1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Việc làm vùng mới chuyển đổi (Bài 2): lao động nông nghiệp lấy đâu ra bằng cấp

(Dân trí) - “Mô hình hội chợ việc làm chủ yếu thu hút các lao động có bằng cấp. Tại vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, người nông dân chưa được đào tạo nghề và tác phong làm việc công nghiệp. Bởi vậy, công tác tại việc làm, dạy nghề cần bám sát đặc thù địa phương”.

Thông tin việc làm, học nghề thu hút đông đảo lao động nông nghiệp quận Long Biên
Thông tin việc làm, học nghề thu hút đông đảo lao động nông nghiệp quận Long Biên
Bà Vũ Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND Quận Long Biên (Hà Nội) - trao đổi với PV Dân trí về giải pháp tạo việc làm cho lao động nông nghiệp trên địa bàn. Theo đó, quá trình đòi hỏi việc khảo sát cần bám sát thực tế người học, từ đó mới đưa ra giải pháp đồng bộ giữa dạy nghề, tạo việc làm.

Kết nối cung - cầu


Phân tích đặc thù của lao động vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất, bà Vũ Thu Hà cho biết thêm: “Lao động chủ yếu là nông dân. Khi chuyển đổi công việc mới do hết đất canh tác, đa số đều có tâm lý tự ti, ngại tiếp cận với nghề mới. Do quá khứ làm nông nghiệp, họ chỉ có thể phù hợp với công việc mới không quá phức tạp, cần hỗ trợ dạy nghề mới”.

Để triển khai chuỗi chương trình tư vấn, hướng nghiệp thực hiện từ tháng 6 tới cuối năm 2015, UBND Quận Long Biên đã tiến hành phát phiếu khảo sát nhu cầu tìm việc và học nghề của người dân trên 14 phường.

Kết quả cho thấy, gần 50 % nhu cầu tìm việc của người dân có hộ khẩu thường trú tại địa phương là các công việc lao động phổ thông như: Công nhân vận hành, bảo vệ, tạp vụ, nhặt bóng sân gôn. Chỉ một phần nhỏ người dân có nhu cầu được đào tạo trình độ trung cấp và thợ nghề có nhu cầu tìm việc kỹ thuật như: Thợ hàn, thợ sửa chữa, nhân viên kế toán…

Theo bà Vũ Thu Hà, mô hình Hội chợ việc làm chủ yếu thành công với lao động có bằng cấp, được đào tạo bài bản và có kỹ năng xin việc. Trong khi đó, hình thức buổi tư vấn hướng nghiệp là sự sắp xếp các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng và dạy nghề tương ứng với đặc thù, yêu cầu của lao động nông nghiệp. Số doanh nghiệp có thể không đông nhưng khả năng tương đồng giữa cung - cầu lớn.


Bà Vũ Thu Hà cho biết: “Trên cơ sở khảo sát, chúng tôi nắm rõ nhu cầu học nghề, việc làm, đặc thù trình độ, lứa tuổi của người dân địa phương để tìm cách liên kết với các doanh nghiệp và nhà trường trên địa bàn. Qua đó, UBND quận tổ chức chuỗi 8 buổi tư vấn, hướng nghiệp với sự tham gia của các doanh nghiệp trên địa bàn với lao động địa phương. Chương trình sẽ được kéo dài tới cuối năm 2015”.

Đại diện UBND quận Long Biên thừa nhận, mục tiêu của chương trình tư vấn - hướng nghiệp không đơn thuần là số lao động tìm ngày được việc làm ngày trong buổi tư vấn, hướng nghiệp. Điều cơ bản là hướng tới sự thay đổi ý thức về việc làm của người dân, giúp doanh nghiệp nắm vững nguồn lực địa phương và tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương trong giải quyết việc làm.

“Mỗi người dân tham dự chương trình sẽ là một tuyên truyền viên tới các thành viên trong gia đình. Bên cạnh đó, hệ thống loa đài và tuyên truyền của các phường sẽ tăng cường để người dân hiểu thêm về cơ hội việc làm, học nghề tại địa phương” - Bà Vũ Thu Hà cho biết.

