Từ 1/1/2021: Phi công nghỉ việc phải báo trước 120 ngày?
(Dân trí) - Thành viên tổ lái tàu bay trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) phải báo trước ít nhất 120 ngày đối với HĐLĐ không xác định thời hạn hoặc HĐLĐ xác định thời hạn từ 12 tháng trở lên.
Đây là một phần nội dung dự thảo quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động 2019 về quản lý lao động, hợp đồng lao động, tiền lương, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất.
Thành viên tổ bay
Dự thảo đang được Bộ LĐ-TB&XH lấy ý kiến góp ý tới ngày 27/7. Nếu được thông qua, quy định trên sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, trùng với thời điểm Luật Lao động 2019 có hiệu lực.
Theo nội dung dự thảo Nghị định, Luật Lao động 2019 đã quy định thời gian trong một số trường hợp người lao động và người sử dụng lao động phải báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong một số ngành, nghề, công việc đặc thù.
Ngành, nghề, công việc đặc thù gồm 3 nhóm dưới đây.
Thành viên tổ lái tàu bay; nhân viên bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và thiết bị tàu bay có chứng chỉ xác nhận cho tàu bay vào khai thác (CRS) mức B trở lên; nhân viên điều độ, khai thác bay.
Người quản lý doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
Thuyền viên thuộc thuyền bộ làm việc trên tàu Việt Nam đang hoạt động ở nước ngoài, thuyền viên được doanh nghiệp Việt Nam cho tàu biển nước ngoài thuê lại đang làm việc trên tàu biển nước ngoài.
Thời gian báo trước
Người lao động làm các ngành, nghề, công việc đặc thù nêu trên quy khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:
Ít nhất 120 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12 tháng trở lên.
Ít nhất bằng một phần tư thời hạn của hợp đồng lao động đối với hợp đồng lao động có thời hạn dưới 12 tháng.
Đối với người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động làm ngành, nghề, công việc đặc thù nêu trên thì phải báo trước cho người lao động theo quy định này.
Thống nhất câu chuyện nghỉ việc của phi công từng gây tranh cãi
Trước đó, việc quy định về thời gian nghỉ việc của phi công từng gây sự chú ý của dư luận .
Cụ thể, năm 2017, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Thông tư số 21/2017 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 01/2011 ban hành Bộ quy chế an toàn hàng không dân dụng lĩnh vực máy bay và khai thác máy bay.
Trong đó có quy định người lao động (gồm cả phi công) đơn phương chấm dứt hợp đồng phải báo trước 120 ngày.
Cũng ở thời điểm đó, quy định trên của Bộ Giao thông Vận tải gây chú ý của dư luận vì chưa phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2012 (Điều 36, Điều 37).
Cụ thể, tại Điều 37 của Bộ luật Lao động năm 2012, quy định thời hạn người lao động phải báo trước khi thực hiện đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động tùy thuộc vào loại hợp đồng lao động và căn cứ chấm dứt, bao gồm các loại thời hạn: Ít nhất 3 ngày làm việc; ít nhất 30 ngày; ít nhất 45 ngày; hoặc được thực hiện theo thời hạn quy định tại Điều 156 Bộ luật Lao động năm 2012…
Do vậy, việc ban hành Luật Lao động 2019 với dự thảo quy định lại thời gian báo trước đối với những công việc đặc thù (trong đó có phi công) đã thống nhất quy định của các ngành, tạo điều kiện để các bên tuân thủ thực hiện từ năm 2021.
Hoàng Mạnh