1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao ngất ngưởng

Hoài Nam

(Dân trí) - Theo báo cáo của nhiều trường đại học ở TPHCM, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao ngất ngưởng, nhiều ngành chạm ngưỡng 100%.

Quy định hiện nay, bên cạnh điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo về đội ngũ giảng viên, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, các trường đại học phải công bố tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm.

Theo thông tin, báo cáo từ hàng loạt trường đại học ở TPHCM, tỷ lệ sinh viên ra trường việc làm đều có mức cao ngất ngưởng, nhiều ngành đào tạo sinh viên cứ ra trường là có việc làm.

Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao ngất ngưởng - 1

Báo cáo tỷ lệ sinh viên ra trường việc làm của Trường ĐH Luật TPHCM (Ảnh chụp lại màn hình).

PGS.TS Trần Hoàng Hải, quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM thông tin, tỷ lệ sinh viên trường có việc làm trong năm đầu tiên tốt nghiệp của trường là 92,44%, trong đó 11% sinh viên có việc trước tốt nghiệp. 

Cụ thể, sinh viên ra trường có việc làm ở ngành Luật là 92,45%; ngành Quản trị - Luật là 90%; ngành Quản trị kinh doanh là 94,23%, riêng ngành Ngôn ngữ Anh 100% sinh viên ra trường có việc làm. 

Thông tin từ Trường ĐH Tài chính - Kinh tế TPHCM, hơn 95% sinh viên ra trường có việc làm trước khi nhận bằng tốt nghiệp chính thức. Trong đó có hơn 60% sinh viên được các doanh nghiệp giữ lại trong quá trình thực tập. 

Tại Trường ĐH Mở TPHCM, 100% sinh viên ngành Ngôn ngữ Nhật ra trường có việc làm tại môi trường tốt sau một năm tốt nghiệp. Tuy nhiên, theo lãnh đạo nhà trường tỷ lệ việc làm bình quân năm nay chỉ ở mức 89%, giảm so với năm học trước chủ yếu do tác động của dịch bệnh Covid-19. 

Theo thông tin từ Trung tâm Hợp tác doanh nghiệp, Trường ĐH Văn Hiến, 95% sinh viên ra tốt nghiệp ra trường đã có việc làm. Hơn 90% doanh nghiệp sử dụng lao động được khảo sát có đánh giá hài lòng về sinh viên của trường.

Tại Trường ĐH Bách khoa TPHCM, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm trong năm đầu tiên tốt nghiệp đạt đến 98%. 

Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao ngất ngưởng - 2

Theo báo cáo của các trường đại học ở TPHCM, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao ngất ngưởng (Ảnh: A.S).

Mới đây, thông tin 30,8% lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên thất nghiệp gây xôn xao. Tuy nhiên, ngày sau đó Bộ GD&ĐT đã đính chính thông tin này. 

Theo Bộ, số liệu của Tổng cục Thống kê tại Báo cáo điều tra lao động việc làm năm 2020, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn ra phức tạp, lực lượng lao động cả nước có khoảng 54,84 triệu người, trong đó có hơn 1,2 triệu người thất nghiệp (tương ứng 2,18%). 

Trong số 1,2 triệu người thất nghiệp, số người có trình độ cao đẳng, đại học trở lên chiếm 30,8%, tức là khoảng 369.600 người.

Trong tổng số lao động của Việt Nam năm 2020, số người có trình độ đại học trở lên chiếm 11,1% và số người có trình độ cao đẳng chiếm 3,8%, tổng cộng tương đương 8,17 triệu người. 

Như vậy, theo Bộ GD&ĐT TPHCM tỷ lệ người lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên thất nghiệp là 4,85% chứ không phải là 30,8%.

Thiếu nguồn lao động chất lượng cao là vấn đề tại thị trường Việt Nam đã đề cập từ lâu. Rất nhiều vị trí quản lý, cấp cao ở nhiều lĩnh vực, các doanh nghiệp buộc phải "nhập khẩu" từ bên ngoài vào. 

Tại hội thảo mới đây ở TPHCM, bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (World Bank) cho biết, tổng số việc làm trong ngành công nghiệp tại Việt Nam tăng gấp đôi, từ 12% năm 2001 lên 27% hiện nay, với gần 15 triệu việc làm trong lĩnh vực sản xuất. 

Dù đã làm tốt việc mở rộng lĩnh vực sản xuất, nhưng bà Carolyn Turk nhận định, Việt Nam đang chủ yếu dựa trên sự cạnh tranh lao động ở mức lương thấp.

Về chất lượng lao động, Việt Nam hiện đứng thứ ba từ dưới lên trong số 140 quốc gia có tên trong Chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2018, liên quan đến mức độ phù hợp về kỹ năng của sinh viên tốt nghiệp đại học.

Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao ngất ngưởng - 3

Việt Nam cần tăng cường nguồn nhân lực có trình độ đại học trở lên (Ảnh minh họa: P.N).

Còn về số lượng, chỉ có 10,2% dân số ở độ tuổi từ 25 trở lên ở Việt Nam có bằng cử nhân hoặc tương đương vào năm 2019. Tỷ lệ nhập học gộp ở cấp học sau phổ thông của Việt Nam là 28,6%, thấp hơn so với các quốc gia so sánh trong khu vực và thấp hơn mức bình quân là 55,1% ở các quốc gia thu nhập trung bình cao.

Việt Nam hiện có khoảng 2 triệu sinh viên được tuyển sinh vào các cơ sở giáo dục sau phổ thông. Để đạt tỷ lệ tuyển sinh của các quốc gia thu nhập trung bình cao trong dài hạn, World Bank cho rằng chỉ tiêu tuyển sinh phải được nâng lên đến khoảng 3,8 triệu sinh viên, gần gấp đôi so với con số năm 2019.