Từ chối lương 20 triệu đồng nơi quê nhà, cô gái chọn lương thấp ở phố
(Dân trí) - Nhiều người sẵn sàng bỏ việc thu nhập cao để về làm việc gần nhà. Nhưng Thùy An thì ngược lại. Cô từ chối cơ hội lương cao ở quê, chật vật bám phố với đồng lương 7 triệu đồng.
Lương ở quê gần gấp 3 thành phố
Tốt nghiệp chuyên ngành kế toán, nhảy việc nhiều nơi, Nguyễn Thùy An, 27 tuổi, hiện làm việc tại công ty nhôm kính ở quận 11 (TPHCM) với mức lương chưa đến 8 triệu đồng/tháng. Ở thành phố phải với nhiều chi phí đắt đỏ, với mức lương trên, An phải tằn tiện trong chi tiêu sinh hoạt. Nhiều năm đi làm An vẫn "trắng tay", không có tiền dành dụm.
Từ 2 năm trước, An được giới thiệu vài chỗ làm ở quê mức lương cao hơn thành phố. Tuy nhiên, lúc đó cô chưa sẽ về quê làm việc, sinh sống.
Đợt này An về Tết, chị giám đốc một công ty thu gom nông sản có tiếng ở quê trực tiếp liên lạc mời An làm việc với mức lương khởi điểm 15 triệu đồng, chính thức gần 20 triệu đồng. Cơ hội phải nói hiếm có mà ở TPHCM, An cũng không dễ gì gặp được.
Phân tích được mất, Thùy An thấy rõ, làm việc ở quê, cô sẽ không mất tiền trọ, chi phí rẻ, ở gần bố mẹ, công việc cũng không quá cạnh tranh áp lực như ở thành phố. Đặc biệt là bố mẹ thiết tha mong An về quê để gần gia đình. Nhất là sau đợt tác động của dịch bệnh năm rồi, họ càng muốn con gái rời TPHCM.
Những tưởng cô sẽ nắm bắt cơ hội ngay nhưng quyết định của Thùy An làm nhiều người choáng váng. Cô từ chối lời mời hấp dẫn ở quê, vừa khăn gói quay lại TPHCM đi làm, tiếp tục bám phố với đồng lương trầy trật lo mỗi cái thân mình chưa xong.
Theo cô gái, mỗi người một quan điểm, cách sống, bản thân An không thích vỏ bọc an toàn, yêu cuộc sống bay nhảy, tự do, áp lực...
Hiện tại lương cô còn thấp nhưng không có nghĩa là không có cơ hội để có mức lương cao hơn. Hơn nữa, ở thành phố có nhiều có hội học tập, giao lưu, gặp gỡ, giải trí mà cô không dễ tìm ở quê nhà. Với An, về quê chơi vài ngày thì được, chứ ở vài tuần là buồn chán. Cô gái cho biết vì quyết định từ chối việc gần nhà lương cao, An bị bố mẹ giận nhiều ngày qua.
Bám phố với lắm tâm tư
Không phổ biến nhưng cũng không ít trường hợp chọn chật vật ở phố dù có nhiều cơ hội việc làm hấp dẫn ở quê. Nguyễn Ngọc Thu, làm việc tại một công ty truyền thông ở quận 2 (TPHCM). Cô có nhiều cơ hội việc làm ở quê. Công ty nội thất của gia đình ở quê trả mức lương cao gấp đôi thành phố. Nhưng dù chật vật với đồng lương công sở nhiều năm nay, Thu vẫn quyết bám phố, từ chối về quê vì "nhiều lý do riêng tư".
Ngay như mỗi năm chỉ về quê vài lần, Thu đã rất khó chịu khi bố mẹ thường xuyên giục lấy chồng, can thiệp vào chuyện phải ăn mặc ra sao, sống phải thế này thế kia, rồi đến hàng xóm cũng dễ dàng săm soi các vấn đề cá nhân.
"Xa thơm gần thối" lâu lâu về quê thăm bố mẹ thì được chứ ở cùng hoặc ở gần thì cả nhà mất vui. Hàng xóm láng giềng cũng vậy, mình thuộc túyp người muốn can thiệp và việc của người khác và cũng không muốn ai xen vào việc của mình", Thu thẳng thắn.
Nên về quê làm việc khi có cơ hội hay không cũng là chủ đề được nhiều bạn trẻ tranh luận trên các diễn đàn việc làm. Nhiều người bỏ hết ở phố, chấp nhận mức lương thấp về gần nhà không còn hiếm, có người muốn về quê nhưng không có cơ hội. Nhưng chiều ngược lại, cũng không ít người "có nghèo cũng quyết bám phố".
Lý do chung được nhiều người đưa ra ở thành phố có thể xuất phát điểm thấp nhưng luôn nhiều cơ hội học tập, cạnh tranh, phát triển. Các hoạt động vui chơi, giải trí, gặp gỡ cũng tập trung ở đây.
Hoàn cảnh riêng thì trăm người trăm vẻ, có người đơn giản ở TPHCM lâu năm, đã xem nơi đây là nhà, xa vài ngày đã đủ cồn cào. Nhưng cũng có người mang lắm tâm tư.
"Tôi không biết quê mọi người thế nào chứ ở quê mình, thật sự rất mệt. Nhà này so đo, ganh đua nhà kia từ việc con cái học hành, nhà lầu, xe cộ, lấy chồng lấy vợ... ", Nguyễn Anh Quý, 31 tuổi, làm việc ở TPHCM kể.
Tuy nhiên, anh Quý cho rằng "về quê" hay "ở phố" tùy thuộc vào quan điểm, lối sống, lựa chọn cũng khả năng thích nghi của từng người. Anh đã gặp nhiều bạn bè về quê rồi lại quay lại phố và cũng có người sống ở phố không nổi lại về quê. Đây là lựa chọn cá nhân nhưng theo anh, đổ về thành phố làm việc vẫn là xu hướng chung không chỉ ở Việt Nam.
Anh Văn Quý ví von ở quê mình có những "cái camera chạy bằng cơm", những áp lực rất vô hình gây ức chế. Anh thích với cuộc sống ở phố, nhà ai biết nhà nấy, cơ hội việc làm cũng dễ dàng hơn...
Theo nhiều chuyên gia thị trường, xu hướng địa phương hóa ngày càng phát triển, nhất là sau ảnh hưởng của dịch bệnh, chúng ta tìm kiếm những giải pháp tại chỗ.
Việc khởi nghiệp, vườn ươm tại địa phương có nhiều cơ hội phát triển hơn trước. Nhưng các doanh nghiệp địa phương cũng gặp khó khăn về nguồn nhân lực chất lượng cao khi môi trường ở quê vẫn còn là rào cản.
Ngoài ưu điểm, hạn chế giữa 2 môi trường, ở góc độ tâm lý, ông Nguyễn Minh Duy, hoạt động trong lĩnh vực tâm lý ở TPHCM cho biết, nhiều lao động không muốn về quê còn xuất phát từ mong muốn "thoát ly" gia đình, quê nhà.
Nhất là nhóm lao động trẻ, nhóm đối tượng thường có những xung đột, khác biệt về giá trị, quan điểm sống một cách gay gắt với bố mẹ, họ hàng, hàng xóm. Khi những khác biệt này không được dung hòa, họ chọn cách "ra riêng" cũng là cách để tránh những mâu thuẫn.
Những xung đột này theo ông Duy, thường chỉ được giải quyết bằng thời gian, trải nghiệm của mỗi người. Nhiều người khi qua thời trẻ, họ lại muốn về quê, gần bố mẹ.