1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Kỹ năng đáng nể "tăm tia" đồng nhiều cá của "dân nhà nghề" miền Tây

Bảo Kỳ

(Dân trí) - Lão nông có 40 năm hành nghề bắt cá ở Cần Thơ tiết lộ, khi ra đồng cần xem kỹ chỗ nào mặt nước cạn, hơi đục, có nhiều bóng nước nổi lên và gốc rạ nhiều chắc chắn chỗ đó cá tụ thành bầy.

Năm nay, nước lũ về muộn và con nước không lớn nhưng do mưa nhiều nên nhiều cánh đồng ở miền Tây đã ngập nước. Đây cũng là thời điểm để nông dân làm nghề đánh cá hối hả đặt dớn, bơi xuồng giăng câu, thả lưới...

Sản vật mùa nước nổi vài năm gần đây tuy không còn nhiều như những năm trước đây, nhưng vẫn tạo nên nhịp sống phong phú, rộn ràng và không kém phần đặc trưng của vùng sông nước.

Kỹ năng đáng nể tăm tia đồng nhiều cá của dân nhà nghề miền Tây  - 1

Ông Lý Hải bên tay lưới dính đầy cá sặc (Ảnh: Bảo Kỳ).

Ông Lý Hải (52 tuổi, ở xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ) có 40 năm "hành nghề" bắt cá cho biết, hằng năm cứ đến tầm tháng bảy, tháng tám âm lịch khi nước lũ từ các tỉnh An Giang, Đồng Tháp đổ về ông lại cùng cha và các anh ra đồng bắt cá.

Với ông Hải sản vật từ nước lũ không những mang lại cho gia đình ông bữa cơm ngon mà còn có thể giúp gia đình ông kiếm thêm thu nhập.

Lão nông tâm sự, tuần trước cứ trông cho nước về vì thời điểm này đã trễ hơn nhiều so với mọi năm, đến mấy ngày đầu tháng 9 âm lịch nước mới ngập đồng bà con mới có dịp mua dớn, sắm tay lưới mới… chống xuồng bắt cá.

Kỹ năng đáng nể "tăm tia" đồng nhiều cá của "dân nhà nghề" miền Tây

"Có nhiều ngư cụ để bắt cá trên đồng nhưng dễ và ít vốn nhất là dùng lưới. Thông thường lưới cỡ phân rưỡi dính cá rô, cá sặc, cá chốt,…. còn lưới bốn phân, lưới ba màng dính thì dính các loại cá to hơn", ông Hải chia sẻ kinh nghiệm bắt cá.

Nước lũ tràn ngập đồng nhưng không phải đồng nào cũng có cá. Có đồng thả một tay lưới nhưng đã dính cá lúc nhúc nhưng có đồng chỉ "loe ngoe" vài con.

Mách nước kinh nghiệm giăng lưới, ông Hải tiết lộ, cá đồng thường tập trung ở những dòng kênh, bờ ruộng nhiều cỏ sậy, gốc rạ khô. Bởi sau thời gian dài trốn hạn, nằm sâu trong các hang hốc, rãnh khô, đến khi mưa về cá sẽ ngoi lên mặt nước đang dần ngập để tìm kiếm thức ăn.

Kỹ năng đáng nể tăm tia đồng nhiều cá của dân nhà nghề miền Tây  - 2

Bồn chồn ngóng đợi mùa lũ, hai hôm nay ông Lý Hiệp đã sắm được tay lưới mới khi nghe tin nước ngập đầy đồng (Ảnh: Bảo Kỳ).

Cách xuồng ông Hải một thửa ruộng, ông Lý Hiệp ngụ xã Đông Thắng, huyện Cờ Đỏ đang thoăn thoắt kéo tay thứ hai trong ngày. Ông Hiệp cho biết, nước lũ về cỡ 3 hôm nay, ông đã đi mua 5 tay lưới mới, hết 80.000 đồng/tay lưới.

Công việc giăng lưới bắt cá đồng mùa nước nổi đã trở thành "nghề" đối với ông suốt mấy chục năm qua, nên cứ qua rằm tháng Bảy ông lại ngóng trong con nước về.

"Mỗi tay lưới dài khoảng 50 m, mình giăng hướng xéo mới bắt được cá nhiều. Thả lưới tầm một tiếng mình bắt đầu kéo" - ông Hiệp vừa giảng giải vừa than, năm nay nước về trễ, thông thường khoảng tháng 7 âm lịch là nước tràn đồng, năm nay tới đầu tháng 9 âm lịch mới có nước.

Kỹ năng đáng nể tăm tia đồng nhiều cá của dân nhà nghề miền Tây  - 3

Năm nay con nước về muộn nên thủy sản chưa nhiều và chưa phong phú bằng năm trước (Ảnh: Bảo Kỳ).

"Mọi năm, thời điểm này là nước đang bắt đầu hạ. Kiểu lũ này chắc nước không cao, hiện đang thấp hơn đỉnh lũ mọi năm cả thước. Vì vậy, cá tôm năm nay cũng ít, chỉ bằng phân nửa những năm trước", ông Hiệp phán đoán.

Còn anh Trần Tuấn Vũ (29 tuổi) cùng giăng lưới với ông Hải và ông Hiệp cho hay, các loại cá cỡ nhỏ thường để dành ăn trong nhà, muối chiên giòn hoặc mổ bụng phơi khô. Cá lớn hơn như cá lóc, cá trê… bán mới có giá. Cá đồng được người tiêu dùng ưa chuộng nên giá bán khá cao, khoảng 100.000 đồng/kg.

"Giờ cá ít hơn lúc xưa, khó để bắt được nhiều. Một số người sử dụng xung điện, dùng hóa chất, đánh thuốc tận diệt cá… Trong đó, việc dùng xung điện diễn ra thường xuyên ở nhiều nơi đang đe dọa tận diệt các giống cá đồng. Tuy nhiên dù cá ít hay nhiều, cá to hay cá nhỏ thì nghề giăng lưới bắt cá mùa nước nổi cũng đã "ăn vào máu" của nông dân miền Tây chúng tôi", ông Vũ cho biết.