"Việc nhẹ, lương cao" ở Campuchia: Những cuộc ngã giá trên sinh mạng

Thanh Tùng

(Dân trí) - Sau khi bị lừa sang Campuchia, nạn nhân được chủ buôn người cho con đường sống nếu gia đình chuyển tiền chuộc thân. Nhiều người không có tiền, phải ở lại làm việc không lương, cự cãi sẽ bị tra tấn...

"Sập bẫy" sang Campuchia, bị đưa vào casino làm việc và đối diện với những màn tra tấn của chủ casino, nhiều người không đủ sức chịu đựng. Một số người đã phải chọn cách kết thúc cuộc đời. Một số nạn nhân may mắn thoát cảnh "địa ngục trần gian" khi chủ  sử dụng ngã giá, cho chuộc thân. Tuy nhiên, nhiều người không có tiền chuộc, phải "cắn răng chịu đựng" mong giữ được mạng sống.

Cắm sổ đỏ, vay tiền chuộc con về

Như Dân trí đã phản ánh về nạn nhân trúng bẫy "việc nhẹ, lương cao" ở Campuchia, T.T.D. và N.V.C. (đều 19 tuổi và cùng trú phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn, Thanh Hóa) là những người đã may mắn thoát cảnh sống trong "địa ngục trần gian" ở Campuchia. Cả hai không nghĩ có thể trở về, cảm giác đến nay vẫn như vừa bước ra từ cõi chết.

Việc nhẹ, lương cao ở Campuchia: Những cuộc ngã giá trên sinh mạng - 1

Nhiều nạn nhân bị lừa sang Campuchia đối diện với những cuộc tra tấn như ở "địa ngục trần gian" (Ảnh minh họa).

Sau khi bị lừa sang Campuchia, không chỉ bị bóc lột sức lao động, D. còn bị bán qua tay như một món hàng. D. kể, lần đầu bị bán với giá 2.500 USD cho bà chủ tên Âu. Làm được 3 tháng, D. lại bị bán cho một công ty khác với giá 4.500 USD.

Làm được 4 ngày tại công ty mới, công việc quá áp lực, D. và người bạn cùng quê xin nghỉ việc. Ông chủ cho cả hai người con đường sống bằng cách nhắn gia đình gửi tiền chuộc thân mới cho về.

Việc nhẹ, lương cao ở Campuchia: Những cuộc ngã giá trên sinh mạng - 2

Không chỉ làm việc như "nô lệ", các nạn nhân còn phải mất hàng trăm triệu đồng để chuộc thân.

"Khi em và bạn xin nghỉ việc thì ông chủ nói, không làm được thì báo gia đình chuyển 120 triệu đồng sang chuộc, thời hạn 5 ngày phải có tiền, nếu không có, họ sẽ bán cho công ty khác. Sau khi ông chủ ra giá, em tính toán cả tiền chi phí bắt xe về cũng phải hết khoảng 140 triệu đồng. Sau đó, em đã gọi về cho mẹ ở nhà chuẩn bị tiền chuyển sang để chuộc thân", D. chia sẻ.

Nhận điện thoại cầu cứu của con trai, chị T.T.C. (mẹ D.) tá hỏa, sợ mất con.

Đến nay, mỗi khi nhắc về sự việc, chị C. vẫn còn bàng hoàng: "Khi cháu ở bên Campuchia, mẹ con vẫn gọi điện nói chuyện bình thường. Ngày nào gọi điện nó cũng nói đang làm tại công ty, nhưng vì chi phí nên bị trừ lương, không có tiền gửi về. Đến khi cháu gọi về bảo bị lừa bán sang Campuchia thì gia đình mới biết. Lúc đó tôi lo lắm, nhà thì không có tiền, nhưng không chuyển tiền sang thì không cứu được con".

Cũng theo chị C., sau cuộc điện thoại của con trai, vợ chồng chị vội vàng mượn sổ đỏ của ông nội D., thế chấp ngân hàng, vay được 140 triệu đồng để gửi cho con trai. Ba ngày sau cuộc điện thoại cầu cứu, D. được mẹ chuyển 140 triệu đồng.

Sau khi nhận được tiền, D. đã chuyển cho chủ 123 triệu đồng, còn lại là chi phí đi đường. Thời điểm đó, người bạn của D. cũng được người nhà gửi tiền sang chuộc.

Việc nhẹ, lương cao ở Campuchia: Những cuộc ngã giá trên sinh mạng - 3

Chị T.T.C. vẫn chưa hết run sợ khi kể lại sự việc con trai mình bị lừa bán sang Campuchia.

Sau khi chuyển tiền xong, chủ casino cho nhân viên xóa toàn bộ dữ liệu trên điện thoại cá nhân của D. và người bạn. Cả 2 được chụp ảnh gửi cho bảo vệ nhận diện mới được qua cửa.

Ra cổng, D. và người bạn được xe ô tô chở thẳng về cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh). Khi cách cửa khẩu chừng 200m, cả 2 được thả xuống. Tại đây, lại có một người đàn ông tiếp cận, yêu cầu hai người nộp phạt hơn 30 triệu đồng.

"Toàn bộ số tiền 17 triệu đồng còn lại em phải chuyển cho người đàn ông đó. Sau khi chuyển xong, em hết sạch tiền. Cũng may bạn em còn dư ít tiền để hai đứa đặt vé xe về quê", D. cho hay.

