Ứng dụng đặt phòng khách sạn theo giờ thành startup tỷ "đô"

Hồi sinh mô hình khách sạn đã lụi bại tại Hàn Quốc, Yanolja hiện nổi lên như là một trong những đối trọng của các startup đặt phòng có tiếng khác như Airbnb, OYO và Klook...

Theo CNBC, Su Jin Lee thành lập Yanolja tại Seoul vào năm 2007 với tham vọng hiện đại hoá thị trường mà ông cảm thấy đang đi sai hướng. Đến nay, Yanolja đã có 32 triệu lượt tải xuống với người dùng chủ yếu là giới trẻ.

Bắt nguồn từ Nhật Bản, mô hình thuê phòng khách sạn theo giờ bắt đầu phổ biến tại Hàn Quốc vào cuối những năm 1980. Tuy nhiên, các thập kỷ sau đó, mô hình này bị cho là có liên quan tới các hoạt động bất hợp pháp và ngoại tình tại Hàn Quốc - nơi vẫn còn tồn tại tư tưởng truyền thống và bảo thủ.

Tuy nhiên, với Lee, mô hình khách sạn này lại có ý nghĩa khác. Mồ côi cha mẹ từ khi còn nhỏ, năm 23 tuổi, Lee đã được nhận vào làm nhân viên gác cổng cho một khách sạn kiểu này. Vì vậy, ông cảm thấy biết ơn với nơi đã cho ông chỗ ở và nguồn thu nhập ổn định.

Ứng dụng đặt phòng khách sạn theo giờ thành startup tỷ đô - 1
Su Jin Lee, người sáng lập nền tảng đặt phòng khách sạn Yanolja của Hàn Quốc - Ảnh: Yanolja.

"Tôi cho rằng trải nghiệm đó vô cùng hữu ích giúp ông ấy (Su Jin Lee) hiểu được bản chất của ngành công nghiệp này", Jong Yoon Kim, CEO của Yanolja, nói với CNBC.

Vì vậy, khi Hàn Quốc thông qua luật chống mại dâm vào năm 2004, đe doạ khai tử ngành công nghiệp này, Lee đã nhìn thấy cơ hội.

Lee bắt đầu xây dựng một nền tảng quảng cáo trực tuyến để giúp các chủ khách sạn thu hút khách hàng mới. Tới năm 2007, ông cho ra đời trang đặt phòng khách sạn Yanolja. Ông cũng cung cấp dịch vụ cải tạo, giúp các khách sạn cho thuê phòng ngắn hạn thay đổi hình ảnh và nhắm tới đối tượng khách hàng mới, trong đó chủ yếu là các cặp đôi trẻ và khách du lịch bụi - những người muốn thuê phòng nghỉ trong ngắn hạn.

Tại Hàn Quốc, việc người trẻ chung sống với nhau trước khi kết hôn là điều phổ biến, khiến những khách sạn như thế này trở thành lựa chọn hấp dẫn. Đồng thời, ngành công du lịch bùng nổ khiến Hàn Quốc trở thành một trong những thị trường du lịch lớn nhất châu Á.

″Lee đã nghĩ đến những điều mà không ai hiểu hay nghĩ tới", Kim cho biết.

Sau khi Yanolja thu hút được sự quan tâm với hình ảnh là một trong những trang đặt phòng khách sạn hàng đầu tại hàn Quốc, Lee mở rộng sang hợp tác với cả các khách sạn thông thường và nhà nghỉ, cũng như chuỗi khách sạn mang thương hiệu riêng.

Hiện nay, Yanolja, chủ yếu kiếm lợi nhuận từ tiền hoa hồng, có tăng trưởng hàng năm 70% và hợp tác với hơn 20.000 đối tác lưu trú trên khắp Hàn Quốc. Con số này tương đương gần 50% trong tổng số khoảng 46.000 nhà trọ và nhà khách được đăng ký ở nước này, với doanh thu hàng năm trên 3,6 tỷ USD.

Tăng trưởng ngoạn mục cũng giúp Yanolja thu hút nhà đầu tư. Đến nay, công ty này đã huy động được gần 242 triệu USD từ các nhà đầu tư bao gồm quỹ đầu tư quốc gia GIC của Singapore và Booking Holdings, công ty mẹ của các trang đặt phòng như Booking.com.

Vòng gọi vốn gần nhất vào tháng 6/2019 đã đưa định giá của Yanolja lên 1 tỷ USD, trở thành startup "kỳ lân" thứ 8 của Hàn Quốc và gia nhập "câu lạc bộ" nền tảng công nghệ du lịch gồm các startup như Airbnb, OYO và Klook.

"Tôi cho rằng lý do chúng tôi có thể trở thành một startup kỳ lân là bởi Yanolja là thương hiệu (đặt phòng) khách sạn số một tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, đây chỉ là khởi đầu", Kim nói.

Yanolja có kế hoạch mở rộng sang các dịch vụ khác như đặt dịch vụ giải trí và trải nghiệm. Công ty này cũng đang phát triển loạt dịch vụ phần miền riêng nhằm giúp các khách sạn đối tác tự động hoá quy trình nhận phòng cũng như những dịch vụ khác.

"Khách sạn là một dịch vụ nằm trong gói dịch vụ tổng thế mà chúng tôi nhắm tới mang lại cho người dùng", Kim chia sẻ. "Yanolja cung cấp cả dịch vụ đặt nhà hàng, vé giải trí, vận tải và hơn thế nữa".

Tuy nhiên, với sứ mệnh tái sinh mô hình khách sạn trả tiền theo giờ, Yanolja còn có một mục tiêu khác: Niêm yết trên sàn chứng khoán.

"Tôi chưa biết khi nào là thời điểm tốt nhất, bởi chúng tôi phải cân nhắc điều kiện thị trường… nhưng chúng tôi cần phải sẵn sàng để IPO (chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng) bất kỳ lúc nào", Kim cho biết.

Theo Ngọc Trang/Vneconomy.vn