50% tiền bảo hiểm xã hội giữ lại có sinh lời, chia lãi với người lao động?
(Dân trí) - Khoản tiền bảo lưu nhiều năm trong quỹ bảo hiểm xã hội cần minh bạch, đầu tư sinh lời hiệu quả, chia sẻ lãi. Khi biết tiền đóng sinh lời, người lao động sẽ yên tâm để trong quỹ, không vội rút một lần.
Tại dự thảo luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội không hạn chế rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần và đề xuất hai phương án.
Phương án 1, giữ nguyên quy định hiện hành, tức lao động tham gia BHXH dưới 20 năm và sau một năm nghỉ việc không tiếp tục đóng BHXH tự nguyện thì được rút một lần. Lao động được rút toàn bộ quá trình đóng nếu có nhu cầu, song về lâu dài sẽ chịu thiệt khi không được hưởng lương hưu.
Theo cơ quan soạn thảo, phương án này không thể hạn chế tình trạng rút BHXH một lần, tác động đến lưới an sinh, tạo áp lực lên ngân sách chi trợ cấp hưu trí.
Phương án 2, người lao động được rút bảo hiểm xã hội một lần song tối đa không quá 50% tổng thời gian đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất. Thời gian đóng còn lại được bảo lưu để sau này người lao động đủ tuổi nghỉ hưu thì được hưởng chế độ BHXH.
Cơ quan chuyên môn đánh giá, cách này giảm được số tiền chi trả ban đầu của Quỹ Bảo hiểm xã hội và người lao động chỉ nhận được một nửa tiền cho tổng thời gian đóng.
Từng tham gia sửa Luật Bảo hiểm xã hội, nguyên Thứ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho biết ông không ủng hộ việc cho rút BHXH một lần. Song với phương án giữ lại 50% tổng thời gian đóng BHXH, cơ quan soạn thảo cũng chưa nói rõ khoản đó sẽ được giải quyết thế nào trong trường hợp lao động không tích lũy đủ 20 năm đóng bảo hiểm để hưởng lương hưu?
Trong trường hợp nếu chuyển qua trợ cấp hàng tháng hoặc cho rút tiếp thì cần thông tin rõ ngay từ trong dự thảo luật cho lao động biết, tham gia góp ý và cân nhắc lựa chọn.
Ông Huân phân tích, người lao động luôn băn khoăn "tiền để lại trong quỹ liệu có an toàn, có dễ dàng rút ra"? Khoản tiền bảo lưu nhiều năm trong quỹ cần được minh bạch, đảm bảo đầu tư sinh lời hiệu quả và người lao động phải được chia sẻ phần lãi. Khi biết tiền đóng sinh lời, lao động sẽ yên tâm để trong quỹ, không vội vàng rút một lần.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), phương án 2 sẽ giúp giảm số tiền chi trả ban đầu từ Quỹ bảo hiểm xã hội, có lợi rất lớn.
Đồng thời, khi chỉ cho rút 50%, người lao động sẽ phải cân nhắc, tính toán thiệt hơn. Việc đó có thể giúp hạn chế việc rút bảo hiểm xã hội một lần, tránh ảnh hưởng tiêu cực đến lưới an sinh chung.
Song nếu thực hiện, chắc chắn sẽ có chuyện người lao động chưa đồng tình bởi cho rằng tiền bảo hiểm xã hội do mình đóng vào, tại sao khi muốn rút ra lại không lấy được hết.
"Do đó, nhà nước phải có thời gian chuẩn bị, tuyên truyền và giải thích cho người lao động hiểu đây là vì lợi ích lâu dài chứ không phải hình thức chiếm dụng tiền bảo hiểm", PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương nói.
Để giữ chân người lao động ở lại hệ thống an sinh, theo bà Hương, ngoài việc tuyên truyền, giải thích rõ chính sách để người lao động hiểu được việc hạn chế cho rút bảo hiểm xã hội một lần là nhân văn, vì lợi ích sau này của họ khi về hưu.
Bên cạnh đó, người lao động cũng cần được biết nguồn tiền được giữ lại tăng giảm ra sao, dùng vào mục đích gì. Chỉ khi biết tiền trong quỹ được vận hành minh bạch, dùng để hỗ trợ người lao động trong lúc khó khăn thì mới mong giữ được họ ở lại hệ thống.