Vì sao lúc nào bạn cũng đến trễ?

Trễ hẹn không phải lúc nào cũng là biểu hiện của hành vi bất lịch sự hoặc đãng trí, nó còn liên quan sâu hơn tính cách và sức khỏe tinh thần của một người.

Vì sao lúc nào bạn cũng đến trễ? - 1

Xin thú nhận, tôi là một người hay trễ hẹn. Tôi biết không chỉ mình tôi như vậy. Tất cả chúng ta đều đã gặp người đó: Người trông trẻ luôn đến muộn, người đồng nghiệp luôn trễ hạn nộp báo cáo, người bạn luôn phải nói giờ hẹn thật sớm hơn 30 phút.

Ít có thói quen nào gây tức giận nhiều bằng việc ai đó khiến chúng ta phải chờ đợi. Nhưng nếu họ bắt bạn phải chờ đợi lần nữa, không phải là bạn bè hoặc đồng nghiệp của bạn là người ích kỷ. Nếu nhìn sâu hơn vào khía cạnh tâm lý học của việc trễ hẹn, ta sẽ thấy não bộ của họ đang hoạt động không tốt.

Người trễ hẹn không bất lịch sự và lười biếng

Hầu hết những nhận định về người không đúng giờ luôn mang tính tiêu cực hoặc thậm chí lệch lạc.

“Chúng ta dễ đánh giá họ là vô tổ chức, tùy tiện, bất lịch sự và không biết nghĩ cho người khác”, Harriet Mellotte - chuyên gia về hành vi nhận thức đồng thời là nhà tâm lý học lâm sàng ở London nói.

Nhưng, nhiều người trễ hẹn vẫn cho thấy họ là người chỉnh chu và không muốn làm bạn bè, gia đình và cấp trên phiền lòng. Họ thường cảm thấy xấu hổ vì trễ hẹn và ý thức được tác hại của nó cho quan hệ, danh tiếng, sự nghiệp và tài chính của mình.

Quan niệm khác nhau về thời gian

Một số lời biện hộ, đặc biệt cho việc trễ hẹn quá lâu, thường được chấp nhận rộng rãi. Chẳng hạn như do tai nạn hoặc bệnh tật. Song, một số lời biện hộ khác lại không dễ dàng được chấp nhận như vậy.

Một số người trễ hẹn biện hộ rằng, trễ hẹn chỉ là chuyện nhỏ và coi đó như một thói quen đễ thương. Có người thì nói, họ trễ hẹn vào buổi sáng vì quen thức khuya rồi.

Joanna - một giáo viên ở London, cho biết sự đúng hẹn của cô đôi khi có thể thay đổi tùy theo những quan niệm khác nhau. “Một người bạn bảo tôi đến nhà chơi, và họ nói: đến bất cứ khi nào sau 7 giờ. Nhưng nếu tôi đến lúc 8 giờ hoặc muộn hơn, họ lại tỏ ra bực mình”, cô chia sẻ.

Việc thường xuyên đến muộn có thể không phải lỗi của bạn. Đó có thể là do đặc điểm tính cách của bạn. Các chuyên gia cho biết, người không đúng giờ thường có chung đặc điểm tính cách như lạc quan, khả năng tự chủ thấp và thích phiêu lưu. Sự khác biệt về tính cách cũng dẫn đến quan niệm khác nhau về thời gian.

Vào năm 2001, Jeff Contem - giáo sư tâm lý học ở đại học bang San Diego, Mỹ đã tiến hành một nghiên cứu về vấn đề trên. Ông chia người tham gia nghiên cứu thành nhóm A (tham vọng, thích cạnh tranh) và nhóm B (sáng tạo, thích khám phá).

Ông bảo họ ước lượng khoảng thời gian một phút mà không dùng đồng hồ. Thời gian nhóm A cảm nhận một phút là khoảng 58 giây. Trong khi đó, con số này ở nhóm B là 77 giây.

Bạn là kẻ thù lớn nhất của chính mình

“Người trễ hẹn có thiên hướng tự làm khó bản thân”, diễn giả hội thảo TED Talks ở Mỹ, Tim Urban - một blogger nổi tiếng người Mỹ nói. Dĩ nhiên, có những lý do khác cho việc trễ hẹn, nhưng phần lớn là do chúng ta tự gây ra.

Đối với Joanna, ví dụ điển hình nhất là viết báo cáo ở trường. “Tôi chẳng bao giờ nộp đúng hạn. Người ngoài nhìn vào sẽ nghĩ tôi là người bất cần. Nhưng sự thật là tôi nghĩ về nó trong hàng tuần liền, và mất quá nhiều thời gian cho các tiểu tiết nhỏ nhất. Điều đó khiến tôi bị trễ hạn”, cô chia sẻ.

Còn Mellotte thì cho biết, với một số người, trễ hẹn là hậu quả của sức khỏe thần kinh không tốt. “Người bị stress thường lảng tránh một số tình huống nhất định. Người có sự tự tin thấp thường nghi ngờ năng lực mình, khiến họ mất nhiều thời gian hơn để kiểm tra lại công việc. Người bị trầm cảm thường có năng lượng thấp, khiến họ không đủ động lực để vượt qua trở ngại”, Mellotte nói.

Thay đổi cách nghĩ để trở nên đúng giờ

Tiến sĩ Linda Sapadin - nhà tâm lý học ở New York và là tác giả cuốn sách Làm thế nào để vượt qua thói quen trì hoãn trong kỷ nguyên số, cho biết việc trễ hẹn thường xuyên có thể bị gây ra bởi “sự cả nghĩ”.

Cô cho biết, người hay chần chừ bị ám ảnh bởi nỗi sợ gắn với sự kiện hoặc thời hạn mà họ chậm trễ. Thay vì tìm cách vượt qua nỗi sợ, nỗi sợ trở thành lời biện hộ, thường xuyên được biểu đạt bằng từ “nhưng”.

Chẳng hạn, bạn có thể nói với bản thân, “Tôi muốn đến sự kiện đó đúng giờ nhưng tôi không biết mình nên mặc gì; Tôi bắt đầu viết một bài báo nhưng tôi sợ đồng nghiệp chê nó”, cô giải thích.

Cô khuyên mọi người thay từ “nhưng” bằng từ “và”. “Nhưng” biểu thị sự chống đối và cản trở. “Và” biểu thị sự liên kết và quyết tâm. Vì thế, nhiệm vụ bạn cần làm sẽ trở nên ít đáng sợ hơn.

DeLonzor - tác giả cuốn sách Đừng bao giờ trễ hẹn nữa cho rằng, cách cải thiện khả năng đúng giờ là nhận diện và sửa đổi thứ luôn khiến bạn chậm trễ. Cô nhận ra, mình thích cái cảm giác hối hả khi đến chỗ hẹn. Thay đổi trạng thái tâm lý đó là cách duy nhất giúp cô cải thiện tình hình.

Với những ai phải chờ đợi người khác, cô khuyên họ chỉ ra giới hạn có thể chấp nhận được. “Thay vì giận dữ hoặc bực tức, hãy nói lên quan điểm và chỉ ra giới hạn của bạn”, cô nói.

“Hãy chỉ ra điều bạn sẽ làm nếu người khác không đúng giờ. Chẳng hạn, nói với người đến muộn, bạn sẽ đi xem phim một mình nếu họ trễ hẹn 10 phút. Nói với đồng nghiệp trễ hạn là họ sẽ không được tham gia vào dự án mới, và bạn sẽ báo cáo cho sếp về sự chậm trễ của họ”, DeLonzor nói.

Theo Doanh nhân Sài gòn