1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Tỷ lệ việc làm của phụ nữ vẫn ở mức thấp

(Dân trí) - Tại một số nước đang phát triển, đặc biệt là ở Đông Á, tăng trưởng về việc làm đang phục hồi, nhưng vẫn tồn tại những quan ngại về chất lượng. 45% phụ nữ châu Á vẫn chưa được khai thác, so với tỷ lệ 19% ở nam giới.

Theo báo cáo “Phụ nữ và các Thị trường Lao động ở châu Á: Tái cân bằng hướng tới Bình đẳng Giới” do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố hôm nay (29/4), mặc dù châu Á đang cố gắng dẫn đầu kinh tế toàn cầu, phục hồi thị trường lao động sau khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu gần đây vẫn không theo kịp hòa nhịp. Tại một số nước đang phát triển, đặc biệt là ở Đông Á, tăng trưởng về việc làm đang phục hồi, nhưng vẫn tồn tại những quan ngại về chất lượng việc làm. Cụ thể, 45% phụ nữ ở châu Á - lực lượng lao động sản xuất tiềm năng - vẫn chưa được khai thác, so với chỉ 19% ở nam giới.

Thậm chí trước khủng hoảng, Ủy ban Liên hiệp quốc về Kinh tế và Xã hội cho khu vực châu Á và Thái Bình Dương dự báo, châu Á sẽ mất từ 42 đến 47 tỷ đô la Mỹ mỗi năm do hạn chế để phụ nữ tiếp cận với việc làm; mất thêm 16 đến 30 tỷ đô la Mỹ lỗ mỗi năm do bất bình đẳng giới trong giáo dục. Mặc dù tăng trưởng kinh tế khu vực giai đoạn 2000 – 2007 đạt 6,2%, cao hơn rất nhiều so với tăng trưởng trung bình toàn cầu là 4,2%, tăng trưởng trung bình đối với việc làm cho phụ nữ chỉ đạt 1,75 – dưới mức trung bình chung thế giới là 2%.

Tỷ lệ việc làm của phụ nữ vẫn ở mức thấp - 1
Ảnh minh hoạ: ILO
 
Cũng theo báo cáo, những thâm hụt này dường như tăng lên trong thời kỳ khủng hoảng do phụ nữ phải gánh chịu những ảnh hưởng không nhỏ do cả bất bình đẳng giới tồn tại trước đó, bao gồm phân biệt đối xử tại các thị trường lao động trong khu vực, bất bình đẳng nảy sinh từ những định kiến văn hóa-xã hội, chính sách của nhà nước và khuôn khổ thể chế – nhưng đây lại là những yếu tố đã tạo ra cơ hội việc làm cho 734 triệu lao động nam của châu Á.

Báo cáo đồng thời chỉ ra rằng việc làm chất lượng thấp là thách thức đối với thị trường lao động cho phụ nữ. Một tỷ lệ lớn phụ nữ châu Á đang phải làm những công việc nặng nhọc, năng suất thấp, dễ bị tổn thương với mức lương thấp trong khu vực phi chính thức. Thêm vào đó, tỷ lệ thất nghiệp của nữ thanh niên còn cao và phụ nữ vẫn chủ yếu bị coi là lực lượng lao động phụ trợ hay người mang lại thu nhập thứ yếu, sau nam giới.

Những gợi ý chính sách được đưa ra bao gồm: hỗ trợ cho nữ doanh nhân, hỗ trợ phụ nữ làm nông nghiệp tăng năng suất lao động, giảm sự phụ thuộc quá lớn của châu Á vào các khu vực phi chính thức; thúc đẩy tiếp cận đẳng giới trong giáo dục và đào tạo có chất lượng, an sinh xã hội bình đẳng về giới; đảm bảo tính đại diện và tham gia quyết định; tuân thủ hướng tiếp cận dựa trên quyền.

Tại Việt Nam, ILO và các đối tác ba bên đã có sự hợp tác lâu dài trong việc thúc đẩy bình đẳng giới giữa nam và nữ lao động. Những nỗ lực chung hiện nay chú trọng tăng cường cơ hội cho phụ nữ có được việc làm và thu nhập bền vững thông qua phát triển doanh nghiệp, ngăn chặn buôn bán và bóc lột sức lao động đối với phụ nữ và trẻ em di cư…

 P. T