Về hưu sớm để mở đường cho người trẻ

“Tôi biết ông Nguyễn Sự là một trong những nhà lãnh đạo địa phương rất có uy tín trong dân và ông cũng để lại rất nhiều dấu ấn. Việc làm của ông Nguyễn Sự gợi cho nhiều người nghĩ về một người cán bộ đúng nghĩa: Là đầy tớ của nhân dân”, Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc trao đổi với phóng viên bên lề kỳ họp ngày 8/6.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc

Ông đánh giá gì về việc Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự vừa xin nghỉ hưu sớm trước 2 năm, dù ông đang được người dân rất yêu mến?

Cá nhân tôi đánh giá rất cao và tôn trọng việc làm của ông Nguyễn Sự. Tôi nghĩ rằng trước khi có quyết định, ông đã tính toán từ việc công đến việc tư hết rồi. Tôi biết ông Nguyễn Sự là một trong những nhà lãnh đạo địa phương rất có uy tín trong dân và ông cũng để lại rất nhiều dấu ấn. Việc làm của ông Nguyễn Sự gợi cho nhiều người nghĩ về một người cán bộ đúng nghĩa - là đầy tớ của nhân dân.

Khi về hưu sớm, ông ấy giải thích là muốn mở ra con đường cho những người trẻ đi lên, rồi còn tự nhận đã ở quá lâu trên cương vị lãnh đạo… Tôi cho đấy là một suy nghĩ bình thường của những người có lòng tự trọng. Lẽ ra nó vốn bình thường, nhưng ở xứ mình lại không bình thường.

Ông Nguyễn Sự nói không muốn cản đường các anh em trẻ khác, nói như vậy, hình như trong cơ chế của chúng ta có chuyện thế hệ này cản đường thế hệ kia. Việc làm của ông Nguyễn Sự đáng được trân trọng và cũng là điều để các nhà lãnh đạo quan tâm.

Theo ông, việc ông Nguyễn Sự xin nghỉ hưu sớm có phải là lãng phí nhân tài?

Việc về hưu trước tuổi của ông Sự chắc đã nghĩ đến người kế cận rồi. Lớp kế cận sẽ giúp ông ấy thực hiện tiếp công việc, còn ông ấy vẫn có nhiều điều kiện đóng góp cho địa phương trên cương vị một công dân.

Ông Nguyễn Sự ví việc mình từ chức là bỏ gánh xuống để người khác phải gánh thay. Tuy nhiên nhiều người vẫn có quan niệm chức tước đi liền với bổng lộc nên cứ “ôm” cho bằng được. Điều này ông nghĩ sao?

Theo tôi, cách nghĩ của ông Nguyễn Sự trong thời đại hiện nay là cá biệt. Nhưng cá biệt ấy tạo ra cho mọi người cùng suy nghĩ. Bản thân tôi thấy điều đó rất bình thường và tôi đánh giá cao hành động ấy. Hạ gánh xuống cho người khác gánh với việc trút gánh nặng cho người khác là hai việc hoàn toàn khác nhau.

Chắc ông ấy biết sẽ có người gánh vác được, thậm chí còn tin có người làm hay hơn nếu lớp kế cận được đào tạo bài bản. Tôi nghĩ, khi xin nghỉ hưu sớm, ông Nguyễn Sự đã suy nghĩ rất chín chắn chứ không đơn thuần là trút gánh nặng để nhẹ thân mình. Ông ấy trao lại gánh ấy cho một thế hệ khác để đi được xa hơn, đi dài hơn.

Theo ông, liệu có cần phải ban hành bộ tiêu chí để đánh giá lãnh đạo không?

Trong xã hội xưa, người ta đánh giá rất nhiều đến tính liêm sỉ, đó được coi là phẩm hạnh đầu tiên của người làm quan chức. Liêm sỉ là tự biết mình, tự thấy xấu hổ nếu mình không làm được. Vì vậy, bây giờ cái liêm sỉ rất quan trọng, phải biết tự lượng sức mình, tự đánh giá mình. Ở xã hội truyền thống, tiêu chí được đưa ra là dư luận xã hội, là sự giám sát của người dân. “Trăm năm bia đá cũng mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ” là như vậy.

Vậy còn văn hóa từ chức thì sao, thưa ông?

Ở các nước, nếu lãnh đạo không hoàn thành nhiệm vụ, họ sẽ cách chức. Nhất là chính quyền thành phố đô thị luôn quan tâm đến bầu cử trực tiếp. Tôi nghiên cứu về Hà Nội từ năm 1888-1945 thì đã 40 lần thay thị trưởng, nếu không làm đúng ý cử tri sẽ bị bỏ phiếu để thay.

Còn hiện nay, cơ chế của ta quá nhiều, lại có quá nhiều tiêu chí, tiêu chuẩn, ngạch bậc nên nó phần nào làm vô hiệu hóa đánh giá của người dân.

Cảm ơn ông.
Theo Thành Nam/báo Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm