Tuyển dụng ngày cuối năm 2018: Doanh nghiệp cần, lao động... đủng đỉnh
(Dân trí) - Càng sát tới những ngày cuối năm 2018, nhu cầu tuyển dụng của nhiều doanh nghiệp ở Nghệ An có xu hướng tăng nhẹ. Ngược lại, nhu cầu tìm việc của người lao động dường như vẫn "dậm chân tại chỗ" so với những tháng trước. Tình trạng này khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó trong tìm kiếm nhân sự.
Lao động "đủng đỉnh" mùa tuyển dụng cuối năm
Ngày 25/12 là thời điểm tổ chức Phiên giao dịch việc làm cuối cùng trong năm 2018 của Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An (TT DVVL). Theo quan sát của PV Dân trí, phần lớn người lao động đến giao dịch chỉ để hoàn thành các thủ tục hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp. Số lượng người đến đăng ký tìm việc, tư vấn tuyển dụng không nhiều.
Anh Nguyễn Huy Khoa (trú xã Hưng Mỹ, Hưng Nguyên, Nghệ An) đến giải quyết thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp nên tranh thủ đọc bảng thông tin vị trí tuyển dụng của các doanh nghiệp.
“Hầu hết các doanh nghiệp trả lương cho lao động phổ thông ở mức 4-5 triệu đồng. Số tiền này nếu thuê trọ ở Vinh hay chạy xe về nhà mỗi ngày thì cũng không tích lũy được bao nhiêu nên tôi đang nghiên cứu. Có lẽ tôi sẽ đợi ra Tết tìm cơ hội xuất khẩu lao động”, anh Khoa cho biết.
Tương tự, anh Trần Quốc Lộc (SN 1991, quê huyện Hưng Nguyên) cũng đến làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp và tìm kiếm cơ hội việc làm mới. Tuy nhiên, Lộc chưa tìm được công ty đúng với chuyên ngành kỹ sư cầu đường.
Người lao động đến làm thủ tục hưởng BHTN tại Trung tâm dịch vụ việc làm Nghệ An.
Anh Lộc cho biết sẵn sàng đi đến các vùng xa miễn công việc và thu nhập phù hợp. Tuy nhiên, việc lựa chọn nơi làm việc mới cũng đòi hỏi anh Lộc phải để ý tới nhiều yếu tố khác.
“Nhiều công ty xây dựng cầu đường có tuyển dụng lao động nhưng tuyển thời vụ, hoặc sau khi tìm hiểu thì tôi thấy có tình trạng nợ lương, chậm lương. Tìm việc ngày càng khó khăn nếu muốn tìm được công việc phù hợp với trình độ đào tạo và mức lương “sống được” , anh Lộc chia sẻ.
Cũng tại TT DVVL Nghệ An, PV Dân trí đã gặp anh Trần Anh Đức (SN 1994). Do chưa hoàn thiện giấy tờ, anh Đức không thể tham gia xuất khẩu lao động được nên đến TT DVVL tìm công việc mới.
Anh Đức cho biết: “Sau vài vòng phỏng vấn với một số công ty, tôi sẽ lựa chọn công việc chuyển phát hàng hóa. Công việc này không yêu cầu trình độ cao, chỉ cần chăm chỉ, thật thà, nhanh nhẹn và làm việc trong tỉnh. Dù không đúng với nguyện vọng ban đầu, nhưng tôi nghĩ mình còn trẻ, có sức khỏe, có quyết tâm thì sẽ làm tốt”.
Doanh nghiệp mỏi mắt tìm người
Trong khi các lao động đang ở thế “lưỡng lự” bởi đang ở thời điểm cuối năm, khi Tết nguyên đán đã cận kề thì các doanh nghiệp “than” khó tuyển được lao động.
Nhu cầu tuyển shipper cuối năm của doanh nghiệp tăng nhanh
Đây là lần thứ 3 trong năm ông Phan Văn Hoàng - Giám đốc một công ty chuyên về bất động sản (có trụ sở ở Vinh) đến Phiên giao dịch việc làm để tuyển dụng lao động. Lần này, công ty có nhu cầu tuyển thêm 2 kế toán và 5 nhân viên kinh doanh. Nhưng gần hết buổi sáng, công ty chỉ đón được 3 ứng viên tới phỏng vấn.
“Hai vị trí kế toán yêu cầu bằng cấp theo công việc. Vị trí nhân viên kinh doanh chỉ cần trình độ trung cấp, nhanh nhẹn và nhiệt tình, chúng tôi có thể đào tạo thêm. Qua việc tham gia tạiPhiên giao dịch việc làm, tôi cảm giác như doanh nghiệp cần tuyển, còn người lao động thì ít quan tâm” , ông Hoàng bộc bạch.
Cùng nhận định như trên, bà Giang Lam - cán bộ của công ty dịch vụ chuyển phát nhanh tham gia tuyển shipper qua Phiên giao dịch việc làm trong suốt 3 tháng qua. Bà Giang Lam đánh giá, số lao động được tuyển dụng chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu công việc, dù rằng đây là công việc không có quá nhiều đòi hỏi về trình độ.
Một doanh nghiệp tham gia Phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An.
"Chúng tôi có nhiều kênh để tuyển dụng lao động, như thông qua Phiên giao dịch việc làm, qua mạng xã hội... Vào dịp gần Tết như hiện nay, nhu cầu tuyển dụng tăng cao hơn do đơn hàng nhiều nhưng vẫn khó tìm được người dù với công ty có nhiều đãi ngộ đầy đủ với những người chăm chỉ, có năng lực có nhiều cơ hội thăng tiến. Quá trình tiếp xúc, phỏng vấn và sử dụng lao động chúng tôi nhận thấy vẫn còn một bộ phận không nhỏ người lao động chưa thực sự tìm hiểu về công việc mà mình định ứng tuyển, chưa thực sự chịu khó, gắn bó với doanh nghiệp”, bà Giang Lam đánh giá.
Ông Dương Xuân Phúc - phụ trách thông tin thị trường lao động, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An cho biết, thời điểm cuối năm, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn có tăng. Tuy nhiên, người lao động không mấy mặn mà khi tham. Mặc dù hoạt động tuyển dụng hoàn toàn miễn phí. Điều này khiến các doanh nghiệp gặp khó trong việc tuyển dụng.
“Thường thì vào dịp sau Tết nguyên đán và sau thời điểm sinh viên các trường tốt nghiệp nhu cầu tìm việc mới cao. Còn dịp cuối năm và cận Tết, nhu cầu có vẻ chững lại. Doanh nghiệp thì cần nhưng người lao động không vội”, ông Phúc đánh giá.
Trong năm 2018, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Nghệ An đã tổ chức 23 phiên giao dịch việc làm cố định và 27 phiên giao dịch việc làm lưu động; tổ chức 16 hội nghị tư vấn giới thiệu việc làm, thu hút 615 doanh nghiệp tham gia. Có 89.000 vị trí việc làm đăng kí tuyển dụng qua phiên giao dịch việc làm, hơn 9.500 lao động tham gia tư vấn, ứng tuyển nhưng chỉ có hơn 2.000 người được giới thiệu việc làm. Có gần 1.000 người được giới thiệu việc làm thông qua 2 hội chợ việc làm - xuất khẩu lao động được tổ chức tại 2 huyện Tân Kỳ và Quỳ Hợp (Nghệ An)
Hoàng Lam