Nín thở sau gần 10 năm trồng loại "cây tỷ đô"

Trần Lê

(Dân trí) - Từng được coi là loại "cây tỷ đô" nhưng giá trị kinh tế mang lại của cây mắc ca sau gần 10 năm trồng không như kỳ vọng ban đầu.

15 năm "cây tỷ đô" chưa cho "triệu đô"

Năm 2006, cây mắc ca được đưa về vùng đất Thạch Thành, Thanh Hóa trồng khảo nghiệm. Nhiều người dân thời điểm đó được giới thiệu đây là "cây tỷ đô". Từ 2013, một số gia đình bắt đầu đầu tư trồng loại cây lấy hạt này.

Nín thở sau gần 10 năm trồng loại cây tỷ đô - 1

Vườn mắc ca của gia đình ông Hồ.

Ông Phạm Văn Hồ, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Thạch Thành được cho là người trồng, chăm sóc cây mắc ca bài bản nhất tại địa phương. Đến nay, gia đình ông đã trồng được 10 ha mắc ca trên địa bàn thị trấn Vân Du. Theo ông Hồ, mắc ca là cây đa chức năng, tốt với môi trường, cho sản phẩm ngon, giá trị. Bình quân chu kỳ trồng 1 ha mắc ca hết khoảng 70-80 triệu đồng. 

"Năm 2006, mắc ca được trồng khảo nghiệm tại một gia đình ở xã Thành Mỹ, huyện Thạch Thành. Chúng tôi thấy quả ngon nên mới trồng. Vừa qua, lãnh đạo tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lên đánh giá để có chiến lược phát triển loại cây trồng này theo đề án của Thủ tướng Chính phủ", ông Hồ cho biết.

Nín thở sau gần 10 năm trồng loại cây tỷ đô - 2

Theo quan sát của phóng viên, năm nay tỷ lệ mắc ca đậu quả rất thấp.

Nín thở sau gần 10 năm trồng loại cây tỷ đô - 3

Nhiều diện tích cây xanh tốt nhưng tỷ lệ quả rất ít.

Trong số 10 ha mắc ca của gia đình ông Hồ, có 4 ha đã cho thu hoạch. Mục sở thị vườn mắc ca của gia đình ông Hồ có thể thấy cây xanh tốt nhưng năm nay, tỷ lệ đậu quả rất thấp.

Dù sản lượng chưa như kỳ vọng nhưng ông Hồ rất tự tin và tâm huyết với loại cây này. Ông có dự định chế biến, phát triển thành thương hiệu sản phẩm nhân mắc ca. Theo ông Hồ, năm 2020, 1ha mắc ca của gia đình ông cho thu hoạch 4 tấn quả, bán với giá 100.000 đồng/kg, lợi nhuận thu về khoảng 200 triệu đồng.

Nín thở sau gần 10 năm trồng loại cây tỷ đô - 4

Dưới tán cây, ông Hồ nuôi ong.

Nhìn kết quả đầu tư của gia đình ông Hồ, nhiều hộ nhận khoán đất của BQLRPH Thạch Thành cũng đầu tư trồng mắc ca. Đến nay, đã có hơn 30 hộ gia đình trồng được 99 ha trên đất của BQLRPH Thạch Thành. Trong đó, có khoảng 20 ha trồng từ năm 2013 đã cho thu hoạch. Tuy nhiên, sản lượng mắc ca hạt còn rất khiêm tốn, năm được, năm mất.

Quy trình chăm sóc cây mắc ca theo ông Hồ rất đơn giản. Sau khi trồng 2 năm đầu, cần thường xuyên tỉa chồi thực sinh để cây tập trung nuôi mắt ghép. Từ năm thứ 5 có thể để quả.

Nói về hiệu quả kinh tế của cây mắc ca, ông Hồ cho biết, đây là cây ăn quả, nếu không tác động kỹ thuật thì năm được mùa, năm mất mùa, dù ra hoa nhiều nhưng dinh dưỡng cho cây và các yếu tố không đủ để nuôi  quả. Hơn nữa, thời tiết, sương mù ảnh hưởng nhiều đến khả năng đậu quả.

