Đánh giá kỹ năng nghề quốc gia theo chuẩn Nhật Bản
(Dân trí) - Từ 2- 4/6, tại Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, Kỳ thi đánh giá kỹ năng nghề quốc gia Việt Nam theo tiêu chuẩn Nhật Bản lần đầu tiên được tổ chức với nghề cắt gọt kim loại.
Theo đó, kỳ thi được tổ chức nhằm đánh giá kỹ năng nghề của người lao động dựa trên tiêu chuẩn nghề và phương pháp chấm điểm thống nhất theo Hệ thống đánh giá kỹ năng nghề Nhật Bản cho nghề cắt gọt kim loại.
Kỳ thi đánh giá kỹ năng nghề Nhật Bản là kỳ thi đánh giá kỹ năng trong 128 nghề như gia công cơ khí, mộc, xây dựng, kế hoạch tài chính… được cấp chứng chỉ quốc gia nhằm đánh giá kỹ năng cần thiết mà người lao động đã học tập và rèn luyện trong quá trình lao động. Chính phủ Nhật Bản đã hỗ trợ một số nước xây dựng hệ thống đánh giá kỹ năng nghề theo tiêu chuẩn Nhật Bản như Thái Lan, Myanmar, Ấn Độ, Campuchia, Lào với các tiêu chuẩn tương đương với tiêu chuẩn Nhật Bản.
Được biết, cuộc thi kỹ năng nghề theo tiêu chuẩn Nhật Bản có ba bậc, bậc 1 là bậc lành nghề nhất.
Trong khi đó, hệ thống kỹ năng nghề của Việt Nam có năm bậc, từ bậc 1 tới bậc 5 và bậc 5 là bậc cao nhất. Bậc 3 của tiêu chuẩn Nhật Bản tương đương với bậc 4 của tiêu chuẩn Việt Nam (tùy theo nghề).
Cuộc thi lần này là đánh giá bậc 2 của Việt Nam áp dụng đề thi tiêu chuẩn chấm điểm và phương pháp tổ chức theo chuẩn đề thi tiện bậc 3 của Nhật Bản cả về kiến thức lý thuyết và thực hành kỹ năng nghề
Cho tới nay đã có 15 người Việt Nam đạt bậc 2 (trong tổng cộng 108 người dự thi) và 188 người đạt bậc 3 (trong tổng cộng 337 người dự thi) trong tất cả các nghề được tổ chức đánh giá kỹ năng theo tiêu chuẩn Nhật Bản.
Ban tổ chức cho biết, đối tượng dự thi không chỉ là người lao động mà còn giáo viên và sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Theo các chuyên gia của Jica, kỳ thi đánh giá kỹ năng nghề theo tiêu chuẩn Nhật Bản dựa trên các tiêu chuẩn nhất định và được công nhận trên toàn quốc.
Đây là kỳ thi rất quan trọng vì chứng chỉ kỹ năng nghề là cơ sở để đánh giá kỹ năng của người thợ, không chỉ được trang bị lý thuyết đầy đủ, mà còn phải đảm bảo kỹ năng thực hành.
Ngoài kỹ năng chuyên môn, người thợ cũng phải đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong lao động như an toàn lao động, vệ sinh cũng như rèn luyện tác phong lao động công nghiệp và tính kỷ luật.
Cho tới nay, chương trình đã thực hiện được các Kỳ thi đánh giá kỹ năng nghề theo tiêu chuẩn Nhật Bản tại Việt Nam với 4 nhóm nghề: Gia công cơ khí (tiện vạn năng, phay); Lắp cáp mạng thông tin; Đo kiểm cơ khí và Điều khiển tuần tự.
Đến nay, Bộ LĐ-TB&XH đã đồng ý đưa bộ đề theo chuẩn của Nhật Bản vào trong bộ đề thi quốc gia của Việt Nam đối với nghề Cắt gọt kim loại. Đây là cuộc thi đầu tiên áp dụng tiêu chuẩn chấm điểm và phương pháp tổ chức kỳ đánh gia kỹ năng nghề quốc gia của Nhật BẢn vào kỳ đánh giá kỹ năng nghề quốc gia của Việt Nam.
Phía Việt Nam đã độc lập tổ chức kỳ đánh giá đảm bảo đúng các tiêu chuẩn chấm điểm thái độ làm việc, vệ sinh công nghiệp, thao tác thực hành, các yêu cầu kỹ thuật bài thi của Nhật Bản.
Hoàng Mạnh