Nhân sự Việt có làm được việc lương 400 triệu ở sân bay Long Thành?

Hoa Lê

(Dân trí) - Các chuyên gia cho rằng nhân sự Việt hoàn toàn có thể đáp ứng được những yêu cầu tuyển dụng của nhà thầu thi công các hạng mục công trình ở sân bay Long Thành.

Nhiều chuyên gia đầu quân cho đối tác nước ngoài

Trao đổi về việc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai không nhận được hồ sơ nào của chuyên gia Việt ứng tuyển vào các vị trí chuyên gia, quản lý thi công hạng mục nhà ga hành khách ở sân bay Long Thành, TS. Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam cảm thán "rất buồn khi đọc thông tin".

Ông quả quyết, ở Việt Nam có nhiều nhân sự hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Riêng Hội Khoa học và công nghệ Hàng không Việt Nam có hơn 500 hội viên là các chuyên gia, cán bộ quản lý, kỹ thuật, thiết kế, thi công, khai thác, quy hoạch, hoạch định chính sách… về hàng không, trong đó, khoảng 70% hội viên đã nghỉ hưu.

Nhân sự Việt có làm được việc lương 400 triệu ở sân bay Long Thành? - 1

Nhà thầu thi công ở sân bay Long Thành (Ảnh: TNP).

Thực tế, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam cho biết, có một số người đã "đầu quân" làm việc cho những đối tác nước ngoài như Mỹ, Pháp, Đức… với mức lương hấp dẫn hơn.

Trở lại việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành hàng không nói chung cũng như để có thể đảm đương dự án xây dựng sân bay Long Thành nói riêng, ông Châu nhìn nhận, đây là câu chuyện dài chưa có hồi kết.

Ông nhớ lại, từ năm 2019, Hội đã phối hợp các cơ quan, đơn vị của tỉnh Đồng Nai tổ chức nhiều hội thảo, tiếp xúc, giới thiệu về sự cần thiết trong việc chuẩn bị, đào tạo nhân lực cho dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành. Đây là một nhiệm vụ không đơn giản.

"Điều này cần sự phối hợp, chung tay của nhiều đơn vị, như các trường đại học, dạy nghề, trong đó có ngành hàng không. Bên cạnh việc chuẩn bị nhân sự trong nước, cũng cần kết hợp với nước ngoài trong việc đào tạo, để người lao động Việt có thể lấy chứng chỉ quốc tế, đáp ứng yêu cầu huy động nhân lực khi triển khai dự án", ông Châu nói.

Theo Chủ tịch Hội, có những việc cần phải đi tắt đón đầu bằng cách hợp tác với nước ngoài mới đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển ngành hàng không của Việt Nam trong thời gian tới.

Chiến lược phát triển nhân lực ngành hàng không

Nhìn lại tiến trình 30 năm qua, TS. Châu đánh giá, ngành hàng không có sự phát triển bứt phá, ngoạn mục. Tuy nhiên, so với hàng không các nước trên thế giới, hàng không Việt Nam còn rất non trẻ.

Để có được một hệ thống đào tạo nguồn nhân lực hàng không đáp ứng được nhu cầu phát triển nhanh, bền vững, ông Châu đánh giá, đây là một nhiệm vụ lớn lao, đòi hỏi nhiều nguồn lực, về cơ sở vật chất, về nhân tài vật lực và thời gian cần thiết.

Đơn cử về việc đào tạo phi công, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ hàng không Việt Nam cho hay, cả nước chỉ có Trường phi công Bay Việt (Viet Flight Training) được thành lập năm 2008, hiện năng lực đào tạo mỗi năm được 80-100 phi công.

Bên cạnh đó, trong ngành còn có Học viện hàng không Việt Nam, đào tạo nhân lực trình độ đại học và khoảng 20 trung tâm đào tạo hàng không của các đơn vị.

Nhân sự Việt có làm được việc lương 400 triệu ở sân bay Long Thành? - 2

Đào tạo về lĩnh vực hàng không vừa qua vẫn ở quy mô nhỏ lẻ, không đáp ứng được yêu cầu phát triển của ngành (Ảnh: Hoàng Bình).

Ngoài ra, có một số trường đại học có khoa hoặc bộ môn về hàng không như Đại học Bách khoa TPHCM, Bách khoa Hà Nội, Học viện kỹ thuật phòng không- không quân, Học viên kỹ thuật quân sự...

Theo ông Châu, nhìn chung quy mô đào tạo manh mún và nhỏ lẻ như vừa qua không thể đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển nhanh, bền vững của ngành hàng không Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Trần Quang Châu cho rằng, để giải quyết bài toán này cần phải có sự chỉ đạo, hỗ trợ của Nhà nước. Vị TS phân tích, như việc đào tạo phi công, Nhà nước có thể đầu tư vốn ban đầu cho một đơn vị đào tạo phi công và chỉ đạo để các hãng hàng không góp vốn đào tạo theo cổ phần hợp lý.

Bên cạnh đó, Nhà nước có chế độ ưu tiên, ưu đãi (cho vay vốn ưu đãi, thuê đất đai giá rẻ, giảm thuế, lệ phí…) để khuyến khích các nhà đầu tư vào các dự án đào tạo nhân lực hàng không.

"Phương thức xã hội hóa sẽ hiệu quả hơn và đáp ứng được nhu cầu nhân lực cho từng hãng, tránh được sự cạnh tranh thiếu lành mạnh", ông Châu nói.

Vị này cho rằng rất cần một chiến lược phát triển nguồn nhân lực hàng không đến năm 2030, tầm nhìn 2050 do Nhà nước khởi xướng. Đã đến lúc Việt Nam cần có một trường đại học hàng không ngang tầm thế giới để đào tạo nguồn nhân lực hàng không phục vụ trong nước, các nước trong khu vực và trên thế giới.

Mới đây, đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai cho biết, sau 15 ngày đăng tải thông tin tuyển dụng từ nhà thầu thi công ga hành khách của dự án sân bay Long Thành, Sở không nhận được bất kì hồ sơ ứng tuyển nào từ chuyên gia người Việt.

Thông tin đưa ra là nhà thầu cần tuyển 33 chuyên gia cho 31 vị trí công việc như: đại diện nhà thầu, giám đốc dự án, phó giám đốc dự án, quản lý dự án, quản lý xây dựng, giám đốc thiết kế, trưởng phòng hệ thống kỹ thuật xây dựng, quản lý thiết bị đầu cuối, giám đốc cơ khí, quản lý hợp đồng, quản lý công trường…

Mức lương thấp nhất đưa ra cho 33 nhân sự cần tuyển là vị trí trợ lý dự án, mức 75 triệu đồng/tháng và cao nhất là 400 triệu đồng/tháng, dành cho các vị trí công việc như trưởng phòng dự án, đại diện nhà thầu, giám đốc dự án.

Theo quy định, sau khi đăng tải thông tin tuyển dụng qua Sở mà không tuyển được lao động Việt Nam, nhà thầu được phép tuyển lao động người nước ngoài vào các vị trí công việc trên.