Nín thở sau gần 10 năm trồng loại cây tỷ đô - 5

Hoa thường nở rộ nhưng có những cây gần như không đậu quả.

Để lấy ngắn nuôi dài, thời gian đầu, khi mắc ca chưa khép tán, ông Hồ trồng các loại cây ngắn ngày và nuôi ong…

Việc nhiều gia đình trồng "cây tỷ đô" nhưng chưa hiệu quả, theo ông Hồ, do người dân chỉ chú trọng đến cây màu ngắn ngày, không chăm sóc cây mắc ca. Để trồng được loại cây này phải có cán bộ tâm huyết, theo dõi, có hướng dẫn đúng quy trình kỹ thuật. Trong khi người dân chủ yếu tự phát trồng, không theo dự án.

Trồng "cây nhà giàu", không dám mạo hiểm!

Cũng với niềm tin về "cây tỷ đô", năm 2013, anh Hà Đông Giang, ở khu phố 1, thị trấn Vân Du, đầu tư trồng hơn 800 cây mắc ca nhưng nay chỉ còn khoảng 500 cây do bị gãy đổ, chết. Nhiều diện tích mắc ca của gia đình anh hiện cỏ mọc um tùm.

Nín thở sau gần 10 năm trồng loại cây tỷ đô - 6

Nhiều diện tích cây mắc ca của gia đình anh Giang cỏ mọc um tùm.

Dù đã gần 10 năm, nhưng theo như chia sẻ của anh Giang, hiệu quả cây mắc ca mang lại thấp. Năm 2021, khoảng 500 cây của gia đình anh Giang chỉ thu được một tạ quả, bán được 5 triệu đồng. Trong khi đó, riêng tiền giống ban đầu đã hết hơn 80 triệu đồng, chưa tính đầu tư phân bón, công chăm sóc gần 10 năm qua. Do sản phẩm chưa có đầu ra ổn định, năng suất thấp nên những năm trước, gia đình anh thậm chí ngại thu hoạch.

Sở dĩ cây mắc ca không hiệu quả nhưng anh vẫn giữ lại, chưa chuyển đổi cây trồng là bởi anh "nghe nói loại cây này từ trên 10 năm trở lên mới ổn". Theo anh Giang, việc trồng cây ngắn ngày dưới tán mắc ca cũng bấp bênh, năm được, năm mất. Khi được hỏi về ý định mở rộng diện tích cây mắc ca, anh Giang lắc đầu.

Nín thở sau gần 10 năm trồng loại cây tỷ đô - 7

Theo anh Tư, cây mắc ca phụ thuộc nhiều vào thời tiết.

Nín thở sau gần 10 năm trồng loại cây tỷ đô - 8

Trên diện tích trồng "cây tỷ đô", gia đình anh Tư chỉ trông chờ chủ yếu vào các cây ngắn ngày.

Nghe chúng tôi hỏi về "cây tỷ đô", anh Vũ Đình Tư, khu phố 1, thị trấn Vân Du chỉ cười trừ. Gia đình anh Tư trồng hơn 100 cây mắc ca trên diện tích khoảng 1 ha. Năm 2013, anh mua giống với giá 105.000 đồng/cây. Vì hiệu quả thấp nên gia đình không mấy mặn mà trong việc đầu tư, chăm sóc.

Theo anh Tư, loại cây này phụ thuộc nhiều vào thời tiết, khi ra hoa trúng dịp mưa phùn, sương mù sẽ bị thối, rụng, quả không đạt. Thậm chí, có thời điểm mắc ca thu hoạch xong mà không biết bán cho ai, thị trường bấp bênh từng năm. Anh Tư cho rằng, phải đảm bảo được năng suất, đầu ra, giá cả ổn định thì mới có định hướng để đầu tư.

Cũng như nhiều gia đình, ban đầu thấy mô hình khảo nghiệm có giá trị nên năm 2013, ông Thạch Văn Tuấn, ở khu phố 1, thị trấn Vân Du quyết định đầu tư cả trăm triệu đồng mua khoảng 1.200 cây mắc ca trồng trên diện tích hơn 6 ha.

