Tuyển lao động có kinh nghiệm: "Sao cho đáng đồng tiền bát gạo"
(Dân trí) - “Phiên Giao dịch việc làm dành cho lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp thu hút gần 400 chỉ tiêu tuyển dụng với gần 20 doanh nghiệp. Chương trình nhằm giải quyết nhu cầu của lao động đã có kinh nghiệm làm việc và giảm sức ép về tìm việc của lao động tại các khu vực trung tâm thành phố”.
Bà Vũ Thị Thanh Liễu - Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội), trao đổi về nội dung Phiên GDVL dành cho lao động nói chung và đặc biệt là lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn quận Long Biên và các khu vực lân cận.
Chương trình diễn do TT DVVL Hà Nội tổ chức ngày 20/9 tại phường Phúc Đồng (Long Biên, Hà Nội).
Do đặc thù của Phiên GDVL chủ yếu dành cho ứng viên đã từng đi làm việc và đang nhu cầu đăng ký bảo hiểm thất nghiệp. Bởi vậy, nhiều doanh nghiệp kỳ vọng sẽ tìm được ứng viên có kinh nghiệm và trình độ.
Bà Vũ Thùy Dương - Trưởng phòng Kế toán tổng hợp Cty xây lắp điện và hạ tầng kỹ thuật (Hà Nội) cho biết: “Công ty có nhu cầu tuyển chỉ huy trưởng công trường và kỹ thuật viên. Yêu cầu ứng viên có trên 5 năm quản lý xây lắp cơ điện, hạ tầng phục vụ nhà xưởng công nghiệp”.
Đương nhiên, mức lương khởi điểm đề xuất khoảng 10.000.000 đồng, thậm chí công ty có thể chấp nhận mức lương thỏa thuận nếu gặp ứng viên xuất sắc.
“Vị trí này vừa cần ứng viên có kinh nghiệm quản lý. Đặc biệt, yếu tố chấp nhận đi làm việc ở công trình tại các tỉnh là điều khó tuyển ứng viên” - bà Vũ Thùy Dương nói.
Dù không tuyển vị trí quản lý, nhưng Công ty thiết bị y tế Vạn Xuân cũng kỳ vọng tiếp nhận được ứng viên làm vị trí nhân viên kinh doanh, nhân viên kỹ thuật có trình độ khi tham gia tuyển dụng.
“Thông qua Phiên GDVL dành cho lao động đăng ký trợ cấp thất nghiệp trước đây, chúng tôi đã tuyển được 1 ứng viên có kinh nghiệm đi làm việc và phù hợp với yêu cầu công việc. Chính vì vậy, Cty hy vọng sẽ có thêm nhiều cơ hội phỏng vấn nguồn lao động tới đăng ký thất nghiệp. Đây là nguồn nhân lực đã trải nhiệm thực tế và cọ sát với công việc” - bà Phạm Thị Phương, kế toán trưởng Cty cho biết.
Bà Vũ Thị Thanh Liễu nói về Phiên GDVL ngày 20/9
Chọn được ứng viên có kinh nghiệm đi làm và kinh nghiệm giao tiếp là tâm lý chung của nhiều doanh nghiệp. “Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp sẽ chấp nhận việc họ phải đàm phán lại mức lương, chế độ làm việc với những ứng viên. Bởi ứng viên ít nhiều đã đi làm và am hiểu thực tế” - bà Vũ Thị Thanh Liễu cho biết.
Theo kế hoạch từ nay tới cuối năm 2016, Trung tâm DVVL Hà Nội sẽ tăng cường thêm nhiều Phiên GDVL cho lao động đăng ký hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Đây cũng là nguồn cung ứng lao động có trình độ cho doanh nghiệp.
Nhận định của Ban tổ chức khá trùng hợp với quan điểm của nhiều ứng viên tới tham gia Phiên GDVL sáng 20/9 tại Phúc Đồng, Long Biên.
Trong khi đó, ứng viên tham gia chương trình cũng có những mục tiêu khá rõ ràng. Chị Đoàn Thị Hoa, cựu nhân viên kinh doanh của một công ty xây dựng nói: “Bên cạnh viện đăng ký BHTN, tôi cũng tìm kiếm công việc phù hợp với bản thân. Do có kinh nghiệm đi làm rồi, nên quan tâm tới công việc có mức lương tháng từ 15-20 triệu đồng, doanh nghiệp đảm bảo các chế độ phúc lợi khác”.
