Việc làm cho NKT:
Tuyển người khuyết tật vì năng lực - khó vẫn có cách làm
“Tới năm 2015, Dự án đã dạy nghề cho 1.450 thanh, thiếu niên khuyết tật. Tỉ lệ việc làm qua học nghề trên 60 %. Sau khóa học, nhiều doanh nghiệp đã thay đổi nhận thức về việc tuyển dụng người khuyết tật NKT vào làm việc: Tuyển vì năng lực chứ không vì nhân đạo”.
Bà Đinh Thị Nguyệt, Quản lý chương trình giáo dục của Tổ chức CRS tại VN, trao đổi với PV Dân trí về Dự án đào tạo công nghệ thông tin (CNTT) cho thanh thiếu niên khuyết tật giai đoạn 2007 - 2015.
Người khuyết tật có được điều gì sau khi tham gia chương trình, thưa bà?
Điểm được nhất của Dự án là đã chứng minh được thực tế: NKT khi được hỗ trợ đầy đủ thì có thể hoàn toàn thành công trong lĩnh vực việc làm trình độ cao, thu nhập không hề thấp.
Đặc biệt, các em có sự thay đổi cuộc sống của mình: Từ chỗ không tự tin không dám bước ra khỏi khu vực mình sinh sống thì tới nay đã hòa nhập tốt trong những thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM.
Về thu nhập, NKT làm việc ở nhà với các công việc thiết kế đồ họa, hình ảnh có mức lương từ 3.500.000 - 7.000.000 đồng/tháng. Những học viên làm công việc lập trình viên có thu nhập trên 10.000.000 đồng/tháng. Một số thành viên mở được công ty và quay lại trợ giúp cộng đồng NKT.
NKT có được sự nhìn nhận của nhiều doanh nghiệp. Hơn 100 doanh nghiệp tham gia tuyển dụng các em từ khóa đầu tới nay đều cho rằng: Họ tuyển NKT vì thấy được khả năng làm việc thực sự chứ không vì lòng nhân đạo.
Trong các ngành đào tạo, lý do vì sao CRS chọn ngành CNTT để dạy nghề cho NKT, thưa bà?
Vì từ lâu tới nay, nhiều người nghĩ rằng NKT chỉ làm được công việc lao động phổ thông. Tuy nhiên, trên thế giới đã nghiên cứu và chứng minh, CNTT là cầu nối giúp NKT được học tập ở trình độ cao và thành công hơn.
CNTT có thể giúp NKT “vận động” tới được các dịch vụ và thông tin. Chúng tôi đã học tập mô hình thành công của bên Hoa Kỳ, đó là thành lập một trung tâm thông tin cho NKT.
Theo CRS, thành phần tham gia chương trình đào tạo chủ yếu là NKT dạng tật vận động, nhóm thứ 2 là những người khiếm thị thuộc các chi hội người khiếm thị ở các địa phương cử tới học để làm cán bộ nòng cốt đào tạo CNTT, nhóm thứ 3 là các học sinh khiếm thính. Nhóm cuối cùng là học sinh bị hội chứng down. Điều bất ngờ là 2 học viên down đã thành công ở TPHCM. Mô hình đào tạo vẫn tiếp tục triển khai nhờ thụ hưởng những kết quả của dự án.
Ban đầu, học viên được miễn phí và sắp xếp chỗ ở. Nhưng sau này kinh phí có hạn, chúng tôi khuyến khích gia đình các thành viên đóng góp 1 phần. Điều này cũng giúp họ tăng thêm trách nhiệm khi tham gia nghiêm túc hơn. Đây cũng là bài học mà chúng tôi rút ra sau 8 năm triển khai đào tạo cho NKT là không nên miễn phí hoàn toàn.
Luật Người khuyết tật có hiệu lực từ năm 2011 khuyến khích doanh nghiệp nhận NKT vào làm thay cho quy định bắt buộc như trước kia. Điều này ít nhiều sẽ ảnh hưởng tới tâm lý tuyển dụng NKT, vậy dự án đã phải làm gì để có thể giúp học viên tiếp cận với việc làm, thưa bà?
