Nghệ An:
Vận động hơn 2.200 lao động bất hợp pháp ở Hàn Quốc về nước
(Dân trí) - Tính đến hết tháng 6/2023, có 2.248 lao động Nghệ An đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Ngành chức năng tỉnh này đang nỗ lực vận động số lao động này về nước.
Dẫn đầu cả nước về lao động đi Hàn Quốc
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Nghệ An, tính đến nay, có 13.002 lượt lao động của địa phương này xuất cảnh theo chương trình EPS (chương trình dành riêng cho lao động nước ngoài làm việc tại Hàn Quốc), đứng đầu cả nước về số lượng người đi làm việc tại quốc gia này.
Bình quân hàng năm có 600-1.000 lao động Nghệ An được các doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn, nhận sang làm việc với mức lương 1.000-1.500 USD/người. Đưa lao động sang Hàn Quốc thông qua chương trình EPS được xác định là hướng quan trọng trong giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng và tăng nguồn thu ngoại tệ tại Nghệ An.
Tuy nhiên, đây cũng là địa phương phải đối mặt với tình trạng lao động bỏ trốn, không về nước đúng thời hạn, cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.
Tính đến hết tháng 6, Nghệ An có 2.248 lao động đang cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Trong đó, 3 địa phương có số lao động cư trú bất hợp pháp cao như huyện Nghi Lộc (365), Nam Đàn (228) và thị xã Cửa Lò (212). Hệ lụy là lao động tại Nghi Lộc, Nam Đàn và thị xã Cửa Lò bị tạm dừng tuyển chọn lao động theo chương trình EPS.
Nguyên nhân tình trạng này được cơ quan chức năng phân tích cụ thể. Trong đó, chủ yếu vẫn là do chế tài xử lý lao động làm việc và cư trú bất hợp pháp của Hàn Quốc và Việt Nam chưa đủ mạnh để răn đe chủ sử dụng lao động Hàn Quốc và người lao động Việt Nam.
Bên cạnh đó, chênh lệch quá lớn về mức thu nhập cũng như cơ hội tìm kiếm việc làm có mức lương phù hợp khi về nước được xác định là nguyên nhân quan trọng khiến người lao động có tâm lý không muốn về nước.
"Lao động đã vượt qua kỳ kiểm tra tiếng Hàn sau khi về nước nhưng được sang Hàn Quốc làm việc trở lại còn ít, lao động đã hoàn chỉnh hồ sơ chờ đợi đi làm việc Hàn Quốc nhiều, vì vậy ảnh hưởng đến tâm lý lao động đang làm việc tại Hàn Quốc không muốn về", báo cáo của ngành LĐ-TB&XH Nghệ An chỉ rõ.
Nỗ lực vận động lao động bất hợp pháp trở về
Trong nhiều năm qua, ngành LĐ-TB&XH Nghệ An phối hợp chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tình trạng bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc khi hết hợp đồng cũng như vận động lao động bất hợp pháp về nước.
Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt và trách nhiệm của các ngành, các địa phương, công tác vận động lao động bất hợp pháp ở Hàn Quốc dành được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, từ năm 2012 đến tháng 8/2018, ngành chức năng Nghệ An đã vận động được 4.479 người lao động về nước đúng hạn trong tổng số 7.266 lao động phải về nước (đạt 65,77%).
Riêng năm 2022 vận động được 372 người về nước đúng hạn (do dịch Covid-19 nên những năm 2019, 2020, 2021 lao động không thể về nước).
Tại Hội nghị tuyên truyền, vận động người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng quy định do Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An tổ chức ngày 17/9, những khó khăn, trở ngại cũng như các giải pháp đã được đưa ra.
Ngoài nguyên nhân chủ quan từ phía người lao động, cần phải nói đến là do công tác tuyên truyền, vận động lao động làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc của các huyện, thị xã, thành phố chưa quyết liệt, chưa thường xuyên và liên tục.
Bên cạnh đó, nhiều gia đình và người thân lao động còn vận động con, em, người thân của mình ở lại Hàn Quốc. Đây là nguyên nhân cơ bản nhất và khó khăn nhất trong việc tuyên truyền, vận động lao động về nước đúng thời hạn.
Trong thời gian tới, tỉnh Nghệ An tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động 2.248 người lao động đang cư trú bất hợp pháp về nước.
Ông Trần Phi Hùng, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở LĐ-TB&XH Nghệ An, cho biết bên cạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định, chính sách, chế tài liên quan, Sở đã có văn bản tham mưu UBND tỉnh đề nghị trung ương đề xuất phía Hàn Quốc tăng cường công tác quản lý lao động nước ngoài nói chung, lao động của Việt Nam nói riêng.
Bên cạnh đó, đề xuất ngành chức năng có chế tài xử lý nghiêm đối với người lao động bất hợp pháp và các doanh nghiệp sử dụng lao động bất hợp pháp, đảm bảo người lao động sau khi hết hạn hợp đồng lao động phải về nước đúng thời hạn theo quy định.
Cùng với đó, cán bộ lao động đề nghị Bộ LĐ-TB&XH thành lập đoàn công tác trực tiếp đến một số doanh nghiệp ở Hàn Quốc có nhiều lao động Nghệ An làm việc để tổ chức gặp mặt, tuyên truyền, vận động và kêu gọi người lao động về nước đúng thời hạn khi hết hạn hợp đồng lao động; chấp hành nghiêm chỉnh các quy định pháp luật của Việt Nam và nước sở tại, không làm ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh lao động Việt Nam trên thị trường lao động quốc tế nói chung và Hàn Quốc nói riêng.
"Chúng tôi cũng tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao trách nhiệm cho Bí thư, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị trong việc thực hiện các giải pháp, biện pháp nhằm giảm tỷ lệ lao động bất hợp pháp của địa phương. Đưa tiêu chí giảm tỷ lệ lao động ở lại làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc xuống dưới 30% vào tiêu chí xếp loại thi đua cuối năm đối với UBND các huyện, thành, thị; xã phường, thị trấn", ông Hùng thông tin.
Lao động trở về nước đúng thời hạn sẽ được trở lại Hàn Quốc mà không phải qua kỳ thi tiếng Hàn trong lần tiếp theo. Bên cạnh đó, anh em người thân cũng có điều kiện thuận lợi sang làm việc trong cùng thời điểm. Còn lao động thuộc diện cư trú bất hợp pháp sẽ bị tạm dừng sang làm việc cũng như đi du lịch Hàn Quốc.