1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Về Bến Tre xem phụ nữ lột vỏ dừa nhanh... như máy

Phạm Linh

(Dân trí) - Lột vỏ quả dừa lấy xơ là công việc cực nhọc. Nhưng ở Bến Tre, nhiều phụ nữ vẫn thoăn thoắt dùng đôi tay để làm tốt công việc này, không hề thua kém nam giới.

Về Bến Tre xem phụ nữ lột vỏ dừa nhanh... như máy - 1
Những tưởng, việc lột vỏ dừa chỉ dành cho cánh mày râu nhờ sức vóc khỏe mạnh, cơ thể cường tráng... Tuy nhiên, trong việc lột vỏ dừa, phụ nữ lại có những lợi thế nhất định.

Dọc dòng sông Thom (xã An Thạnh, huyện Mỏ Cày Nam và xã Khánh Thạnh Tân, huyện Mỏ Cày Bắc, Bến Tre), hơn 30 cơ sở chuyên sơ chế dừa nguyên liệu đã tồn tại nhiều năm, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương đặc biệt là nữ giới.

Từ đây, nghề làm chỉ xơ dừa đã tạo ra một làng nghề truyền thống với cái tên thân thương là làng nghề "chỉ vàng". Cũng chính nơi đây đã sản sinh ra nghề lột dừa độc nhất nhưng cũng khá nguy hiểm.

Về Bến Tre xem phụ nữ lột vỏ dừa nhanh... như máy - 2

Vóc người nhỏ nhắn nhưng với "đôi tay sắt" của mình, chị Đào Thị Cẩm có thể lột mỗi ngày 2.000 trái dừa mủ

Khác với cách lột vỏ dừa thông thường, bà con địa phương nơi đây tách vỏ dừa trên những chiếc nầm sắt nhọn. Dù chỉ mới 29 tuổi nhưng chị Đào Thị Cẩm ngụ xã Khánh Hạnh Tân đã có hơn 10 năm trong nghề lột vỏ dừa.

Ngày nào cũng làm việc từ 13h tới 6,7 h ngày hôm sau nhưng trông chị luôn tươi tỉnh, tràn đầy năng lượng. Dường như những khó khăn cực nhọc trong nghề từ buổi đầu đã khiến chị quen dần với nhịp sống bên dòng sông Thom êm đềm này.

Theo chị Đào Thị Cẩm, mỗi ngày có thể lột được khoảng 10 cò dừa tức 2.000 trái (mỗi cò là 200 trái). Đây là loại dừa mủ, khó làm và cần biết cách mới lột hết vỏ. Bởi vậy tiền công khi lột dừa mủ cũng cao hơn, cỡ khoảng 90.000 - 100.000 đồng/cò

Phụ nữ Bến Tre lột quả dừa nhanh như máy

"Mỗi ngày tôi có thể kiếm được 900.000 -  1 triệu đồng tiền công lột vỏ dừa, số tiền ấy đủ tôi phụ thêm chồng trang trải chi phí sinh hoạt của cả nhà 4 người" - chị Cẩm vừa lau mồ hôi nhễ nhại trên trán vừa nói.

Công việc nào cũng có cái khó riêng với các chị em phụ nữ hành nghề lột dừa, nghề của các chị, các cô không chỉ khó mà còn nguy hiểm.

Chị Trần Thị Liên (37 tuổi) kể: "Người làm nghề ban đầu chưa quen sẽ rất vất vả và nguy hiểm lắm. Tại các cơ sở sơ chế dừa, họ chỉ lột dừa bằng mũi nầm - một phương tiện truyền thống dùng lột vỏ dừa của bà con địa phương. Cây nầm làm bằng sắt, có nhiều kích cỡ phù hợp theo chiều cao người lột dừa. Nó vô cùng sắc bén nên những trái dừa dù cứng tới đâu cũng có thể lột vỏ được".

