Vào hợp tác xã “bỗng dưng có lương”

“Tuy mỗi ngày làm việc ở đây chỉ thu được 80.000 - 100.000 đồng nhưng với dân nghèo chúng em, như thế là vui lắm” - chị Quàng Thị Sưa, dân bản Mường Chiến 1, xã Ngọc Chiến, huyện Mường La (Sơn La) nói vậy.

Từ chuyện đi làm thuê kiếm sống

Ngọc Chiến là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Mường La, với hơn 2.000 hộ dân tộc Thái và Mông cùng sinh sống ở độ cao trung bình gần 2.000m so với mực nước biển. Tuy có cánh đồng Mường Chiến rộng hàng trăm ha nhưng do thiếu nước sản xuất, giao thông khó khăn và trình độ dân trí hạn chế nên tỷ lệ hộ đói nghèo của Ngọc Chiến vẫn ở mức cao nhất huyện.

Những nông dân đầu tiên ở xã Ngọc Chiến được hưởng lương nhờ tham gia sản xuất nông sản sạch ở HTX Rau - hoa - củ - quả tươi Ngọc Chiến. ảnh: K.T
Những nông dân đầu tiên ở xã Ngọc Chiến được hưởng lương nhờ tham gia sản xuất nông sản sạch ở HTX Rau - hoa - củ - quả tươi Ngọc Chiến. ảnh: K.T

Mặc dù là xã thuần nông, nhưng vì những khó khăn trên nên nông dân ở đây mỗi năm chỉ làm được 1 vụ lúa nước, còn lại là lang thang làm thuê kiếm sống khắp nơi. Ông Lù Văn Phảng - Chủ tịch UBND xã Ngọc Chiến cho biết: “Người ta vẫn hay trêu đùa chúng tôi là “xã xuất khẩu lao động” bởi mỗi năm có tới 600 - 700 người bỏ quê đi xa xứ làm ăn. Năm ngoái chính phóng viên Báo NTNN đã vào đây viết về sự việc này. Nhưng ở đây khó khăn lắm, không đi làm thuê thì biết lấy gì kiếm sống. Gian khó nhưng vẫn phải lao vào…”.

"Bây giờ em mới biết ở cánh đồng nghèo khó này, nếu biết cách làm thì sẽ cho thu nhập tiền tỷ trên mỗi ha đất mỗi năm” - Chị Quàng Thị Phiêu

Anh Lò Văn Tăm - dân bản Nà Tâu, xã Ngọc Chiến bảo: “Đi làm thuê cũng khổ lắm, nhưng ở lại bản thì không biết làm gì, lấy đâu ra đất mà cấy, trong khi lúa ở đây chỉ cấy 1 vụ. Có chăm chỉ làm ăn thì giỏi lắm mỗi ha chỉ thu được 15 triệu đồng, không đủ sống cho cả nhà đâu…”.

Vào hợp tác xã “bỗng dưng có lương”

Từ đầu năm 2016, với chính sách thu hút đầu tư của tỉnh, huyện và quyết tâm của người dân Ngọc Chiến, Hợp tác xã (HTX) Rau – hoa – củ - quả tươi ở Ngọc Chiến đã ra đời. Với tham vọng hình thành một cánh đồng nông sản sạch cung cấp cho thị trường Hà Nội và những thành phố lớn trong nước, HTX đã có phương án phát triển diện tích vườn lên tới cả trăm ha.

“Tuy đến nay HTX này mới đưa vào sản xuất 14ha nhưng đã giải quyết việc làm ổn định cho gần 60 lao động tại chỗ với mức lương bình quân gần 3 triệu đồng/người/tháng. Đây mới là lương học nghề. Trong thời gian tới, mức lương sẽ cao hơn và số lượng nông dân hưởng lương cũng sẽ nhiều hơn” – ông Phảng cho hay.

Nhưng có lẽ vui nhất là chị em phụ nữ ở Ngọc Chiến, bởi họ đã có việc làm quanh năm với mức thu nhập phù hợp. Chị Quàng Thị Sưa - dân bản Mường Chiến 1, xã Ngọc Chiến tâm sự: “Phụ nữ vùng cao chúng tôi rất khó kiếm việc làm khi nông nhàn, bởi phải chăm lo nhà cửa, con cái chứ không thể đi làm thuê như chồng, con. Bây giờ có HTX Rau – hoa – củ - quả tươi này ở ngay gần nhà, việc làm lại phù hợp nên chúng tôi rất vui. Nhiều hộ khác cũng đang chờ đợi HTX phát triển lên để được tham gia lao động thường xuyên như chúng tôi”.

Chị Quàng Thị Phiêu, (bản Nà Tâu thì cười rất tươi: “Hơn 40 tuổi đời, có trên 20 năm làm nông nghiệp nhưng bây giờ tôi mới biết cách ủ phân chuồng, phân vi sinh để kết hợp bón cho cây trồng cho năng suất cao. Bây giờ tôi cũng mới biết ở cánh đồng nghèo khó này nếu biết cách làm thì sẽ cho thu nhập tiền tỷ trên mỗi ha đất mỗi năm, còn cao hơn mức thu nhập của cả một đời người làm ruộng. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ có lương hàng tháng. Vì thế, tôi sẽ gắn bó với HTX...”.

Theo Danviet.vn