Từng là cây mọc dại nay cà na thành đặc sản "một vốn bốn lời"
(Dân trí) - Ý định ban đầu trồng cà na là để bảo vệ bờ đê quanh vườn cây ăn trái, ai ngờ 200 gốc cây này đã giúp ông Phạm Hiền Phúc ở phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, Cần Thơ có mức thu nhập khá.
Trước đây, nhắc đến cây cà na, nhiều người nghĩ đến đây là giống cây dại mọc tự nhiên, sống lăn lóc ở vùng đất trũng ven kênh, rạch… Cà na dại cho trái theo mùa nhưng xôm tụ nhất vẫn là mùa nước nổi bởi loại cây đồng mọc dại, dễ tính này chỉ cho trái ngay dịp mùa nước tràn đồng.
Ngày nay, để thưởng thức trái cà na, người ta chẳng còn đợi đến mùa nước nổi, bởi giống cà na Thái đã có mặt phổ biến trên thị trường. Sản lượng gia tăng, cà na được các công ty, doanh nghiệp chế biến thành nhiều đặc sản như cà na ngâm, cà na ngào đường, mứt cà na, rượu cà na… nâng giá thành lên hàng chục, hàng trăm nghìn đồng, tùy loại.
Hiện nay, trên thị trường bà con chủ yếu trồng cà na đồng hoặc cà na Thái. So với cà na Thái, cà na đồng trái nhỏ hơn, năng suất không bằng nhưng bù lại thịt chắc, không tốn chi phí mua cây giống, dễ chăm sóc nên giống cà na này vẫn được nhà nông ưa chuộng.
Ông Phạm Hiền Phúc (51 tuổi) ở phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, Cần Thơ trồng cà na đồng khoảng 5 năm nay. Khu vườn hơn 17.000 m2 được ông Phúc trồng nhiều loại cây ăn trái như mít, sầu riêng, dừa, trong đó 200 gốc cà na được lão nông trồng quanh bờ đê bao nhằm mục đích bảo về vườn, chống sạt lở đất.
Ông Phúc cho biết, trồng cà na đồng không tốn tiền mua cây giống. Cà na cực kỳ dễ trồng chỉ cần ghim cành xuống đất, để cây tự sinh và chờ "quả ngọt".
"Cây sinh trưởng tầm 2 năm đã cho quả vụ đầu. Từ đó đến nay, cứ đến vụ thì mình bẻ bán, không cần đầu tư phân thuốc mà trái vẫn ra đều đều. Tôi xử lý để cà na cho trái quanh năm, tháng 8, tháng 9 âm lịch là vụ chính. Hết đợt trái này, tôi 'rửa cành' đợi tháng Giêng, cây sẽ lại có trái tiếp", ông Phúc chia sẻ.
Cũng theo lời ông Phúc: "Do nhu cầu của thị trường ngày càng nhiều, mấy năm nay cà na "hút" hàng lắm. Thời điểm trái rộ, một ngày tôi hái bán gần 100kg trái mà vẫn không đủ cung cấp cho bạn hàng. Nhưng do dịch bệnh tiêu thụ ít, sản lượng bằng 1/3 năm trước".
Theo ông Phúc, trồng cây cà na không khó, cây cà na chịu hạn tốt, rất ít sâu bệnh, không cần bón nhiều phân, ít tốn chi phí. Nếu trồng xen với các cây khác, cần chú ý khoảng cách 3m là vừa tầm.
Trước dịch, giá cà na ông Phúc bán ra rất ổn định, dao động từ 10.000 đến 15.000 đồng/kg, nghịch vụ thì có khi lên đến 30.000-40.000 đồng/kg. Ước tính với 200 gốc cà na ông Phúc có thể thu hoạch từ 5-6 tấn/năm, trừ hết chi phí, ông có thể bỏ túi hơn 50 triệu đồng.
Ông Nguyễn Chí Thức - Phó trưởng trạm Khuyến nông quận Ô Môn cho biết, nhiều năm qua, nông dân trên địa bàn quận hay sản xuất đa canh, một số bà con tận dụng diện tích đất quanh bờ bao để trồng cây cà na. Loại cây này có nhiều ưu điểm, vừa chống sạt lở đất, vừa tạo thêm nguồn thu nhập phụ cho người trồng.
"Cà na là giống cây dễ trồng, lại sai trái, đã giúp gia đình ông Phạm Hiền Phúc ổn định, phát triển kinh tế hiệu quả. Cũng may mắn, hiện TP Cần Thơ đã nới lỏng giãn cách, bà con nông dân có thể thu hoạch và bán cà na đúng vụ", ông Thức nói thêm.