Với tay lấy trái dừa đặt trên mũi nầm rồi dùng lực ấn xuống, tách từng phần vỏ ra, thỉnh thoảng chị Liên vẫn nhìn về phía tôi nói chuyện nhưng tay vẫn không ngơi. Liên tục ba hoặc bốn lần như thế trong vài giây đồng hồ, lớp vỏ dừa được tách ra khỏi trái.

Về Bến Tre xem phụ nữ lột vỏ dừa nhanh... như máy - 3
Dừa mủ rất khó lột do vỏ dày và cứng.
Về Bến Tre xem phụ nữ lột vỏ dừa nhanh... như máy - 4
Chiếc nầm sắc nhọn được dùng để lột dừa. Lưỡi nầm làm bằng sắt dẹp và thon, bầu thon như mầm lá, được tra vào giữa khâu nầm.

Nếu thong thả vừa lột dừa, thỉnh thoảng ngưng tay trò chuyện, chị Liên hay những chị em khác vẫn có thể lột xong 1 cò trong chưa đầy một giờ. Lột dừa nguyên dễ lột nên tiền công ít hơn dừa mủ khoảng 50.000-60.000 đồng/cò.

"Những ngày đầu mới vào nghề không tránh khỏi cảnh đứt tay, trầy trụa vì lưỡi nầm bén lắm nhưng đến nay sau 3 năm tôi đã quen tay, cân bằng được sức lực lột dừa nên ít bị thương hơn. So với mấy khâu làm chỉ, mụn dừa thì lột dừa có thu nhập cao hơn gấp đôi, gấp ba nên đó cũng là lý do khiến tôi cố gắng bám nghề"-chị Liên tâm sự.

Về Bến Tre xem phụ nữ lột vỏ dừa nhanh... như máy - 5

Một người thợ lành nghề có thể lột từ 2000 -3000 trái dừa mỗi ngày.

Chị Liên cũng cho biết: "Dù mới vào nghề hay đã làm lâu năm, cũng vẫn có thể gặp tai nạn đứt gân tay như chơi! Có nhiều tai nạn hy hữu hơn khiến nạn nhân phải đi bệnh viện. Cách đây mấy năm ở dưới Bình Khánh Tây, có người khi đang lột dừa thì cây dao bị cong mất lực, cả người anh đó bị tuột theo khiến mũi dao đâm chéo vào bả vai. May mà đưa đi cấp cứu kịp, khâu hơn chục mũi".

Vóc người nhỏ bé, sức lực cũng không bằng đàn ông nhưng độ giỏi giang, chịu thương chịu khó của các cô, các chị thì chẳng hề kém cạnh đấng mày râu nào.

Anh Lê Chí Công nhân công của một cơ sở dừa cho biết, tuy mang danh là "liễu yếu đào tơ", nhưng các chị em phụ nữ ở đây lột dừa rất điêu luyện, thành thục và nhanh nhẹn không thua gì cánh mày râu.

Về Bến Tre xem phụ nữ lột vỏ dừa nhanh... như máy - 6

Nhịp sống bên dòng sông Thom vẫn chảy suốt ngày đêm, dòng sông hiền hòa cưu mang cơm áo cho hàng trăm ngàn lao động nghèo.

Cùng với sự cần mẫn, kỹ lưỡng, sản phẩm của các cô, các chị làm ra thường được chủ dừa và thương lái đánh giá cao hơn về mặt thẩm mỹ.

Nhịp sống đôi bờ sông Thom vẫn đêm ngày nhộn nhịp, từng trái dừa vẫn đều đặn được tách ra khỏi vỏ bởi bàn tay khéo léo của các cô, các chị. "Những bóng hồng trên sông Thom". Dù công việc có nặng nhọc, vất vả đến đâu nhưng ở các cô, các chị vẫn rộn rã tiếng cười nói hồn nhiên, vui vẻ. Đó thật sự là một nét đẹp của người lao động cần cù, chăm chỉ, siêng năng.