4 bài học khởi nghiệp sau 3 lần thất bại của tỉ phú Nhật Bản

Bắt đầu khởi nghiệp vào năm 2006, thời điểm đó, Charles Yuki (Nhật Bản) không có vốn đầu tư, không có kinh nghiệm lẫn ý tưởng kinh doanh nào cả.

Lúc ấy, Charles Yuki chỉ có một khát vọng trở thành doanh nhân sau chuỗi ngày làm thuê cho các doanh nghiệp.

4 bài học khởi nghiệp sau 3 lần thất bại của tỉ phú Nhật Bản - 1

Charles Yuki kể, ý tưởng kinh doanh đầu tiên của anh là bán cáp internet. Thời điểm năm 2006, môi trường internet của Nhật Bản không tốt nên anh đã thương lượng mua cáp từ một công ty sau đó bán lại cho người tiêu dùng.

Charles Yuki đã đi in danh thiếp cho mình với chức danh CEO kiêm nhân viên bán hàng vì anh cũng là nhân viên duy nhất của công ty. Sau đó, Charles Yuki đi gõ cửa từng nhà để bán cáp internet.

Vào lúc may mắn nhất, tôi kiếm được mỗi ngày một hợp đồng trị giá 300 USD. “Khi đó, người dân rất ghét nhân viên bán hàng nên người ta thường cố mời tôi ly nước để đuổi tôi đi sớm, có người còn gọi cảnh sát đến bắt tôi nữa”, Charles Yuki chia sẻ.

Nửa năm sau đó, Charles Yuki đã dành dụm được số vốn đầu tiên vào khoảng 50.000 USD để dùng vào kế hoạch kinh doanh sản phẩm của mình. 2 năm tiếp theo, anh thử nghiệm với 3 sản phẩm khác nhau nhưng đều thất bại.

Đầu tiên, tôi bán các cây dù có in quảng cáo ở mặt trong, sản phẩm đó bán khá chạy khi trời mưa nhưng không ai mua hàng khi trời nắng. Ý tưởng thứ hai của tôi cũng thất bại do ra mắt vào đúng thời điểm suy thoái kinh tế năm 2009 của nước Nhật. Sản phẩm thứ ba tôi bán là các coupon chăm sóc khách hàng nhưng cũng thất bại do quá nhiều đối thủ cạnh tranh trên thị trường”, Charles Yuki nhớ lại.

Cuối cùng, sau 3 lần thất bại, Charles Yuki đi du lịch qua gần 30 quốc gia và nhận ra thách thức lớn nhất với mình là không đủ thời gian để tìm hiểu thị trường. Trở về, Charles Yuki đã hỏi trực tiếp các khách hàng vì sao họ không mua sản phẩm của mình, họ muốn gì hiện tại...

4 bài học khởi nghiệp sau 3 lần thất bại của tỉ phú Nhật Bản - 2

Một số người cho biết, họ không có nhu cầu gì thêm nữa; một số người thì chia sẻ họ đang gặp khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự... Vậy là, Charles Yuki quyết định chuyển công ty bán coupon thành công ty tuyển dụng Rejob.

Sau 3 năm hoạt động, Rejob tăng từ 3 người lên 200 người, trở thành một trong những diễn đàn tìm kiếm việc làm lớn nhất tại Nhật trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và thư giãn.

Năm 2014, công ty được định giá 17 triệu USD. Sau đó, Charles Yuki đã bán Rejob và bắt tay xây dựng công ty tiếp theo mang tên Be.Heard.

Tham dự Hội nghị khởi nghiệp HATCH! Fair 2016 được tổ chức ở Việt Nam, từ câu chuyện khởi nghiệp của bản thân, Charles Yuki đã chia sẻ với các startup Việt 4 kinh nghiệm giúp khởi nghiệp thành công:

Kiểm nghiệm ý tưởng trước khi phát triển sản phẩm

Ở giai đoạn đầu, các startup cần kiểm nghiệm lại ý tưởng trước khi phát triển sản phẩm. Trước khi bắt đầu sản phẩm nào, tôi đều hỏi ít nhất 300 khách hàng xem họ có muốn sản phẩm đó không. Mỗi ngày trên thế giới có hàng ngàn sản phẩm, dịch vụ mới ra mắt.

Vì vậy, bạn không thể chủ quan giả định về ưu điểm của sản phẩm của mình được. Vậy nên, tôi đã đi đến những con phố, những quán cà phê, trực tiếp mời người dân thử nghiệm sản phẩm và hỏi về phản hồi của họ. Bất kỳ startup nào cũng có thể làm ngay điều này mà không cần phải có quá nhiều kinh phí đầu tư ban đầu.

Kiểm nghiệm ý tưởng trước khi phát triển sản phẩm

Startup không nên dành quá nhiều thời gian để tạo ra bài trình bày hoàn hảo với các nhà đầu tư, mà cần giới thiệu thật tốt với khách hàng. Với các nhà đầu tư, cho dù chúng ta cố gắng hết sức cũng không đảm bảo sẽ thành công, nhưng khi khách hàng muốn thì bạn sẽ không bao giờ thất bại cả. Vì vậy, hãy trao đổi thật nhiều với khách hàng để hiểu rõ nhu cầu của họ.

Sẵn sàng để thất bại

Mỗi một startup nên sẵn sàng để thất bại trong một đến hai năm đầu tiên, dù bạn có bao nhiêu tiền trong tay. Khoảng thời gian này là thời điểm rất khó khăn với các startup, song đổi lại, bạn sẽ có được những kinh nghiệm vô cùng quý giá về nhu cầu của khách hàng. Vì vậy, hãy chuẩn bị cho việc sinh tồn trong giai đoạn thất bại trước khi bạn chính thức khởi nghiệp.

Tận dụng tối đa các nguồn lực

Với những ai đang muốn thử nghiệm công việc kinh doanh riêng, hãy tận dụng tối đa nguồn lực của mình khi khởi nghiệp. Lý tưởng nhất là tìm ra các đối tác trung thành. Các đối tác này không chỉ là nhà đầu tư mà có thể là bạn bè, vợ/chồng hoặc người thân trong gia đình của bạn, những người sẵn sàng hỗ trợ bạn vô điều kiện trong thời gian dài.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp