Nghệ An:

U60 chăn nuôi bò, nuôi lợn rừng, trồng cây ăn quả mà mỗi năm thu nhập 1 tỷ đồng

Ông Hồ Khắc Hiệp (trú tại thôn 9, xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) nhận khai hoang đất trống đồi trọc. Sau hơn 20 năm, ông Thuận sở hữu trang trại nuôi lợn rừng, chăn nuôi bò, trồng cây ăn quả...cho thu nhập mỗi năm 1 tỷ đồng.

Không ngờ 1 nông dân đang sử dụng 120ha đất

Năm 1982, sau khi xuất ngũ trở về quê hương, ông Hiệp được bầu làm xóm trưởng và sau đó được điều động lên làm việc ở xã. 

Tuy nhiên, do sinh con thứ 3 ông phải nghỉ việc về nhà phụ giúp vợ làm ruộng. Nhận thấy điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, ông luôn trăn trở làm sao có thể thoát nghèo nuôi các con ăn học. 

Năm 1995, khi nhà nước kêu gọi người dân phủ xanh đất trống đồi trọc, trồng rừng, ông đã mạnh dạn nhận đất đồi khai hoang, cải tạo đất trồng rau, xây chuồng trại nuôi lợn rừng, nuôi gà để phát triển kinh tế gia đình. 

 U60 chăn nuôi bò, nuôi lợn rừng, trồng cây ăn quả mà mỗi năm thu nhập 1 tỷ đồng - 1

Ông Hồ Khắc Hiệp bên vườn nhãn của gia đình. Ảnh: Cảnh Thắng

Sau một thời gian, gia đình ông khai hoang được 120 ha đất, ông bắt đầu trồng rừng và lập trang trại nuôi bò, lợn...

Gặp tôi trong cái nắng sém da, sém thịt của vùng đất xứ Nghệ, ông phấn khởi chia sẻ: "Sau một thời gian dài gắn bó với nghề trồng rừng và chăn nuôi trang trại tổng hợp, tôi mới nhận ra chỉ có làm trang trại và trồng rừng thì mới giàu bền vững ở vùng đất này được...".

Sau khi tích lũy vốn liếng, 5 năm trở lại đây, Hồ Khắc Hiệp quyết tâm đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi lợn rừng, trồng cây ăn quả, chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt. Những năm gần đây. năm trừ chi phí thì gia đình ông Hiệp cũng thu được hơn 1 tỷ đồng...

 U60 chăn nuôi bò, nuôi lợn rừng, trồng cây ăn quả mà mỗi năm thu nhập 1 tỷ đồng - 2

Ngoài chăm sóc bảo vệ, trồng rừng tái sinh, ông Hiệp còn chăn nuôi lợn rừng quy mô lớn. Ảnh: Cảnh Thắng

"Cách đây gần 10 năm, dịch bệnh ở gia súc gia cầm diễn biến phức tạp. Đàn bò và lợn của tôi chết gần hết, trong khi diện tích rừng trồng vẫn chưa đến ngày thu hoạch. Tưởng chừng như trắng tay. Lúc đó, tôi không nản chí, một phần tìm cách chữa trị đàn gia súc, một phần vay mượn ngân hàng để tiếp tục tái đàn. Và sự mạnh dạn, liều lĩnh lúc đó tôi đã có kết quả như ngày hôm nay" - ông Hiệp tâm sự

Thu nhập khủng

Được biết, trang trại của ông Hiệp hiện tại có diện tích 139 ha, được chia thành 3 khu vực khác nhau: Trại 1 gồm 4 ha đang nuôi 80 con lợn rừng (có thời điểm lên đến 500 con), 15 con bò, trồng 300 gốc bưởi, 150 gốc ổi, 200 gốc vải và nhãn. 

Trại 2 gồm 15 ha trồng 7 ha mía, 10 ha keo và bạch đàn. Trại 3 rộng gần 120 ha với 2 hồ cá, trồng keo và bạch đàn,…

 U60 chăn nuôi bò, nuôi lợn rừng, trồng cây ăn quả mà mỗi năm thu nhập 1 tỷ đồng - 3

Không những nuôi lợn, ông Hiệp còn lập trang trại nuôi bò sinh sản, bò thịt thương phẩm cho thu nhập cao. Ảnh: Cảnh Thắng

Với khu trang trại rộng lớn, để tìm đầu ra cho sản phẩm của mình, ông đã thành lập hợp tác xã liên kết với 25 hộ dân trồng rừng trên địa bàn.

Ông Hiệp mở rộng xưởng gỗ chế biến, kết nối với các doanh nghiệp chế biến gỗ ở tỉnh Lạng Sơn để tìm đầu ra cho sản phẩm. Tại cơ sở chế biến gỗ của gia đình ông luôn duy trì ổn định 15 công nhân với mức lương bình quân 5 triệu đồng/tháng và làm theo thời vụ tại trang trại khoảng 2.000 ngày công lao động mỗi năm.

Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Thế Thắng - Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Nghệ An cho biết: "Khi tham quan trang trại của gia đình ông Hiệp, tôi nhận thất cách phân bổ trang trại của gia đình ông Hiệp là hoàn toàn hợp lý. Mỗi phân trại được quy hoạch các loại cây theo từng vùng, khoanh vùng để dễ quản lý và cho thu nhập đúng như dự kiến...".

Hiện tại, trang trại của ông Hiệp đang ưu tiên cho trồng rừng là chính vì giải quyết được đầu ra cho sản phẩm gỗ. Ngoài các sản phẩm từ gỗ ông còn tăng cường trồng cây ăn quả, con đặc sản, làm chủ lực nhằm tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích rất hiệu quả.

Không những làm kinh tế giỏi, hàng năm ông Hồ Khắc Hiệp còn tích cực tham gia công tác thiện nguyện trên địa bàn. Mỗi năm ông Hiệp trích 10 triệu đồng ủng hộ Quỹ vì người nghèo của xã, huyện. Cứ mỗi dịp tết đến, ông Hiệp quan tâm, tặng quà cho những người nghèo trên địa bàn xã.

Mô hình chăn nuôi, bảo vệ và trồng rừng của ông Hiệp là một mô hình lớn tạo công ăn việc làm cho nhiều người trên địa bàn xã. Ông Hiệp là người đi đầu làm kinh tế trang trại, kết hợp với mở xưởng sản xuất gỗ. Ngoài làm kinh tế giỏi, ông Hiệp tham gia nhiều phong trào đền ơn đáp nghĩa, Quỹ vì người nghèo của địa phương", ông Bùi Văn Tiến - Bí thư Đảng ủy xã Quỳnh Thắng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An

Theo Cảnh Thắng

DanViet.vn