1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Vợ chồng lương 23 triệu ở TPHCM, về quê giảm một nửa vẫn "sống khỏe"

Đăng Đức

(Dân trí) - Mức lương ở TPHCM cao nhưng chi phí sinh hoạt cũng không nhỏ nên nhiều lao động sau khi hồi hương tránh dịch đã quyết định chọn công việc ở quê với thu nhập chỉ bằng một nửa so với trước đây...

Vợ chồng thợ cơ khí lương 23 triệu vẫn khó sống ở TPHCM

Sau 7 năm ở trọ, làm việc ở TPHCM, dịch Covid-19 ập đến khiến công ty đóng cửa, anh Nguyễn Văn Dũng (SN 1993, trú tại khu phố 8, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) không còn việc làm. Sau 2 tháng bám trụ khi cả vợ cũng không có việc làm và thu nhập, còn phải nuôi 2 con nhỏ, tiền dành dụm đã cạn, vợ chồng anh quyết định khăn gói về quê tránh dịch.

Vợ chồng lương 23 triệu ở TPHCM, về quê giảm một nửa vẫn sống khỏe - 1

Anh Dũng làm việc trong lĩnh vực cơ khí (Ảnh minh họa).

"Tôi làm công nhân cơ khí, mỗi tháng kiếm được khoảng 15 triệu đồng nhưng công việc cũng không ổn định. Vợ tôi làm công nhân tại một công ty may mặc. Thu nhập mỗi tháng của hai vợ chồng hơn 23 triệu đồng nhưng phải nuôi 2 con nhỏ ăn học rồi chi phí thuê nhà trọ... nên không dư được bao nhiêu".

Không chỉ cuộc sống chật vật mà mỗi năm, hai vợ chồng anh Nguyễn Văn Dũng cũng chỉ dám về thăm quê và ba mẹ vào dịp Tết vì chi phí đi lại tốn kém.

Về quê được gần một tháng, anh Nguyễn Văn Dũng đã tìm được công việc phù hợp với sở trường của mình là nghề cơ khí. Mỗi ngày công anh kiếm được khoảng 250-300 nghìn đồng, thu nhập hơn 7 triệu đồng mỗi tháng, chỉ bằng một nửa so với làm ở TPHCM nhưng anh thấy yên tâm hơn.

"Hai vợ chồng tôi quyết định sẽ bám trụ ở quê làm ăn chứ không vào Nam nữa. Làm ở quê, dù thu nhập ít hơn nhưng các khoản chi tiêu rẻ nên cuộc sống cũng nhàn hơn ở phố. Hơn nữa, ở quê có ba mẹ và người thân nên sẽ thấy an tâm hơn", anh Nguyễn Văn Dũng nói.

Cũng trở về từ các tỉnh phía Nam, chị Nguyễn Thị Thanh Hằng (SN 1996, trú xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong) chấp nhận mức lương thấp hơn trước đây để tìm kiếm việc làm ở quê. Gần 2 tháng trước, sau khi dịch bệnh xảy ra, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thanh Hằng đưa con nhỏ mới 10 tháng tuổi về quê tránh dịch, đến nay cả hai vẫn chưa tìm được việc làm mới. 

Vợ chồng lương 23 triệu ở TPHCM, về quê giảm một nửa vẫn sống khỏe - 2

Nhiều lao động về từ phía Nam có nhu cầu xin vào làm việc ở công ty may mặc.

Chị Nguyễn Thị Thanh Hằng làm nghề may ở một công ty tại Bình Dương được 7 năm. Chồng chị làm ở bộ phận vận chuyển hàng ở một công ty điện tử.

"Tôi làm nghề may mặc, thu nhập mỗi tháng được khoảng 7 triệu đồng, nếu tăng ca thì được 8,5 triệu đồng. Thêm thu nhập của chồng nữa cũng chỉ đủ chi tiêu, trả tiền thuê nhà trọ, ăn uống. Lúc chưa có con thì còn dôi dư khoảng 3-4 triệu đồng, còn có con nhỏ thì phải mua bỉm, sữa... cũng khá chật vật", chị Nguyễn Thị Thanh Hằng chia sẻ.

Sau đợt này, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thanh Hằng bàn với nhau sẽ ở lại Quảng Trị sinh sống: "Vợ chồng tôi về được quê thấy mừng lắm. Tôi đang làm hồ sơ đi xin việc vào công ty may và ở lại Quảng Trị luôn. Làm ở quê dù thu nhập mỗi tháng chừng 5-6 triệu đồng cũng tốt hơn đi làm ăn xa, vì ở đây không tốn tiền thuê nhà, tiền gửi trẻ…", chị Nguyễn Thị Thanh Hằng tâm sự.

Cần tạo việc làm cho 1.200 người hồi hương 

Thống kê bước đầu của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), thời gian qua, địa phương có hơn 1.200 lao động từ các tỉnh phía Nam trở về quê. Dự báo, trong thời gian tới, số lượng lao động có nhu cầu tìm việc rất lớn. Trước thực trạng này, UBND tỉnh Quảng Trị đề nghị Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, hỗ trợ, tư vấn, giải quyết việc làm cho người lao động.

Sở LĐ-TB&XH đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Trị đẩy mạnh công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động; giới thiệu cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có nhu cầu sử dụng lao động biết để tuyển dụng lao động…

Đồng thời, Sở đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Quảng Trị tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động từ vùng dịch trở về địa phương vay vốn tự tạo việc làm để ổn định đời sống, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Để hỗ trợ người lao động về từ TPHCM và các tỉnh miền Nam do dịch Covid-19, Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Trị đã lập danh sách những người lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm để kết nối với các doanh nghiệp tại địa phương đang tuyển dụng lao động.