Nín thở sau gần 10 năm trồng loại cây tỷ đô - 9

Gia đình ông Thạch Văn Tuấn trồng hơn 6 ha cây mắc ca.

Vườn mắc ca của gia đình ông Tuấn cho thu hoạch từ 2019, tuy nhiên, năng suất chưa được như mong muốn. Cũng có năm, ông thu được 5,5-6 tấn quả nhưng năm nay thì mất mùa. Ngoài ra, giá mắc ca cũng cao, thấp tùy từng năm.

"Cây mắc ca cực kỳ nhạy cảm với thời tiết, cây ra hoa từ tháng 11 âm lịch và ra rộ vào tháng giêng, tháng 2, cho thu hoạch vào tháng 9. Năm nay quả đậu rất kém do khi nở hoa gặp mưa phùn, sương mù", ông Tuấn cho biết.

Theo ông Tuấn, hiện, người dân trồng mắc ca chưa chú tâm chăm sóc theo kỹ thuật. Hơn nữa, cây mắc ca phụ thuộc nhiều vào thời tiết, trong khi người dân chủ yếu tự mày mò chăm sóc. Ưu điểm nổi bật của cây mắc ca, theo ông, là không sâu bệnh, ít phải dùng thuốc bảo vệ thực vật.

Nín thở sau gần 10 năm trồng loại cây tỷ đô - 10

Theo ông Tuấn, năm nay mắc ca đậu quả rất kém, do khi hoa nở gặp mưa phùn, sương mù.

Ông Trần Bá Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành cho biết, cây mắc ca được đưa về Thạch Thành từ năm 2006, chưa qua khảo nghiệm mà chủ yếu bằng trực quan để xác định. Hiện cây mắc ca được trồng tại các địa phương như thị trấn Vân Du, xã Thành Tân, Thành Mỹ...

Dù được gọi là "cây tỷ đô" nhưng bài học về sự thất bại của cây cao su, cà phê trước đây khiến địa phương này thận trọng hơn trong việc phát triển diện tích mắc ca.

"Cây mắc ca được cho là cây nhà giàu, địa phương không dám mạo hiểm. Vừa rồi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu rà soát, tỉnh cũng chỉ đạo, xem khả năng thích nghi, quỹ đất trồng được hay không. Huyện đang chờ các xã báo cáo lên. Trong định hướng, Thạch Thành chưa có ý định mở rộng diện tích", ông Sơn chia sẻ.

Đã hơn 15 năm kể từ khi cây mắc ca được đưa về trồng tại địa phương nhưng hiệu quả của loại cây này như thế nào, theo ông Sơn vẫn chưa đánh giá được. Lâu nay, cây mắc ca trên địa bàn đang phát triển theo kiểu tự phát và địa phương cũng đang chờ chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa.

Nín thở sau gần 10 năm trồng loại cây tỷ đô - 11

Nhiều diện tích mắc ca ra hoa nhiều nhưng tỷ lệ đậu quả rất thấp.

Trong khi đó, dù trên địa bàn có nhiều diện tích cây mắc ca nhưng khi được hỏi, Chủ tịch UBND thị trấn Vân Du - Lê Xuân Dương tỏ ra không mấy "mặn mà" và cho biết chưa có chỉ đạo nào từ ngành chức năng và cấp trên. 

Ngày 13/4, UBND huyện Thạch Thành yêu cầu các địa phương, BQLRPH tổ chức triển khai quyết định 344 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 đến toàn thể cán bộ, công chức, nhân dân trên địa bàn. Đồng thời, rà soát, xác định cụ thể điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, quy mô đất... của cây mắc ca và tổng hợp diện tích có khả năng trồng mắc ca trên địa bàn.

Trước đây, UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng đề án phát triển cây mắc ca trên địa bàn giai đoạn 2015-2020. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai trồng cây mắc ca ở một số địa phương, cây cho năng suất quả rất khác nhau.

Năm 2015, theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp Thanh Hóa, ngành chức năng và các địa phương tuyệt đối không được trồng rộng rãi cây mắc ca ở những diện tích chưa qua khảo nghiệm.