1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Việc phải tiếp xúc Sars-CoV-2 cần được xếp vào nghề độc hại, nguy hiểm

An Linh

(Dân trí) - Tại buổi làm việc với Thủ tướng mới đây, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất đưa công việc của người thường xuyên tiếp xúc virus Sars-CoV-2 vào ngành nghề độc hại, nguy hiểm.

Cụ thể, ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã kiến một số biện pháp để bảo quyền lợi an sinh xã hội của người lao động trong thời gian tới.

Trong đó, có việc tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật về việc ký kết hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động để đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội cho người lao động.

Việc phải tiếp xúc Sars-CoV-2 cần được xếp vào nghề độc hại, nguy hiểm - 1

Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất người làm việc thường xuyên tiếp xúc virus Sars-CoV-2 cần được xếp vào ngành nghề độc hại, nguy hiểm

Ông Khang cho biết, các quy định về gói hỗ trợ của Nhà nước cho người lao động đều gắn liền với các điều kiện doanh nghiệp phải ký kết hợp đồng lao động và tham gia bảo hiểm xã hội đầy đủ cho người lao động. Vì vậy, nếu người lao động không được thực hiện đầy đủ chính sách, sẽ bị bất lợi.

Đặc biệt, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất Chính phủ, bộ ngành và địa phương nghiên cứu, xem xét bổ sung nghề, công việc có tiếp xúc với vi rút Sars- CoV-2 vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Ông Khang cho rằng, cần nghiên cứu, xem xét giải quyết chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động bị lây nhiễm, dương tính với vi rút Sars-CoV-2 tại nơi làm việc để đảm bảo quyền lợi bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Ngoài chính sách trước mắt về hỗ trợ an sinh, đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất cơ chế xây dựng nhà ở cho công nhân, người lao động ổn định. Đây được xem là điều kiện quan trọng để an cư, lạc nghiệp trước biến động lớn.

Chính phủ xem xét đề xuất sửa Luật Nhà ở theo hướng tách đối tượng người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp ra khỏi nhóm đối tượng hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; bổ sung chương mới: Chính sách về nhà ở riêng cho người lao động làm việc tại các doanh nghiệp.

Theo đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam, hiện các khu nhà trọ của công nhân do người dân xây dựng có diện tích nhỏ, không đảm bảo tiêu chuẩn.

Cơ quan này đề nghị: "Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng ban hành tiêu chuẩn diện tích ở đối với nhà ở công nhân khu công nghiệp cho thuê được thiết kế tối thiểu là 10 m2/người", Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam kiến nghị.

Theo cơ quan này, muốn làm tốt nhà ở cho công nhân, người lao động trong hiện tại và tương lai, cần làm ngay từ quy hoạch.

"Trong quy hoạch khu công nghiệp phải quy hoạch bố trí đất làm nhà lưu trú cho công nhân thuê, có hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ khu nhà ở công nhân", Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị.