Từ 1/1/2018: 4 chính sách về bảo hiểm xã hội có hiệu lực

(Dân trí) - Từ ngày 1/1/2018, nhiều quy định về lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế được nêu trong Luật Hình sự năm 2015, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và các Thông tư liên quan sẽ bắt đầu có hiệu lực.

Từ 1/1/2018: 4 chính sách về bảo hiểm xã hội có hiệu lực - 1

Quy định đóng bảo hiểm xã hội gồm mức lương, phụ cấp và khoản bổ sung khác.

Theo Khoản 3, Điều 4, Thông tư 47/2015/TT-BLĐXH, các khoản bổ sung khác được ghi trong hợp đồng là: “Các khoản bổ sung xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động và trả thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương; Các khoản bổ sung không xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động, trả thường xuyên hoặc không thường xuyên trong mỗi kỳ trả lương gắn với quá trình làm việc, kết quả thực hiện công việc của người lao động”.

Cũng theo Thông tư trên, các khoản bổ sung khác không phải đóng BHXH chủ yếu là không cố định, như: Tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 của Bộ luật lao động, tiền thưởng sáng kiến; tiền ăn giữa ca; các khoản hỗ trợ xăng xe, điện thoại, đi lại, tiền nhà ở, tiền giữ trẻ, nuôi con nhỏ; hỗ trợ khi người lao động có thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản hỗ trợ, trợ cấp khác...

Phạt cao nhất từ 2-10 năm nếu gian dối BHXH, BHYT, BHTN.

Theo đó, Điều 216 Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) quy định người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (BHXH, BHYT, BHTN) cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, phạm tội thì bị phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ đồng hoặc bị phạt tù từ 2 - 7 năm.

Các hành vi phạm, phạm tội được nêu làm căn cứ áp dụng chế tài trên gồm: Trốn đóng bảo hiểm 1 tỉ đồng trở lên; trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên…

Ngoài ra, Điều 216 còn quy định: phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm với các hành vi sau: Trốn đóng bảo hiểm từ 50 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng; trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.

Tăng thời gian làm việc để hưởng 75 % lương hưu

Theo quy định của Luật BHXH, từ ngày 1/1/2018, lao động nam có đủ 31 năm làm việc có tham gia BHXH mới có thể nhận lương hưu bằng 75 % mức đóng BHXH, với lao động nữ là 31 năm. Trước đó, lao động nam đủ 30 năm và lao động nữ đủ 25 năm đóng BHXH sẽ nhận được mức lương hưu bằng 75 % tiền đóng BHXH hàng tháng.

Hỗ trợ tối đa 30 % kinh phí tham gia BHXH tự nguyện

Đây là một nội dung của Nghị định 134/2015/NĐ-CP về bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2018.

Được hỗ trợ tối đa 30 % kinh phí. Theo đó, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn, cụ thể:

Bằng 30% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo; bằng 25% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ cận nghèo; bằng 10% đối với các đối tượng khác.

Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế- xã hội và khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện cho phù hợp.

Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thực tế của mỗi người nhưng không quá 10 năm (120 tháng).

Hoàng Mạnh

Tin liên quan:

Tháng 1/2018: Thanh tra 284 đơn vị nợ bảo hiểm xã hội tại Hà Nội

Cơ quan thanh tra Thành phố Hà Nội vừa thông báo kế hoạch thanh tra 284 đơn vị nợ bảo hiểm xã hội (BHXH) trên địa bàn thành phố từ tháng 1/2018. Các đơn vị trên có thời gian nợ BHXH từ 7 - 35 tháng với tổng số tiền hơn 100 tỉ đồng. Thống kê của BHXH Hà Nội, tính đến hết 30/11/2017, số nợ của 284 đơn vị là trên 100 tỷ đồng, trong đó có Xí nghiệp Cầu 18 - Cienco1 nợ trên 10 tỷ đồng; Công ty CP đầu Tư Xây Dựng Quang Trung nợ trên 1,9 tỷ đồng; Công ty Cổ phần - Tổng Công ty Cơ khi Xây dựng Thăng Long nợ gần 1,5 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng hạ tầng INCICO nợ trên 1,4 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Á Đông và Công ty Cổ phần Cơ khí Hồng Nam đều đang nợ trên 1 tỷ đồng;…

Cũng theo Thanh tra Thành phố, việc thanh tra sẽ tạm dừng ở những đơn vị tự nguyện nộp lại số tiền nợ BHXH, BHYT vào tài khoản của cơ quan BHXH Hà Nội. Trong tháng 12, BHXH Hà Nội đã công khai tên của 500 doanh nghiệp nợ BHXH từ 6 tháng trở lên với tổng số tiền nợ là 1.144 tỷ đồng. Tình trạng nợ BHXH kéo dài của các doanh nghiệp, đơn vị đã xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của hơn 210.000 lao động.