Buổi tư vấn hướng nghiệp là dịp để người dân hỏi đáp những thông tin tuyển dụng, học nghề với các doanh nghiệp. Đồng thời, người dân làm quen với môi trường làm việc, tác phong công nghiệp thay cho tư duy làm việc nông nghiệp trước đó.
Lao động tham khảo chỉ tiêu tuyển dụng của doanh nghiệp trên địa bàn
Lao động tham khảo chỉ tiêu tuyển dụng của doanh nghiệp trên địa bàn

Ngồi chờ sẽ không có việc


Tham gia tư vấn nghề nghiệp, ông Trần Như Dật - Hiệu trưởng trường trung cấp Đa ngành Hà Nội (Long Biên, Hà Nội) - nhấn mạnh tới điểm yếu của lao động vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất là thiếu các thông tin về việc làm, học nghề.

Theo ông Trần Như Dật, lao động càng thiếu thông tin, cơ hội lựa chọn học nghề sẽ ít đi và quyết định chọn học nghề có thể chưa đúng với năng lực bản thân.

Theo ông Trần Như Dật: “Lao động nông nghiệp tìm việc ở địa phương có 2 nhóm chính. Lao động trong độ tuổi thanh niên có nhu cầu học nghề, việc làm bức xúc nhất. Đa số họ chưa định hình cho bản thân việc chọn học ngành nghề gì. Nhóm thứ 2 là những lao động trung niên, mới rời bỏ công việc đồng áng hoặc chỉ vài năm làm công nhân ở KCN và đang loay hay chuyển nghề mới. Khả năng tiếp thu kiến thức của nhóm này không nhanh như lớp trẻ”.


Để lao động nông nghiệp chuyển đổi việc làm bền vững, ông Trần Như Dật cho rằng công tác dạy nghề cần bám sát năng lực, nhu cầu người học. Đặc biệt ưu tiên việc dạy nghề gắn với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp tại địa phương, qua đó lao động có cơ hội gắn bó lâu dài.

Chia sẻ nguyện vọng của nhiều lao động nữ trung niên muốn xin công việc tạp vụ. Ông Trần Như Dật cho rằng, công việc tạp vụ dễ làm, ít nặng nhọc nhưng không bền vững.

“Chị em có nhiều lựa chọn khác giúp tạo ra công việc bền vững hơn, như học nghề nấu ăn, phục vụ khách sạn, trồng rau, cây ăn quả. Khi có kiến thức từ nghề, chị em có thể tự tin tìm việc ở nhiều doanh nghiệp với mức lương ổn định, có chế độ BHXH, thậm chí có sự thăng tiến” - ông Trần Như Dật tư vấn.

Bên cạnh định hướng nghề nghiệp cho lao động, đại diện công ty Phúc Hưng Thịnh (Hà Nội) cũng lưu ý lao động ý thức, thái độ khi làm việc là yếu tố hàng đầu để chuyển nghề bền vững.

Bà Mẫn Bích Thủy - Trưởng Phòng tuyển dụng Cty - nhấn mạnh: “Chỉ tiêu tuyển dụng dù có hấp dẫn nhưng trước khi ứng tuyển, người lao động trước hết phải ý thức rõ tin thần làm việc nghiêm túc. Khác với làm nông nghiệp có thể thời gian tự chủ, lao động làm việc trong hệ thống nhà hàng phải tuần thủ giờ giấc làm việc, nội quy và các quy định về an toàn lao động”.

Chấp nhận tuyển lao động vào để đào tạo công việc bếp, bảo vệ, pha chế…để phục vụ cho Cty, nhưng bà Mẫn Bích Thủy vẫn lưu ý tới sự nhập tâm và gắn bó.

“Nhà hàng mà bạn làm việc có thể rất sang trọng, nhưng công việc làm trong đó thực sự là nghiêm túc và không hời hợt. Bạn cần xác định mình là một thành viên trong hệ thống phục vụ khách hàng, cần vượt qua mặc cảm tự ti và hòa nhập với môi trường làm việc hiện đại và năng động”- Bà Mẫn Bích Thủy nói.

Hoàng Mạnh
Bài 3 - Việc làm vùng mới chuyển đổi: Bài toán đâu dễ có lời giải