Từ 2021, doanh nghiệp phải có quy định phòng, chống quấy rối tình dục?

(Dân trí) - Kể từ ngày 1/1/2021, các doanh nghiệp phải xây dựng các quy định phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, đây là một phần dự thảo Nghị định về chính sách đối với lao động nữ và bình đẳng giới.

Tại Điều 12, Dự thảo Nghị định đã nêu cụ thể về những hành vị quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Theo đó, quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào đối với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận, gồm: Hành động, cử chỉ có tính chất tình dục; ngôn ngữ, tài liệu trực quan đề cập cụ thể, miêu tả hoặc liên quan đến hoạt động tình dục; đề nghị, yêu cầu, gợi ý đổi quan hệ tình dục lấy sự đánh giá ưu ái hoặc sự hứa hẹn công việc, lương, thưởng.

Từ 2021, doanh nghiệp phải có quy định phòng, chống quấy rối tình dục? - 1

Dự thảo nghị định cũng ban hành quy định của người sử dụng lao động về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc

Cụ thể, người sử dụng lao động phải quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc trong nội quy lao động.

Nội dung về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc có thể được quy định thành một văn bản riêng và là phụ lục đính kèm của nội quy lao động.

Quy định của người sử dụng lao động về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc phải bao gồm các nội dung cơ bản sau:

a) Nghiêm cấm hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

b) Quy định chi tiết, cụ thể về các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc phù hợp với đặc điểm của người sử dụng lao động

c) Việc bảo vệ bí mật, danh dự, uy tín, nhân phẩm, an toàn cho nạn nhân bị quấy rối tình dục, người tố cáo và người bị tố cáo

d) Trình tự, thủ tục xử lý hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, bao gồm thẩm quyền, trình tự, thủ tục khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo và các quy định có liên quan;

đ) Hình thức xử lý kỷ luật lao động đối với người thực hiện hành vi quấy rối tình dục hoặc người tố cáo sai sự thật.

Dự thảo Nghị định yêu cầu người sử dụng lao động có nghĩa vụ:

a) Thực hiện và giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

b) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc cho người lao động;

c). Khi xuất hiện việc khiếu nại, tố cáo về hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, người sử dụng lao động phải kịp thời ngăn chặn hành vi quấy rối tình dục và có biện pháp nhằm bảo vệ bí mật, danh dự, uy tín, nhân phẩm, an toàn cho nạn nhân bị quấy rối tình dục, người tố cáo và người bị tố cáo;

d) Bồi thường thiệt hại cho nạn nhân nếu như có tố cáo về hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc mà không tiến hành ngăn chặn, xử lý.

Nghị định cũng yêu cầu người lao động phải có nghĩa vụ:

a) Thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

b) Tham gia xây dựng môi trường làm việc không có quấy rối tình dục;

c) Ngăn cản, tố cáo mọi hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc cho tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.

Theo Nghị định, tổ chức đại diện người lao động phải có trách nhiệm:

a) Tham gia xây dựng, thực hiện các quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

b) Cung cấp thông tin, tư vấn và đại diện cho người lao động bị quấy rối tình dục, người lao động đang bị tố cáo có hành vi quấy rối tình dục;

c) Tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, tập huấn quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Dự thảo Nghị định cũng khuyến khích người sử dụng lao động và tổ chức đại diện người lao động lựa chọn nội dung về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc để tiến hành thương lượng tập thể.

Minh Anh