M.K

Cả nước có 24 người hưởng lương hưu từ 30 - 100 triệu đồng

Khảo sát của BHXH VN, cả nước có 2,4 triệu người đang hưởng lương hưu hàng tháng, trong đó có 24 người được hưởng mức lương từ 30 triệu đến hơn 100 triệu đồng/tháng.

Theo ông Đỗ Ngọc Thọ, Phó Ban thực hiện hiện chính sách BHXH (BHXH Việt Nam), cho biết cả nước hiện có 2,4 triệu người đang được hưởng lương hưu hàng tháng. Khoảng 100 người có lương hưu từ 23 triệu đồng/tháng đến 101 triệu đồng/tháng, trong đó có 24 người được lương hưu trên 30 triệu đồng/tháng.

Ở mức lương hưu từ 17,25 triệu đến dưới 23 triệu đồng/tháng, cả nước có 150 người. Mức lương hưu 13 triệu đồng (cao gấp 10 lần lương cơ sở) gồm khoảng 600 người. Mức lương từ 6 triệu đến dưới 13 triệu đồng/tháng, có khoảng gần 350.000 người. Tới thời điểm hiện nay, mức lương hưu cao nhất là 101 triệu đồng/tháng, thuộc về một nam giới đang ở TP HCM. Người này có thời gian tham gia BHXH là 23 năm 3 tháng. Cũng theo Ban thực hiện chính sách BHXH, mức lương thấp nhất ở Việt Nam hiện nay là hơn 300.000 đồng/tháng, thuộc về nhóm một số nông dân ở Nghệ An. Đây là những người đã tham gia chương trình thí điểm đóng bảo hiểm xã hội cho nông dân. Sau một thời gian, họ được chuyển sang đóng bảo hiểm tự nguyện. Nhóm này có thời gian đóng ngắn, mức đóng BHXH hàng tháng thấp (có thời điểm chỉ là 10.000 đồng mỗi tháng) nên khi nghỉ hưu, mức hưởng cũng khá thấp.

V.K

Số người nộp hồ sơ đăng ký bảo hiểm thất nghiệp tăng 23 %

Theo Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội), số người lao động đã nộp hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp năm 2017 là 49.685 người, tăng 23,2%.

Sau khi hợp nhất, kể từ ngày 1/3/2017, Trung tâm DVVL Hà Nội có 7 điểm tiếp nhận và trả kết quả BHTN trên toàn thành phố Hà Nội gồm: Yên Hòa, Bách Khoa, Hà Đông, Long Biên, Sóc Sơn, Đông Anh và Sơn Tây. Các điểm tiếp nhận được bố trí ở vị trí hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động trong việc giải quyết thủ tục bảo hiểm thất nghiệp. Cũng trong năm 2017, Trung tâm đã phối hợp với các cơ quan ban ngành giải quyết xử phạt các trường hợp vi phạm hành chính theo đúng quy trình đã được hướng dẫn. Tính đến thời điểm hiện tại đã có 295 trường hợp có quyết định về xử phạt hành chính để hoàn trả cho nguồn quỹ BHTN. Qua triển khai công tác bảo hiểm thất nghiệp, Trung tâm dịch vụ việc làm phản ánh thực tế chưa kết nối được với dữ liệu thu của cơ quan Bảo hiểm xã hội. Điều này khiến việc trao đổi thông tin, nhất là các trường hợp cần xác nhận lại thông tin về thời gian tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động, hoặc cần phát hiện kịp thời khi người lao động có việc làm trước và trong thời gian đang hưởng trợ cấp thất nghiệp... Đây là những khó khăn tồn tại chung trong công tác triển khai chính sách bảo hiểm thất nghiệp hiện nay.

H.M