"Tuyển lao động xuất khẩu như tuyển quân, được người nào chắc người đó!"

Huỳnh Hải

(Dân trí) - "Tuyển lao động xuất khẩu như tuyển quân, chúng ta phải làm sao tuyển người nào chắc người đó, không để cảnh học tiếng, học nghề rồi phỏng vấn lại rớt, mất thời gian, công sức, tiền bạc".

Đây là định hướng được đưa ra tại cuộc họp triển khai giao kết thực hiện công tác xuất khẩu lao động năm 2022 của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Bạc Liêu với UBND các huyện, thị, thành phố và các công ty hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, diễn ra chiều 25/6.

Theo đó, đại diện lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu với UBND 7 huyện, thị, thành phố và 14 công ty xuất khẩu lao động đã ký giao kết 3 bên, thống nhất thực hiện công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên địa bàn.

Trong đó, các công ty cam kết công khai quy trình, thủ tục tuyển chọn lao động, các khoản chi phí có liên quan khi người lao động tham gia đảm bảo đúng quy định; tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đúng pháp luật Việt Nam; bảo đảm mức lương, thu nhập cho lao động theo quy định, như Nhật Bản từ 30 triệu đồng trở lên, Đài Loan từ 20 triệu đồng trở lên.

Tuyển lao động xuất khẩu như tuyển quân, được người nào chắc người đó! - 1

Bạc Liêu tổ chức ký giao kết giữa 3 bên gồm Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu, UBND 7 huyện, thị, thành phố và 14 công ty xuất khẩu lao động trong việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, được xem là bước đột phá trong lĩnh vực này của tỉnh (Ảnh: Huỳnh Hải).

Lời hứa trách nhiệm của doanh nghiệp xuất khẩu lao động

Thông tin tại buổi ký giao kết, ông Tăng Văn Tám, Trưởng phòng Lao động - Việc Làm - Giáo dục nghề nghiệp, thuộc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu, cho biết kế hoạch của tỉnh năm 2022 là đưa 300 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

"Một trong những nhiệm vụ của ngành LĐ-TB&XH là phối hợp với các công ty, doanh nghiệp tổ chức các lớp đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động tham gia đi làm việc ở nước ngoài", ông Tám nói.

Ông Bùi Minh Túy, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu cho biết, thời gian qua việc phối hợp giữa các ban, ngành và các công ty xuất khẩu lao động khá tốt nhưng chưa chặt chẽ. Do đó, việc ký giao kết giữa các đơn vị là cần thiết, để phối hợp, hỗ trợ, quản lý công tác này hiệu quả hơn nữa, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Tuyển lao động xuất khẩu như tuyển quân, được người nào chắc người đó! - 2

Ông Bùi Minh Túy, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu, nhấn mạnh việc ký giao kết 3 bên là cần thiết để công tác xuất khẩu lao động chặt chẽ, hiệu quả hơn (Ảnh: Huỳnh Hải).

Đại diện Công ty Tracimexco Group (TPHCM) cho rằng, việc ký giao kết 3 bên, giữa đơn vị quản lý nhà nước cấp tỉnh, chính quyền cấp huyện và doanh nghiệp là một "bước đột phá" ở Bạc Liêu trong việc xuất khẩu lao động.

"Vừa qua, số lao động ở Bạc Liêu sang Nhật Bản cũng được chủ sử dụng tin tưởng, đánh giá rất cao về thái độ, tinh thần làm việc. Do đó, thời gian tới, chúng tôi mong nhận được sự giúp đỡ của tỉnh, huyện hỗ trợ các công ty hoàn thành công tác đưa lao động Bạc Liêu đi làm việc ở nước ngoài thành công", đại diện công ty bày tỏ.

Ông Lã Xuân Giáp, Chủ tịch Công ty ManStart cho biết, hiện người lao động trăn trở nhất là vấn đề tiếp cận vay vốn. Do đó, ông đề nghị, khi lao động vay vốn thì được sự hỗ trợ của Trung tâm dịch vụ việc làm, ngân hàng chính sách… làm sao các thủ tục thuận lợi nhất cho người lao động, sẽ thúc đẩy chương trình xuất khẩu lao động và người dân tham gia nhiều hơn.

"Nhiều người dân ở vùng ven biển Bạc Liêu còn nghèo, trình độ học vấn chưa cao. Trong khi đó, ở Nhật Bản, nhu cầu tuyển dụng rất cao, có ngành nghề phù hợp cho cả những lao động chân tay có thể tham gia được.

Tôi thấy đi Nhật Bản bây giờ dễ hơn, công ty xuất khẩu lao động phải đi tìm lao động để đưa đi. Đây là thông tin rất thuận lợi, sát tình hình thị trường hiện nay. Do đó, việc tuyên truyền cần phải kịp thời đến người dân, bởi bản chất người lao động đi là để kiếm công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo bền vững", ông Giáp chia sẻ.

Tuyển lao động xuất khẩu như tuyển quân, được người nào chắc người đó! - 3

Bà Đỗ Ái Lam, Phó Chủ tịch UBND TP Bạc Liêu: "Tuyên truyền về xuất khẩu lao động đến người dân phải cụ thể, súc tích" (Ảnh: Huỳnh Hải).

Tuyên truyền xuất khẩu lao động 

Đại diện địa phương nêu khó khăn trong công tác xuất khẩu lao động, bà Đỗ Ái Lam, Phó Chủ tịch UBND TP nêu rõ, lao động muốn xuất khẩu phải học tiếng nước ngoài nhưng hầu hết lại ngán ngại việc này. Tư tưởng một bộ phận người lao động là không muốn ra khỏi "ao làng". Thực tế, nhiều người sau khi học xong cao đẳng, đại học ngành điều dưỡng ra trường không xin được việc làm nhưng khi vận động qua Nhật làm việc cũng không chịu đi.

Bà Ái Lam cũng nêu những bất cập trong hoạt động tuyên truyền về xuất khẩu lao động. 

"Thành phố đã phải soạn thảo bộ tiêu chí với 19 điểm, gạch từng đầu dòng như khu vực ngoại thành làm gì, nội thành làm gì… để khi họp từng nhóm đối tượng cần tuyên truyền thế nào thì thấy rất hiệu quả. Do đó, đề nghị Sở LĐ-TB&XH, các công ty khi xuống địa phương tư vấn cần có những tài liệu tuyên truyền cụ thể, ngắn gọn, súc tích dễ hiểu với người dân", bà Ái Lam nêu ý kiến.

Tuyển lao động xuất khẩu như tuyển quân, được người nào chắc người đó! - 4

Bà Nguyễn Hồng Cẩm, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hải (thứ 2 từ trái qua) thực hiện ký kết với các công ty (Ảnh: Huỳnh Hải).

Chốt buổi ký giao kết 3 bên, ông Bùi Minh Túy, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu cho biết, ngoài ký giao kết chung thì từng địa phương sẽ có giao kết riêng với các công ty phụ trách địa bàn để tạo căn cứ thực hiện.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bạc Liêu cũng đề nghị, sau khi lao động học tiếng, học nghề xong thì các công ty quan tâm tạo điều kiện phối hợp làm sớm thủ tục để đưa lao động đi xuất khẩu; chọn đối tác nước ngoài uy tín; kịp thời phản ánh thông tin lao động khi làm việc ở nước ngoài để Sở nắm và thông tin cho gia đình an tâm, gắn bó, làm tốt công việc.