1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Việt Nam có nhiều ngành nghề nhất thế giới!

"Không có nơi nào trên thế giới có hệ thống ngành nghề nhiều như ở Việt Nam với 366 ngành nghề đào tạo hệ Đại học (ĐH), 400 ngành Cao đẳng (CĐ) và 800 ngành Trung cấp (TC), nhưng ngược lại thất nghiệp cũng đang dẫn đầu".

Đó là chia sẻ của ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP HCM (FALMI) tại hội thảo "Chủ trương, chính sách của Việt Nam chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0" do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Trường ĐH Mở TP HCM tổ chức mới đây.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc FALMI
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc FALMI

Ông Tuấn nhìn nhận: "Cuộc cách mạng này chúng ta đã nói rất nhiều nhưng cần thực tế nhìn nhận những ngành nghề nào sẽ phát triển trong giai đoạn này và chuyển đổi nên thực hiện ra sao. Tôi thấy hiện nhiều trường ĐH, nhất là trường dân lập mở ngành mới để đón đầu 4.0 nhưng thực ra là đang "chẻ" ngành để thu hút thí sinh".

Theo ông Tuấn, để chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho cuộc cách mạng 4.0, ngành nghề đào tạo phải phát triển theo hướng tích hợp của nhiều lĩnh vực, trong đó cốt lõi là công nghệ thông tin.

Vị chuyên gia dự báo nhân lực này cũng nhận định, các nhóm ngành sẽ phát triển mạnh trong cuộc cách mạng này gồm: công nghệ thông tin, công nghệ tự động hóa, kỹ thuật xây dựng, quản trị dịch vụ tài chính… Nhưng điểm đáng lưu ý là các nhóm ngành này không chỉ phát triển theo cách truyền thống bấy lâu mà theo hướng mới đòi hỏi kiến thức rộng và sâu hơn.

Không chỉ xu hướng ngành nghề, theo ông Tuấn, các trường ĐH cần trang bị cho người học những kỹ năng để thích ứng với cuộc cách mạng 4.0. "Ở thời đại của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo, quan trọng nhất là kỹ năng nghiên cứu và sáng tạo. Bên cạnh đó là tính kỷ luật, đạo đức và trách nhiệm với nghề nghiệp cao. Người lao động còn phải có năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng tốt một ngoại ngữ. Quan trọng hơn là hiểu biết cụ thể về thông tin, nắm bắt được nhu cầu xã hội để tính toán các bước đi phù hợp trong nghề nghiệp", ông Tuấn phân tích thêm.

Theo Báo Người lao động