Tuyển lao động "ngoại" với chuyện rào cản chống "chảy máu"... việc làm
(Dân trí) - Từ 1/1/2024, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động nước ngoài phải đăng tuyển công khai, nếu không tuyển được lao động Việt Nam mới được phép tuyển dụng lao động nước ngoài.
Ngày 6/3, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM tổ chức hội nghị "Đối thoại về tuyển dụng, sử dụng người lao động nước ngoài tại Việt Nam trên địa bàn TPHCM".
Tại hội nghị, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM, cho biết: "Trên địa bàn thành phố có gần 30.000 lao động nước ngoài được cấp giấy phép làm việc. Trong thời gian qua, các quy định liên quan đến người lao động nước ngoài có nhiều thay đổi, hướng đến tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động nước ngoài đến Việt Nam".
Tuy nhiên, ông Lê Văn Thinh cũng thừa nhận còn nhiều vấn đề bất cập như: Quy định chứng minh vị trí công việc là nhà quản lý, giám đốc điều hành phải cung cấp nhiều loại giấy tờ hơn trước đây; Quy định về chủ thể thực hiện giấy phép lao động khác với quy định của cơ quan xuất nhập cảnh khi đề nghị cấp thẻ tạm trú...
Tại hội nghị, các doanh nghiệp đặt ra 90 câu hỏi cho đại diện Sở LĐ-TB&XH, Bảo hiểm xã hội thành phố, Công an thành phố, Cục Thuế thành phố.
Trong đó, vấn đề mà nhiều doanh nghiệp có sử dụng lao động nước ngoài quan tâm là quy định phải thông báo tuyển dụng công khai. Khi không tuyển được lao động Việt Nam vào các vị trí việc làm có nhu cầu thì doanh nghiệp mới được phép tuyển lao động nước ngoài.
Đại diện công ty TNHH Một Thành Viên Việt Nam GS Enterprise (Thủ Đức) cho rằng: "Quy trình đăng tuyển trên website cơ quan quản lý lao động thực sự mang tính hình thức, gây lãng phí thời gian và chi phí cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý lao động".
Đại diện Sở LĐ-TB&XH TPHCM, bà Trần Lê Thanh Trúc, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động, xác nhận đây là điểm mới trong quy trình xác định nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài được bổ sung theo Nghị định số 70/2023/NĐ-CP ngày 18/9/2023.
Theo đó, kể từ ngày 1/1/2024, đơn vị sử dụng phải thực hiện thông báo tuyển dụng người lao động Việt Nam vào các vị trí dự kiến tuyển dụng người lao động nước ngoài trên Cổng thông tin điện tử của Cục Việc làm hoặc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh/thành trong thời gian ít nhất 15 ngày trước ngày dự kiến báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài.
Đại diện chi nhánh Anderson Mori & Tomotsune tại TPHCM (Quận 1) thắc mắc: "Việc đăng tin tuyển dụng là nghĩa vụ bắt buộc trước khi nộp hồ sơ xin chấp thuận nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài. Vậy để chứng minh doanh nghiệp đã tuân thủ nghĩa vụ đó, doanh nghiệp phải nộp hồ sơ, tài liệu gì?".
Bà Trần Lê Thanh Trúc giải đáp: "Đơn vị cần phải nêu rõ quá trình thông báo tuyển dụng người lao động Việt Nam vào các vị trí dự kiến tuyển dụng lao động nước ngoài (thời gian đăng thông báo tuyển lao động Việt Nam, nơi đăng thông tin tuyển dụng …), quá trình tuyển dụng (thời gian tiếp nhận hồ sơ dự tuyển và thời điểm thực hiện phỏng vấn…), kết quả xét tuyển người lao động Việt Nam…".
"Đơn vị có thể chụp hình lại quá trình thông báo tuyển dụng mà đơn vị đã thực hiện tại trang thông tin điện tử của Trung tâm Dịch vụ việc làm thành phố để củng cố cơ sở của nội dung giải trình", bà Thanh Trúc nói.
Về phản ánh cho rằng thực hiện quy định là lãng phí và hình thức, bà Thanh Trúc cho biết: "Sở LĐ-TB&XH TPHCM sẽ ghi nhận và báo cáo Bộ LĐ-TB&XH về tình hình thực hiện Nghị định số 70/2023/NĐ-CP".
Kết luận hội nghị, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TPHCM Lê Văn Thinh khẳng định: "Đối với kiến nghị vượt thẩm quyền, các cơ quan tham dự ngày hôm nay sẽ tổng hợp báo cáo lãnh đạo thành phố, các cơ quan chuyên môn Trung ương nhằm kịp thời có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng trong quá trình thực hiện, qua đó tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư lâu dài, bền vững, ổn định tại Việt Nam và đảm bảo quyền lợi của người lao động".