau mới nhận được giấy báo tử. Sau đó hồ sơ công nhận của cha tôi bị thất lạc, vướng mắc. Đến bây giờ ông mới được công nhận là liệt sĩ. Có niềm vui nào hơn thế”, ông Văn xúc động.
Mấy chục năm qua, ông Văn luôn tin tưởng đến một ngày cha mình sẽ được công nhận là liệt sĩ. Trong suy nghĩ của ông, Tổ quốc không bao giờ quên những người đã ngã xuống cho sự bình yên của đất nước.
“Tôi vào thành phố Hồ Chí Minh sinh sống nên chuyển hết hồ sơ của cha tôi vào đó. Quá trình làm hồ sơ tôi nhận được sự hỗ trợ tận tình của các cấp ngành ở TP Hồ Chí Minh. Để rồi hôm nay, tôi nhận bằng Tổ quốc ghi công có tên của ông. Vậy là cha mẹ tôi đã mỉm cười nơi chín suối”, ông Văn chia sẻ.
Xen lẫn trong nỗi xúc động là niềm vui. Bởi sau 46 năm ngày nằm xuống đất mẹ, cha ông Văn đã được Tổ quốc ghi công. Đây là sự ghi nhận, là trách nhiệm của Tổ quốc với những người hy sinh xương máu cho đất nước. Riêng với ông Văn, trách nhiệm với người cha đã mất cũng hoàn thành.
Cùng với các thân nhân khác nhận Bằng Tổ quốc ghi công, ông Phạm Hồng Quý (xã Tam Phước, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) bày tỏ niềm vui khôn tả. Ông Quý là cháu của liệt sĩ Phạm Hồng Thuyên,
“Gia đình chúng tôi rất xúc động. Tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào là cháu của liệt sĩ Phạm Hồng Thuyên. Hôm nay được đến đây nhận tấm bằng này tôi xin cảm ơn Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương đã giúp đỡ. Nhờ đó chú tôi đã được Tổ Quốc ghi công”, ông Quý xúc động .
Ông Quý chia sẻ, được đại diện đến nhận bằng từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước là một vinh dự đối với ông. Từ nay, nhìn vào tấm gương của chú, nhìn vào Bằng Tổ quốc ghi công, chúng tôi thêm tự hào về truyền thống cách mạng của gia đình.
Cùng nỗi xúc động đó, ông Nguyễn Mạnh (cháu liệt sĩ Nguyễn Thị Hồng) rưng rưng nước mắt nói về quá trình hoàn thành hồ sơ liệt sĩ cho người cô.
Cô của ông Nguyễn Mạnh hy sinh năm 1968. Sự hy sinh của nữ chiến sỹ cách mạng Nguyễn Thị Hồng chỉ có vài đồng đội chứng kiến lúc đó. Đồng đội của liệt sĩ Nguyễn Thị Hồng vẫn tiếp tục tiến lên phía trước với những trận chiến ngoan cường giành độc lập.
Để rồi, sau mấy chục năm, họ mới có cơ hội minh chứng cho đồng đội của mình.
“Thời gian hoàn thành thủ tục công nhận liệt sĩ kéo dài là bởi phải tìm được những đồng đội đã chứng kiến sự hy sinh của cô tôi. Mấy chục năm qua là quá dài nhưng rồi niềm vui đã đến”, ông Mạnh run run siết chặt tay vào tấm Bằng Tổ quốc ghi công mang tên liệt sĩ Nguyễn Thị Hồng.
Nhiều trường hợp đã hy sinh cách đây 70-80 năm
Phát biểu tại lễ trao Bằng Tổ quốc ghi công sáng 21/7, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh: "Phần nhiều các trường hợp công nhận liệt sĩ là những trường hợp đã hy sinh cách đây đã rất lâu, trong thời kỳ chống Pháp, hy sinh cách đây 70 - 80 năm đến nay mới được công nhận liệt sĩ. Quá trình xem xét, giải quyết của các cơ quan chức năng đã xử lý căn bản và kết luận cụ thể về những vụ việc, hồ sơ rất phức tạp từ lâu chưa xử lý được nay đã được trình Chính phủ xem xét kết luận".
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, để có được kết quả như trên, có sự lãnh đạo sâu sát của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là sự quan tâm của đồng chí Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với trách nhiệm là người lãnh đạo cấp cao của Đảng, với tình cảm của nguyên Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH.
"Chúng ta vẫn phải cố gắng hơn, quyết tâm hơn và đồng lòng phối hợp hơn nữa trong các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công và gia đình người có công nói chung và việc giải quyết hồ sơ tồn đọng nói riêng dù rằng việc này ngày càng khó khăn hơn", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.