Cuộc giải cứu định mệnh

Không may mắn có được sự hậu thuẫn của gia đình như người bạn cùng quê, N.V.C. (19 tuổi, ở phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn) hoàn cảnh khá đáng thương. Không có bố, sau khi sinh C., mẹ em đã gửi cho ông bà ngoại chăm sóc rồi đi bước nữa.

Thiếu vắng tình thương của bố mẹ, C. sớm lao vào những cuộc vui chơi cùng chúng bạn. C. bị chính người bạn của mình bán sang Campuchia, hồi tháng 3/2022.

Khi biết tin bị bán, C. không thể làm gì khác ngoài chấp hành mệnh lệnh của "Khánh Sky" - quản lý hung tợn của ông chủ casino tại Campuchia. Làm được một thời gian ngắn, C. được ông chủ ngã giá, cho chuộc thân với số tiền 160 triệu đồng, nếu không có tiền sẽ bán đi nơi khác, thậm chí sẽ bán đến những nơi buôn bán nội tạng người.

Trước sự cơ cực của phận "nô lệ" trong hang ổ buôn người, C. đã cầu cứu bà ngoại và người thân ở quê. Tuy nhiên, khi gia đình đang loay hoay chuẩn bị tiền thì ông chủ casino thay đổi ý định. Tia hy vọng sống trong chốc lát đã bị dập tắt.

"Khi chủ thông báo không cho chuộc, em chỉ nghĩ sống được ngày nào hay ngày đó, không còn hy vọng để về nữa rồi", C. nhớ lại.

Ít ngày sau, C. mới biết vì công ty thiếu nhân viên nên chủ không đồng ý cho đóng tiền chuộc thân mà bị giữ lại làm thêm một thời gian.

Việc nhẹ, lương cao ở Campuchia: Những cuộc ngã giá trên sinh mạng - 4

N.V.C. sau khi được giải cứu đã trình báo công an (Ảnh: Công an Thanh Hóa).

Giữa lúc tuyệt vọng nhất, C. may mắn được giải cứu trong một ngày định mệnh. Đó là cuộc giải cứu vào cuối tháng 4/2022. Tại nơi C. làm việc có một nhân viên rơi từ tầng 11 xuống đất, tử vong. Sau khi sự việc xảy ra, cảnh sát Campuchia có mặt khám nghiệm tử thi và kiểm tra đồng loạt các nhân viên tại công ty.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Phòng An ninh đối ngoại, Công an tỉnh Thanh Hóa, tại 22/27 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh này có 381 công dân sang Campuchia lao động trái pháp luật. Hiện mới chỉ một số ít về địa phương, vẫn còn hàng trăm trường hợp đang lao động trái phép tại Campuchia. Thời gian qua, Công an tỉnh Thanh Hóa đang tích cực phối hợp với ngành chức năng xác minh, đấu tranh, xử lý các đường dây môi giới và tìm hướng giải cứu công dân trở về.

C. kể, trong lúc cảnh sát kiểm tra, hàng trăm nhân viên đồng loạt hô lớn "Help me, Help me…" nhằm cầu cứu sự giúp đỡ từ phía cảnh sát. Sau đó, cảnh sát Campuchia đã liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam phối hợp giải quyết.

Đến ngày 29/4, C. cùng hàng trăm người Việt khác được giải cứu và đưa về nước qua cửa khẩu quốc tế Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang). Tại cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, C. và nhiều người khác bị phạt 4 triệu đồng vì hành vi xuất cảnh trái phép và được đưa về quê.

Vẫn chưa hết bàng hoàng khi nghĩ về "địa ngục trần gian", cả N.V.C. và T.T.D. đều rất ân hận. Vì thiếu hiểu biết, nhẹ dạ cả tin, họ vô tình trở thành nạn nhân của những kẻ buôn người. D. và C. dự định sẽ tìm một công việc đàng hoàng để làm lại từ đầu.

D. và C. là hai trong số những nạn nhân bị lừa bán sang Campuchia may mắn được giải thoát, trở về.

Còn nữa...

Kính mời quý độc giả đọc thêm các bài về hiện tượng người lao động sập bẫy sang Campuchia tìm "việc nhẹ, lương cao" Dân trí đã phản ánh, đăng tải. 

"Việc nhẹ, lương cao" ở Campuchia: "Chim mồi" và ổ buôn người

"Việc nhẹ, lương cao" ở Campuchia: Phòng tra tấn nơi "địa ngục trần gian"

Dính bẫy "việc nhẹ lương cao" ở Campuchia, nhiều nạn nhân treo cổ tự tử

Công an TPHCM lên tiếng về nạn lừa bán người lao động sang Campuchia

Con đường "bán xác" ở sòng bài khi sang Campuchia tìm "việc nhẹ lương cao"

Nữ sinh Phú Yên 2 tuần bị giam lỏng tại Campuchia

Thanh niên bị lừa sang Campuchia làm việc, bị đòi 100 triệu đồng tiền chuộc

Bẫy "việc nhẹ, lương cao" tại Campuchia đều do người Trung Quốc "đạo diễn"

Lên mạng tìm việc lương cao, 5 nữ sinh suýt bị đưa sang Campuchia lao động