Đúng là trong thực tế, nhiều DN vẫn có tâm lý miễn cưỡng khi nhận NKT vào làm việc. Vậy để thay đổi điều này, chúng tôi đã phải chú trọng kết hợp nhiều biện pháp như tổ chức các hội thảo cùng với doanh nghiệp.
Qua đó chúng tôi chia sẻ mô hình trách nhiệm xã hội với doanh nghiệp để thấy được một thực tế là: Một tổ chức tiếp nhận nhân viên khuyết tật là một hình ảnh đẹp. Điều đó chứng tỏ doanh nghiệp không chỉ quan tâm tới NKT mà quan tâm tới mọi thành viên trong tổ chức của mình.
Nhiều DN sau khi tiếp cận với Dự án đã hiểu và chia sẻ thực sự là muốn tuyển NKT không vì sự ưu đãi về chính sách thuế. Họ đã đánh giá NKT rất trung thành khi làm việc. Thực tế là một doanh nghiệp ở Hà Nội hiện đang nhận tới 35 NKT vào làm việc. Tuy nhiên, quá trình nhận thức thực sự đòi hỏi một quá trình với cộng đồng doanh nghiệp.
Những khuyến nghị của bà sau khi chương trình kết thúc?
Điều đầu tiên tôi muốn khuyến nghị là cần chú trọng công tác truyền thông tới doanh nghiệp tốt hơn. Nếu nhìn nhận đây là quyền lợi, doanh nghiệp sẽ chủ động tham gia tích cực chứ không đơn thuần là thực hiện quy định của pháp luật.
Trước khi đào tạo NKT phải tính chú ý tới “đầu ra” cho NKT, nhu cầu của NKT Đồng thời, nhà đào tạo phải có sự kết nối chặt chẽ với các doanh nghiệp và để họ trở thành một cấu phần trong quá trình đào tạo đó để tham gia vào mạng lưới NKT.
Cuối cùng, các cơ quan quản lý Nhà nước cần linh hoạt trong việc dạy nghề cho NKT. Nếu chỉ đơn thuần gắn với các mô hình đào tạo truyền thống ở các TT dạy nghề thì chưa hiệu quả. Vì đa số các chương trình này được thiết kế sẵn có và “đầu ra” ít gắn kết.
Xin cảm ơn bà
Gần 550 học sinh khuyết tật tiếp cận ứng dụng công nghệ thông tin
Đây là kết quả của Dự án “Tăng cường tiếp cận và chất lượng giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật thông qua công nghệ thông tin” tại 10 tỉnh, thành của VN, giai đoạn 2012-2015. Chương trình do Bộ GD - ĐT và Tổ chức CRS tổng kết trung tuần tháng 8 vừa qua.
Dự án nhằm mục tiêu tăng cường sự hòa nhập của trẻ khuyết tật tại bậc học phổ thông không có điều kiên tới trường. Tại 42 cơ sở thuộc 10 tỉnh, thành, Dự án đã kết hợp với nhà trường xây dựng được website giaoduchoanhap.edu.vn, qua đó giúp các bậc phụ huynh, học sinh khuyết tật, cán bộ quản lý giáo dục có điều kiện chia sẻ các văn bản, tài liệu, nghiệp vụ về giáo dục hòa nhập…
Đặc biệt, Dự án đã xây dựng bộ ứng dụng CNTT hỗ trợ trẻ khuyết tật như nâng cấp phần mềm tổng hợp tiếng nói dành cho học sinh khiếm thị và bộ băng hình bài giảng sử dụng ngôn ngữ ký hiệu cho học sinh khiếm thính. Hơn 340 giáo viên, phụ huynh và các nhà quản lý giáo dục đã được tham gia chương trình. Riêng bộ ứng dụng CNTT đã giúp 549 học sing khuyết tật tham gia thí điểm và đạt hiệu quả khả quan. N.K
Hoàng Mạnh thực hiện