Tỷ lệ nơi làm việc có không khí ô nhiễm vượt chuẩn tăng đột biến

Nguyệt Anh

(Dân trí) - Tình trạng ô nhiễm không khí tại nơi làm việc ở mức cao, với hơn 11% mẫu đo vượt chuẩn năm 2024, tăng đột biến so với năm trước, đe dọa trực tiếp sức khỏe người lao động,

Theo báo cáo Tình hình an toàn, vệ sinh lao động năm 2024, tỷ lệ mẫu hơi khí độc vượt quy chuẩn cho phép đã tăng đột biến, chiếm 11,3% tổng số mẫu đo, tăng 10,2% so với năm 2023. Đây là mức tăng đáng lo ngại, phản ánh tình trạng môi trường lao động tại nhiều doanh nghiệp đang xuống cấp nghiêm trọng.

Nguyên nhân chính được cho là do nhiều doanh nghiệp tập trung khôi phục sản xuất, kinh doanh sau đại dịch, dẫn đến việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động và chăm sóc sức khỏe người lao động chưa được quan tâm đúng mức. Nhận thức của doanh nghiệp và người lao động còn hạn chế, kỷ luật chưa nghiêm, và nguồn lực cho an toàn, vệ sinh lao động chưa được bố trí tương xứng.

Trong Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2024, các cơ quan chức năng đã tổ chức kiểm tra 3.660 doanh nghiệp và phát hiện 2.452 vi phạm liên quan đến an toàn, vệ sinh lao động. Các vi phạm chủ yếu liên quan đến việc không thực hiện đúng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân, và không kiểm tra môi trường làm việc định kỳ. 

Về quản lý sức khỏe, trong năm 2024, có hơn 1,73 triệu lao động được khám sức khỏe định kỳ. Trong đó, khoảng 154.000 người (tương đương 8,9%) được xếp vào nhóm sức khỏe yếu, thuộc loại 4 và 5 theo phân loại y tế.

Để khắc phục tình trạng trên, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Ban chỉ đạo Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động Trung ương đề nghị các bộ, ngành và địa phương triển khai nghiêm túc Chỉ thị 31 của Ban Bí thư, trong đó nhấn mạnh việc hoàn thiện quy định pháp luật, tăng phân cấp quản lý và kiểm tra an toàn lao động tại các lĩnh vực có nguy cơ cao như xây dựng, khai thác mỏ.

Bộ Y tế được giao tăng cường kiểm tra môi trường lao động. Chính quyền địa phương cần siết chặt thanh tra, đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động đến cả lao động không hợp đồng.

Doanh nghiệp được yêu cầu chủ động kiểm tra điều kiện làm việc, huấn luyện an toàn thực chất, tránh hình thức.

Các tổ chức công đoàn, hiệp hội nghề nghiệp cũng cần tích cực vận động người lao động tuân thủ quy trình làm việc an toàn, sử dụng đầy đủ thiết bị bảo hộ.