Không chỉ quan tâm tới mức lương, nhiều ứng viên cũng chia sẻ những tâm tư riêng. Anh Nguyễn Mạnh Thắng, 36 tuổi, cựu phó phòng kinh doanh của một công ty thương mại tại Hà Nội, nói: “Đã qua tuổi bôn ba, tôi muốn tìm kiếm một công ty có môi trường làm việc ổn định và đã ngộ tốt. Với kinh nghiệm của mình, tôi tin sẽ đóng gốp được nhiều cho doanh nghiệp”.
Theo bà Vũ Thị Thanh Liễu, yêu cầu về mức lương và chế độ phúc lợi của ứng viên đã có kinh nghiệm là điều bình thường tại các Phiên GDVL dành cho lao động đăng ký BHTN.
“Điều quan trọng là doanh nghiệp nên tranh thủ để tìm cho mình ứng viên phù hợp, đáp ứng được yếu cầu công việc. Tôi tin là khi đó, doanh nghiệp cũng sẽ không tiếc chi phí” - bà Vũ Thị Thanh Liễu nói
Phan Minh
Hà Nội: Tổ chức Phiên GDVL online kết nối 15 tỉnh, thành phố
Theo Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội), Phiên GDVL online vừa tổ chức cuối tháng 8 đã kết nối 15.000 chỉ tiêu tuyển dụng của 250 doanh nghiệp đến từ 15 tỉnh, thành phố.
Đây là Phiên GDVL online lần 2 được TT DVVL Hà Nội thực hiện trong năm 2016. Được biết, Phiên GDVL online hỗ trợ nhu cầu tuyển dụng lao động và doanh nghiệp trên địa bàn 15 tỉnh, thành phố thông qua hình thức hỏi - đáp trực tiếp trên máy vi tính giữa các TT DVVL Lạng Sơn, Hưng Yên, Điện Biên, Bắc Giang, Hà Nam, Thừa Thiên Huế, Bình Dương, Tiền Giang…Theo bà Vũ Thị Thanh Liễu - Phó GĐ TT DVVL Hà Nội, Phiên GDVL online thu hút sự tham gia của 250 doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề trên địa bàn Hà Nội và 14 tỉnh trên toàn quốc. “Đây là cơ hội thu hút nguồn lao động cung ứng cho các doanh nghiệp nhằm hoàn hành mục tiêu kinh doanh - sản xuất trong Quý 3/2016” - bà Vũ Thị Thanh Liễu nói. Nhiều lao động tới dự Phiên GDVL đánh giá, chương trình là cơ hội để người lao động có thêm thông tin tìm việc, học nghề tại các địa phương khác. Được biết, TT DVVL Hà Nội đã bố trí ít nhất 10 máy vi tính kết nối internet để phục vụ nhu cầu tìm việc, tuyển dụng của người lao động và doanh nghiệp.
V.K
Qua 8 tháng: Nợ bảo hiểm thất nghiệp hơn 559 tỉ đồng
Đây là thông tin do BHXH VN cung cấp tới đầu tháng 8. Số nợ này nằm trong tổng số nợ 13.000 tỉ đồng, gồm cả BHXH, BHYT.
Theo BHXH VN, số nợ hơn 13.900 tỉ đồng gồm: Nợ BHXH 9.819,4 tỉ đồng; bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) 559,4 tỉ đồng; bảo hiểm y tế (BHYT) 3.555,7 tỉ đồng (trong đó: ngân sách các địa phương chưa chuyển 1.941,7 tỉ đồng, chiếm 54,6% tổng nợ BHYT). Thống kê của BHXH VN tới đầu tháng 8/2016 cho thấy, số người tham gia BHXH bắt buộc trong toàn quốc là hơn 12,4 triệu người; (BHTN) là 10,5 triệu người, BHXH tự nguyện là 192.340 người và BHYT là 72,9 triệu người (đạt tỉ lệ bao phủ BHYT 79,2% dân số). Số thu toàn ngành BHXH trong tháng 8 cũng đạt hơn 133.000 tỉ đồng (chưa tính 233,8 tỉ đồng tiền thu lãi chậm đóng BHXH, BHYT), đạt 56,58% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 18.690,3 tỉ đồng (16,3%) so với cùng kỳ năm 2015. Ngoài ra, thời gian thực hiện các thủ tục hành chính để tham gia và hưởng các chế độ BHXH, BHYT, BHTN của các đơn vị, doanh nghiệp đã giảm xuống còn 81 giờ/năm (năm 2015). Dự kiến, thời gian thực hiện sẽ giảm xuống còn 45 giờ/năm tới hết năm 2016...
D.N