“Tử nghiệp” vì nghề nuôi rắn
Ông Trần Văn K., có kinh nghiệm 9 năm nuôi rắn. Thế rồi một buổi sáng cho rắn ăn, ông vừa nâng cửa chuồng lên, con hổ mang chúa dài gần 2m bỗng bật dậy mổ một phát vào cổ, khiến ông thiệt mạng.
Người dân làng Bún, xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây có nghề bắt rắn từ hàng trăm năm nay. Đội quân bắt rắn ngày càng đông thêm, tốc độ truy lùng rắn cũng ngày càng gắt gao, quyết liệt. Đến những năm cuối thập kỷ 80 thế kỷ trước thì hầu như không còn rắn để bắt nữa nên người dân quê tôi chuyển sang nghề nuôi rắn.
Cả xã có khoảng 1.000 gia đình theo nghề này. Dân làng Bún chỉ nuôi một loại rắn duy nhất là hổ mang chúa. Rắn hổ mang chúa giống có giá từ 800.000 - 1.200.000 đồng/kg, còn giá rắn thành phẩm là 400.000 đồng/kg. Một con rắn giống nặng chừng 1kg, sau khi nuôi 6 tháng có lãi 1 triệu đồng.
Anh Trần Văn T. - một “cao thủ” buôn rắn giống kể chuyện: “Chúng em buôn rắn giống hổ mang chúa từ các tỉnh có rừng ở miền Nam và các tỉnh biên giới phía Bắc. Rắn hổ mang chúa là loại cấm săn bắt nên khi đem về quê phải luồn lách tránh cơ quan chức năng kiểm tra. Rắn có nguồn gốc ở phía Nam lớn nhanh hơn rắn ở phía Bắc nên giá đắt hơn. Sau năm 1995, rắn hổ mang chúa giống bắt đầu được chở về từ Campuchia và Lào. Rắn giống nhiều, mua bao nhiêu cũng có, chở bao nhiêu về cũng xong, vì cánh buôn chúng em đã “làm luật” rồi”.
Gia đình ông Hoàng Quang Cảnh nuôi rắn từ năm 1993. Hiện giờ trong vườn nhà ông có 70 chuồng rắn. Gia đình ông Cảnh là hộ nuôi rắn trung bình trong làng, nhiều gia đình nuôi tới 300 con mỗi vụ, những gia đình nghèo hơn thì chỉ nuôi từ 10 - 20 con. Qua hơn chục năm nuôi rắn, cuộc sống của người dân quê tôi đã khá lên rất nhiều.
Hổ mang chúa là loài rắn có nọc độc cực mạnh. Lượng nọc độc của một con rắn hổ mang chúa trưởng thành đủ để giết chết 500 con thỏ. Khi bầu nọc đầy là lúc rắn hung dữ nhất, nếu bị rắn mổ trong thời gian này tức là dính đòn rất nặng. Kể từ khi dấy lên phong trào nuôi rắn hổ mang chúa đến nay, làng tôi đã có 20 người bị rắn cắn chết và cả chục người bị cắn trọng thương.
Anh Nguyễn Văn T. vừa là người nuôi rắn vừa đi buôn rắn sang Trung Quốc, rất am hiểu về hổ mang chúa cũng bỏ mạng vì rắn. Còn chị Đặng Thị Ph. có lẽ là người đau đớn nhất vì rắn. Chuyện buồn của chị xảy ra đã mấy năm nhưng suốt đời chị không thể nào quên được.
Chị kể: “Năm ấy, nhà em nuôi rắn nhiều lắm, có lẽ đến 50 chuồng. Vườn nhà chật quá nên chồng em đặt ngay đầu giường hai lồng rắn. Một hôm giữa trưa hè con hổ mang chúa dài hơn 3m tuột lồng mổ trúng cháu bé 3 tuổi đang ngủ trên giường, khi phát hiện được thì con em đã chết”. Sau trận ấy, gia đình chị phải bỏ nghề.
Có người bị rắn cắn may mắn thoát chết thì phải chữa chạy mất 80 triệu đồng, hoặc thường thường cũng vài ba chục triệu đồng. Trong làng hiện có nhiều người bị cụt ngón chân ngón tay vì bị hoại tử do rắn cắn; có người sạt nghiệp vì bị rắn cắn, lại có người sạt nghiệp vì rắn chết hàng loạt.
Theo Công An Nhân Dân