Thanh Hoá:

Về quê làm nông nghiệp, thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ cây sen

Duy Tuyên

(Dân trí) - Từ cánh đồng trũng thấp, trồng lúa hiệu quả không cao và chính những bất lợi của tự nhiên đã mở ra hướng làm kinh tế mới cho anh Hà Anh Sơn, ở Thọ Xuân (Thanh Hóa).

Đến xã Xuân Phong, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) hỏi thăm anh Hà Anh Sơn (SN 1981, ở làng Phú Thọ) không ai là không biết. Mô hình kinh tế của anh Sơn được đánh giá là điển hình không chỉ của xã Xuân Phong, mà cả huyện Thọ Xuân.

Về quê làm nông nghiệp, thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ cây sen - 1
Từ diện tích đất trũng thấp, làm lúa không hiệu quả, anh Sơn đã mở ra một hướng đi mới cho riêng mình.

Từng có thời gian làm trong ngành nông nghiệp, rồi sau đó anh bỏ ra ngoài, đi xuất khẩu lao động. Sau 10 năm, anh Sơn trở về Hà Nội làm việc. Vốn có sở thích làm nông nghiệp, năm 2015, anh Sơn đã quyết định về xã Xuân Phong, huyện Thọ Xuân làm mô hình kinh tế tổng hợp.

Thời điểm đó, tại xã Xuân Phong có nhiều diện tích đất đồng trũng thấp, cấy lúa 2 vụ nhưng năng suất và hiểu quả thấp; làm màu thì thường bị thiếu nước tưới về mùa hạn và ngập úng vào mùa mưa. Nhưng cũng chính từ những bất lợi của tự nhiên đó lại là cánh cửa mở ra một hướng làm ăn mới cho anh Sơn.

Theo anh Sơn, qua nghiên cứu, cây sen Nhật dễ trồng, phù hợp với đất trũng thấp. Nghĩ là làm, anh Sơn mạnh dạn bắt tay vào thực hiện ý tưởng của mình.

Về quê làm nông nghiệp, thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ cây sen - 2

Anh Sơn thuê đất, trồng 11 héc ta sen Nhật.

Sau khi được chính quyền địa phương cho thuê lại 13 héc ta đất, anh Sơn đầu tư san ủi mặt bằng và tiến hành cải tạo lại toàn bộ diện tích để làm mô hình kinh tế.

Ông Lê Thọ Cường, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thọ Xuân chia sẻ: Mô hình của anh Sơn trước đây là ruộng lúa cá không hiểu quả, được anh Sơn thuê lại làm mô hình trang trại tổng hợp, hiệu quả kinh tế so với trước tốt hơn nhiều. Không chỉ trực tiếp đầu tư làm, anh Sơn còn liên doanh, liên kết cung ứng đầu vào và bao tiêu sản phẩm.

Trong đó, 11 héc ta được anh Sơn tiến hành trồng sen Nhật, còn lại khoảng 2ha anh xây dựng nhà, chuồng trại để chăn nuôi thêm vịt, bò. Trong khi đó, dưới tán sen, anh Sơn tiến hành thả cá.

Đến nay, ngoài 11 héc ta sen Nhật, anh Sơn còn tận dụng những diện tích đất trống quanh hồ sen để trồng khoảng 1.000 gốc dừa xiêm, vừa có tác dụng giữ đất, vừa cho nguồn thu lâu dài.

Ngoài ra, anh Sơn còn tiến hành nuôi thả mỗi vụ khoảng 5.000 con vịt và hàng chục con bò.

Về quê làm nông nghiệp, thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ cây sen - 3

Theo kinh nghiệm của anh Sơn, cây sen Nhật dễ trồng, từ khi xuống giống đến khi thu hoạch chỉ khoảng 60 ngày, quá trình chăm sóc cũng rất đơn giản. Ban đầu, nếu là đất khô, cấy lúa thì be bờ, diệt cỏ, cày ải và lấy nước vào ngâm cho vữa ra thành bùn là cấy sen.

Nếu là khu đất nhiều thửa, với các thân ruộng không đều nhau thì phải san, ủi bằng phẳng cho hết độ dốc rồi mới trồng sen.

Đối với một héc ta sen Nhật, tổng đầu tư ban đầu từ làm đất, giống, phân bón, công chăm sóc khoảng gần 40 triệu đồng. Cây sen Nhật mỗi năm cho thu hoạch một vụ, mỗi héc ta sen có sản lượng khoảng 1,4 tấn hạt, trừ chi phí, mỗi héc ta có thể cho thu nhập 50 triệu đồng. Hơn nữa, cây sen Nhật chỉ đầu tư một lần mà thu hoạch được nhiều năm.

Về quê làm nông nghiệp, thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ cây sen - 4
Mô hình kinh tế của anh Sơn dự kiến mang lại thu nhập hơn 1 tỷ đồng mỗi năm.

Hiện tại, đối với cây sen Nhật, anh Sơn mới chỉ thu sản phẩm mình hạt và đang tìm hiểu, lên kế hoạch và có hướng tận thu, chế biến các sản phẩm khác từ lá sen. Dự kiến, mô hình kinh tế của anh Sơn mỗi năm sẽ cho thu nhập lên đến hơn 1 tỷ đồng.

Không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao, mô hình của anh Sơn còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 2 lao động và hàng chục lao động thời vụ. Không chỉ tự sản xuất, anh Sơn còn tiến hành thu mua sen thương phẩm của người dân trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Sau khi thấy mô hình của anh Sơn làm ăn hiệu quả, người dân từ nhiều địa phương đã đến học tập và nhờ anh tư vấn về kỹ thuật cũng như bao tiêu sản phẩm. Hiện nay, tại nhiều xã trên địa bàn huyện Thọ Xuân và một số địa phương khác đã có hàng trăm héc ta sen Nhật.

Ông Lê Viết Thể, Chủ tịch UBND xã Xuân Phong cho biết: Địa phương cũng tạo điều kiện từ nguồn đất công của xã, trước đây là hồ mặt nước, người dân cấy lúa hiệu quả thấp, cho anh Sơn thuê lại trồng sen Nhật. Khi anh Sơn đưa ra đề án làm thử, năm đầu rất hiệu quả.

Mô hình kinh tế của anh Sơn không chỉ đem lại thu nhập cao, mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động thường xuyên và thời vụ tại địa phương. Đây là mô hình điển hình không chỉ của xã mà của huyện Thọ Xuân.