Vì sao người sáng tạo khó làm lãnh đạo?
Còn có lẽ Elon Musk là trường hợp đặc biệt, Jeff Bezos cũng thế...
Có thể xem như, khả năng sáng tạo của con người là một điều kỳ diệu: có thể biến không thành có, tạo ra những kết nối mà con người bình thường không thấy được.
Bất cứ ai cũng muốn được làm việc hoặc đầu tư cho các công ty sáng tạo tầm cỡ thế giới. Các CEO hàng đầu đã xếp năng lực sáng tạo vào một trong những kỹ năng lãnh đạo quan trọng nhất. "Innovation" (Đổi mới) đã trở thành ngôn ngữ cửa miệng của nhiều người.
Sự thật có phải như vậy không?
Thế nhưng, một nghiên cứu được tiến hành bởi Đại học Pennsylvania lại cho thấy: "Những người có năng lực sáng tạo thực sự, có nhiều ý tưởng độc đáo nhưng hữu ích, lại hiếm khi được xem như lãnh đạo".
Nghiên cứu được thực hiện trên nhân viên tại một công ty đa quốc gia ở Ấn Độ, họ được yêu cầu đánh giá năng lực sáng tạo, tiềm năng lãnh đạo của đồng nghiệp. Thử nghiệm này cũng được thực hiện với sinh viên ở Mỹ, đánh giá tương tự về các bạn học. Sau khi tổng hợp số liệu, kết quả lại cho thấy những người giàu trí sáng tạo lại hiếm khi được xem như lãnh đạo.
Người đứng đầu cuộc nghiên cứu, Jennifer Mueller cho biết những người giàu trí sáng tạo có xu hướng xử lý vấn đề khác với cách truyền thống của những nhà lãnh đạo: đặt ra mục tiêu, duy trì hiện trạng, đảm bảo sự phát triển vững chắc.
Trong khi đó những người sáng tạo thích "trạng thái cô đơn", thích cảm giác làm việc một mình, tự chủ trong không gian của mình.
Việc thích dành thời gian một mình rõ ràng sẽ trở nên xa lạ với văn hóa làm việc nhóm hoặc theo tổ chức như hiện nay. Người sáng tạo mang tính hướng nội thường coi trọng việc tư duy hơn là mở rộng mối quan hệ trong công việc. Việc đó phần nào ảnh hưởng đến việc người hướng nội ít có khả năng được chọn làm lãnh đạo như người hướng ngoại.
Trong Drive - cuốn sách về động lực cuộc sống của tác giả Daniel Pink. Ông đã kể lại câu chuyện về một CEO như sau:
William McKnight, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm giám đốc của tập đoàn 3M trong thập niên 30, 40 của thế kỷ trước. McKnight được miêu tả là “một người đàn ông trầm lặng khiêm tốn, phản ánh tầm nhìn xa trong suy nghĩ.” McKnight tin tưởng vào một trong những triết lý rất thịnh thời bấy giờ: “Thuê người tốt và hãy để họ một mình.”
McKnight thực hiện điều đó bằng cách cho nhân viên của 3M "làm gì thì làm" trong 15% tổng thời gian thực hiện các dự án. Cách làm chẳng giống ai này đã đem lại nhiều điều không tưởng: Trong 15% tổng thời gian làm những việc bâng quơ thì giấy nhớ (post-it) đã được phát minh, chưa kể những phát minh chủ đạo khác của 3M.
Dù thực tế là vậy, quan điểm và tố chất cần có của một nhà lãnh đạo với một người sáng tạo đang rất khác nhau.
Để giải quyết được vấn đề này, ta cần xem xét lại định kiến của bản thân về nhà lãnh đạo điển hình. Ngoài ra, cần xem xét lại vai trò thực sự của lãnh đạo. Ngày nay, đa phần lãnh đạo cần thực hiện các nhiệm vụ truyền thống như phát biểu, tập hợp nhân sự, thiết lập mục tiêu. Nhưng ngoài ra, họ cũng cần phải hiểu đổi mới là gì.
Nếu một người không thể đồng thời làm tất cả những điều này, rõ ràng sự thật là: Có bao nhiêu người vừa năng nổ lại vừa đơn độc, vừa định hướng mục tiêu giỏi lại vừa cực kỳ độc đáo? Ta nên suy nghĩ thêm về chia sẻ quyền lãnh đạo, nơi mà hai người chia nhiệm vụ lãnh đạo theo thế mạnh và tài năng tự nhiên của họ. Một ví dụ của mô hình này là con người hướng nội Mark Zuckerberg “có tầm nhìn xa về sản phẩm”, CEO của Facebook - COO Sheryl Sandberg lại là người hướng ngoại kiểu “người của mọi người.”
Đây rõ ràng là một nghịch lý: Đa phần mọi người thích trải nghiệm kết quả của sự đổi mới, nhưng lại vô cùng sợ hãi quá trình đổi mới. Người sáng tạo cho chúng ta viễn cảnh tươi đẹp, nhưng đồng thời tạo cho ta sự bất an. Ngược lại, nhà lãnh đạo truyền thống với kinh nghiệm xử lý lại đảm bảo thực hiện mục tiêu cho, cho ta cảm giác an toàn, tuy nhiên sẽ kèm theo sự nhàm chán.
Có lẽ vì vậy mà các công ty thành công luôn phải có sự hiện diện của một CEO sáng tạo và một COO với tư duy hệ thống (Larry Page và Eric Schmidt; Steve Jobs và Tim Cook)
Theo Doanh nhân Sài gòn