1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Tỷ lệ lao động qua đào tạo ở Việt Nam còn thấp

(Dân trí) - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH vừa tổ chức Hội thảo “Định hướng Xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030”.

Chấp nhận luật chơi của thế giới

Tại Hội thảo diễn ra sáng16/6, đại diện Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, quá trình toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, tạo ra những dòng chuyển dịch các nguồn lực, tạo nhiều cơ hội việc làm cũng như dịch chuyển lao động giữa các quốc gia.

Theo đó, lao động trong nước phải cạnh tranh với lao động nước ngoài ngay chính trên sân nhà.

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng cho rằng, khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là CMCN 4.0 làm thay đổi tư duy hiện tại về nghề nghiệp. Nhân công của một số ngành nghề sẽ được thay thế bởi các thiết bị tự động hóa song cũng sẽ xuất hiện những ngành nghề mới chưa từng có…

Do đó, đòi hỏi người lao động phải thường xuyên cập nhật kiến thức để có kỹ năng thích ứng với sự thay đổi.

Theo đó, hệ thống đào tạo cũng phải có năng lực tiếp cận, linh hoạt trong tổ chức đào tạo để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Mỗi quốc gia đều quan tâm có chính sách, chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp đáp ứng nhu cầu đào tạo lực lượng lao động kỹ thuật trực tiếp cho phát triển kinh tế xã hội ở mỗi thời kỳ.

Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với thế giới, khu vực thông qua việc ký kết các hiệp định FTA thế hệ mới.

“Chúng ta phải chấp nhận luật chơi của thế giới. Nhu cầu về lao động có sự thay đổi rõ ràng: lao động tri thức, có kỹ năng hay chất lượng cao sẽ thay thế cho lao động phổ thông giá rẻ, năng suất thấp”, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, tỷ lệ lao động qua đào tạo quá thấp (21,9% năm 2018), tỷ lệ lao động không có chuyên môn kỹ thuật cao và cơ cấu trình độ lao động còn bất hợp lý.

Cơ hội vàng cho GDNN hiện nay

Thủ tướng Chính phủ vừa ký ban hành Chỉ thị 24/CT-TTg  về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới.

Trong khi đó, Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14 quy định tại Chương IV Giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề mở rộng nhiều vấn đề ngoài Luật Giáo dục nghề nghiệp về học nghề, tập nghề, đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động...

Cùng với thời kỳ dân số vàng là cơ hội vàng cho GDNN hiện nay có thể phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh trong nước và quốc tế mang tới nhiều thời cơ, đồng thời cũng có nhiều thách thức đối với giáo dục nghề nghiệp; đòi hỏi giáo dục nghề nghiệp Việt Nam phải đổi mới, thích ứng linh hoạt, hiệu quả với các thay đổi của thời đại, coi trọng đào tạo chất lượng cao, tiếp cận chuẩn khu vực, quốc tế, đồng thời dễ tiếp cận cho mọi người, đáp ứng được nhu cầu học tập suốt đời của người dân.

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, việc này, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Do đó, để thực hiện được mục tiêu trên, việc xây dựng một Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp thật bài bản, khả thi theo hướng tiếp cận thị trường lao động là hết sức cần thiết.

Hội thảo được tổ chức lần đầu với kỳ vọng là diễn đàn mở để trao đổi, thảo luận, phân tích và từng bước xác định quan điểm, mục tiêu, định hướng xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp cho giai đoạn tới.

Hội thảo cũng tập trung phân tích về cung cầu kỹ năng trên thị trường lao động hiện nay và những vấn đề đặt ra đối với dự báo nhu cầu nhân lực bậc giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030 đồng thời các chuyên gia quốc tế từ GIZ báo cáo kết quả phỏng vấn các bên liên quan trong triển khai Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011-2020.

Các hội thảo tiếp theo sẽ tập trung vào các vấn đề chuyên môn, cụ thể để hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030.

Hội thảo cũng đã nhận được nhiều bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, đại diện các tổ chức quốc tế. Nhiều tham luận thể hiện kết quả nghiên cứu, cập nhật về kinh nghiệm và các mô hình quản lý GDNN tiên tiến trên thế giới, làm bài học vận dụng vào mô hình quản lý GDNN tại Việt Nam.

Minh Anh